Dự án ODA: Đối ứng cần trăm tỷ, giải ngân… 0 đồng!

(PLO) - Trong khi các nhà thầu ngoại liên tục ra thư khiếu nại, thậm chí cảnh báo giảm năng suất công việc vì bị thiếu nợ tại các Dự án ODA ở Hải Phòng, thì Bộ GTVT vẫn hết sức “tự nhiên” với lời đề nghị... “nhà thầu chia sẽ và hỗ trợ chủ đầu tư”, vì khó khăn về nguồn đối ứng.
Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng  đầu tư gần 12 ngàn tỷ đồng (vốn ODA 50 tỷ Yên, đối ứng 1.800 tỷ đồng)
Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng đầu tư gần 12 ngàn tỷ đồng (vốn ODA 50 tỷ Yên, đối ứng 1.800 tỷ đồng)

Người trong giới xây lắp nói, ứng xử như vậy với nhà thầu ngoại, nhất là với các nhà thầu Nhật là không fair play (chơi đẹp), vì đa phần các nhà thầu đến từ xứ sở mặt trời mọc đều nổi tiếng là những người làm ăn bài bản, đồng thời rất tôn trọng các điều khoản về chất lượng, tiến độ và thanh toán của hợp đồng. Trong khi tại “siêu” Dự án cảng quốc tế Lạch Huyện và đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện thuộc địa bàn Hải Phòng, Bộ GTVT vẫn đang nợ đọng các nhà thầu này số tiền lên tới hàng trăm tỷ.

“Bế tắc” hết năm nay?

Trong các báo cáo của PMU2 và PMU Hàng hải (đại diện chủ đầu tư 2 dự nói trên) gửi chủ đầu tư - Bộ GTVT, có lẽ ngoài việc thông báo tình hình tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng thì cụm từ được láy đi láy lại nhiều nhất đó là “thiếu vốn”.

Theo tìm hiểu của PLVN, dự án “khát” vốn đối ứng tới mức đến thời điểm này, các nhà thầu thi công Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện đã chính thức 3 lần có thư khiếu nại với nội dung cảnh báo giảm năng suất công việc, đòi bồi thường chi phí tài chính… do chưa được thanh toán gần 450 tỷ đồng. “Số vốn đối ứng của dự án cần bố trí trong năm nay (2016) đến thời điểm này là 670 tỷ đồng. Nhưng thực tế mới bố trí được 85 tỷ và cơ bản đã giải ngân hết…” - PMU2 “kêu” trong một văn bản gửi bộ chủ quản.

“PMU2 dù ít những vẫn có được mấy chục tỷ để trả cho nhà thầu. Còn ở Dự án cảng quốc tế Lạch Huyện thì… 0 đồng luôn! Tình hình nói chung đang hết sức khó khăn và chưa có hướng giải quyết, chí ít là đến hết năm nay.”, bà Lã Hồng Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng & Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) thông báo.

Trao đổi với PLVN, ông Trần Anh - Tổng Giám đốc PMU Hàng hải cũng than phiền: “Nhu cầu vốn đối ứng năm 2016 cho Dự án cảng Lạch Huyện là 500 tỷ đồng, nhưng đến giờ này vẫn chưa bố trí được đồng nào cả. Trong khi năm ngoái vẫn còn thiếu hơn trăm tỷ, trong đó nợ thuế VAT của nhà thầu là 90 tỷ đồng.”.

Theo Cục QLXD&CLCTGT, chưa kể con số hàng trăm tỷ đồng chưa thể bố trí được như đã nêu, mới đây, có một khoản phí cần phải thu xếp để ngân hàng có thể tiến giải ngân nguồn vốn ODA tại dự án này - khoảng 15 tỷ đồng, nhưng Bộ GTVT cũng “bó tay”!? “Khoản đó gọi là phí đầu cuối của Hiệp định 3 - tức là chi phí phải thanh toán cho phía ngân hàng thu xếp vốn. Đầu tháng 8/2016, Bộ Tài chính đã có văn bản cho biết, hạn cuối nộp phí là 1/2/2017. Nếu lúc đó, mình không thu xếp được nguồn vốn để trả thì phía JICA sẽ tạm dừng giải ngân Hiệp định 3 đối với dự án này - là gay go.”, Phó Cục trưởng Hạnh tiếp lời.

“Giật” tạm vốn cổ phần hóa!

Trước tình cảnh vốn chưa có mà nhà thầu thì liên tục đốc nợ, mới đây Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã chỉ đạo PMU2 “nói khó” với nhà thầu Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện rằng: “Đây là khó khăn chung đối với tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Đề nghị các nhà thầu cùng chia sẽ và chủ động cố gắng hỗ trợ chủ đầu tư dự án.”.

Đồng thời, ông Thứ trưởng phụ trách 2 Dự án ODA giao thông lớn ở Hải Phòng cũng cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản trình Thủ tướng chấp thuận phương án sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhằm tạm thời bố trí cho các dự án vượt qua giai đoạn này. 

Ngoài ra, để giải quyết khó khăn cho nhà thầu, PMU2 còn đề nghị giảm mức bảo hành công trình từ 5% xuống còn 3%, đồng thời dừng khấu trừ thanh toán tiền tạm ứng cho các nhà thầu do bế tắc nguồn vốn.  

“Dùng tạm vốn cổ phần hóa là một phương cách nhưng xem ra không được bao nhiêu. Hiện đang có một nguồn nữa đó là từ các Dự án ODA trong lĩnh vực y tế chưa bố trí hết có thể xem xét điều chuyển sang. Nhưng thực tế, nhu cầu vốn cho lĩnh vực giao thông hạ tầng giai đoạn này quá lớn nên cũng không thấm vào đâu.”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT nhận định. 

Tóm lại, chuyện vốn liếng đang cực kỳ nan giải và làm phương hại đến lợi ích các nhà thầu tại các dự án sử dụng vốn vay ODA. Thế nhưng, các nhà thầu vẫn rất fair play với chủ đầu tư khi không một ngày ngơi nghỉ trên công trường. Cụ thể, con số 85% giá trị hợp đồng (tương đương 6.461 tỷ đồng) mà Liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui - Trường Sơn - Cienco4 thực hiện được ở Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện đến thời điểm này là một minh chứng cho nhà thầu ngoại đã nỗ lực hết mức dù vẫn đang bị thiếu nợ./.

Cần nhiều, cấp được bao nhiêu?

Năm 2014, chúng tôi đăng ký vốn đối ứng lần đầu 313 tỷ đồng, nhưng chỉ được cấp 50 tỷ đồng; lần 2 đăng ký 200 tỷ, chỉ  được cấp 80 tỷ. Năm ngoài, đăng ký lần đầu 500 tỷ, thì được cấp có 40 tỷ. Trong năm 2016 này, Ban đã đăng ký 500 tỷ đồng, nhưng tới giờ vẫn chưa cấp đồng nào. Về phía nhà  thầu Nhật - họ làm ăn bài bản nên rất không hài lòng trước tình trạng nợ nần như thế.”, Phó Tổng Giám đốc PMU Hàng hải Nguyễn Ngọc Quang.

Đọc thêm