Doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng EVFTA cách nào?

(PLVN) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) theo dự kiến sắp được Quốc hội thông qua. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Nhưng nếu không tìm cách tận dụng, những lợi thế mà châu Âu dành cho Việt Nam thông qua Hiệp định này khó có thể trở thành sự thật.
Doanh nghiệp phải thay đổi nhiều để tận dụng cơ hội từ EVFTA. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp phải thay đổi nhiều để tận dụng cơ hội từ EVFTA. Ảnh minh họa

Lợi thế cạnh tranh với các nước ASEAN

Theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu (NK) đối với khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU. 

Cũng theo nội dung cam kết của EU được thể hiện trong Hiệp định, sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế NK đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch XK), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế suất NK trong hạn ngạch là 0%.

“Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ sau một lộ trình ngắn khoảng 7 năm. Đây sẽ là một điều kiện vô cùng thuận lợi, một sự đột phá mới, mở ra cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV), tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá hàng hóa XK khi so sánh với giá của các quốc gia trong khu vực, khi họ XK các sản phẩm của họ sang thị trường EU” - ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận định.

Ông Thân cho rằng, các nước ASEAN đang cạnh tranh quyết liệt với nhau và các nước khác trong việc XK hàng hóa sang EU, việc Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực ASEAN ký kết EVFTA là một lợi thế quan trọng, giúp cho hàng hóa của DN Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU, thông qua việc miễn giảm các dòng thuế NK. EVFTA cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong thời gian ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam so với các nước ASEAN tại thị trường EU.

Tuy nhiên, theo ông Thân, lợi thế của EVFTA với DNNVV rất lớn nhưng đối tượng này cũng sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về các rào cản kỹ thuật như an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa NK vào EU, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa… sẽ gây không ít khó khăn cho các DN mà nếu không nắm bắt kỹ càng thì DN khó có thể tận dụng lợi thế mà EVFTA mang lại.

Thay đổi nhận thức, chủ động hợp tác, liên kết 

Ông Thân cho rằng, hiện nay đa phần các DN Việt Nam đều quen với cách tiếp cận thông tin qua các website của Việt Nam giới thiệu về thị trường EU. Trong khi đó, các trang web này nhiều khi không được cập nhật thường xuyên, dẫn đến lượng thông tin có hạn, không đề cập sâu rộng về các vấn đề thị trường, nhu cầu về hàng hóa NK cũng như các quy định về hàng hóa NK vào thị trường EU. Đây là lý do khiến hầu hết các DN Việt Nam đều chưa sẵn sàng để bắt đầu cuộc chơi EVFTA lớn này.

Mặt khác, dù các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài và đặc biệt tại các nước EU đã cố gắng, nỗ lực cung cấp các thông tin hữu ích về thị trường nước ngoài cho các DN, nhưng “chưa đủ”. Do đó, DN Việt cần chủ động tiếp cận các nguồn thông tin thông qua website của chính các nước trong thị trường EU. Điều này đòi hỏi các DN Việt phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho nhân viên, nhất là nhân viên XNK có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn nhất định, đủ để tiếp cận các thông tin từ các trang web nước ngoài.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, EU là thị trường rất phát triển, những thông tin về thị trường mang tính chuyên môn hóa cao. Không phải DN cứ đọc thông tin trên báo chí, các phương tiện truyền thông là có thể nắm hết được, mà đòi hỏi các DN phải có nghiên cứu, đầu tư chi phí để mua thông tin dữ liệu từ thị trường này mới có thể xúc tiến XK được.

Do đó, theo ông Phú, để tối ưu hóa lợi ích mang lại từ EVFTA, DNNVV cần phải thay đổi nhận thức về xúc tiến XK đối với thị trường EU và các thị trường nói chung. Đặc biệt, EU là thị trường có yêu cầu rất cao về yêu cầu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, vấn đề về môi trường. DN Việt không nên coi đây là rào cản về phi thuế quan mà phải nhìn nhận đây chính là yêu cầu nền móng để DN Việt buộc phải tuân thủ. Khi đạt được chất lượng vào thị trường EU, lợi ích sẽ mang lại rất lâu dài như nâng cao được năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, dễ dàng tiếp cận thị trường EU cũng như thị trường khó tính khác một cách dễ dàng.

Ngoài ra, điều quan trọng nữa là các DN cần phải chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng mới mong muốn có thể tận dụng tốt những lợi thế mà EVFTA mang lại.

Đọc thêm