Hà Nội: Doanh nghiệp khốn đốn vì quy hoạch... chậm

(PLO) - Đầu tư vốn hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng trung tâm thương mại tại làng Bát Tràng để góp phần phát triển làng nghề cổ truyền nhưng đến nay Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Quang Minh đã gặp “tai họa” khi dự án bị đình trệ không thời hạn vì UBND TP Hà Nội thực hiện quy hoạch lại làng nghề gốm sứ nổi tiếng này.
Nhà trưng bày sản phẩm trong dự án đầu tư của Công ty Quang Minh
Nhà trưng bày sản phẩm trong dự án đầu tư của Công ty Quang Minh

Nhiệt huyết vì làng nghề 

Năm 2012, Công ty cổ phần Hoàng Hùng Hưng (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Quang Minh) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng để thực hiện dự án đầu tư khu Trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch làng nghề tại khu đất có diện tích hơn 1,2 hecta tại làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng. Đây là diện tích đất vốn được đăng ký sử dụng làm phân xưởng mỹ nghệ thuộc Xí nghiệp Sứ Bát Tràng. 

Theo thỏa thuận của hai doanh nghiệp, Công ty Quang Minh đầu tư toàn bộ vốn để thực hiện dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo hồ sơ do Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng trình. Ngày 20/6/2012, UBND huyện Gia Lâm đã cấp giấy phép xây dựng, cho phép Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng xây dựng nhà trưng bày 3 tầng trên diện tích và hơn 5.200m2 và nhà thao diễn trên 2.000m2.

Năm 2013, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định cho Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng thuê hơn diện tích đất này và Sở TN-MT TP Hà Nội đã ký hợp đồng thuê đất với Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng, với thời hạn thuê đất là 50 năm, tính từ năm 1998.

Với hồ sơ sử dụng đất hợp pháp và thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng, Công ty Quang Minh đã bắt đầu rót vốn đầu tư Trung tâm thương mại, dịch vụ Bát Tràng với mong muốn sẽ tạo ra một trong những cơ sở xúc tiến thương mại và du lịch quan trọng để phát triển làng nghề gốm sứ truyền thống vang danh của Thủ đô theo hướng kết hợp thương mại với du lịch tại làng nghề này.

Theo bà Vũ Thị Nhung, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc  Công ty Quang Minh thì từ năm 2012 đến năm 2014, Công ty đã đầu tư xây dựng được khoảng 40% các hạng mục đầu tư của dự án. Dự án đã gặp khó khăn khi xây dựng hạng mục chính là Nhà thao diễn A – B do nền địa chất yếu và trong quá trình xây dựng kết cấu móng, doanh nghiệp đã phát hiện, di dời 53 bộ hài cốt vô danh trên diện tích đất của công trình chính. Tuy nhiên, với quyết tâm của Công ty, diện mạo của Trung tâm thương mại cũng bắt đầu hình thành với các công trình nhà trưng bày và phần móng của nhà thao diễn đã cơ bản hoàn thành.

Phần móng của tòa nhà thao diễn trong dự án của Công ty Quang Minh đã hoàn thành và phải nằm đợi quy hoạch
Phần móng của tòa nhà thao diễn trong dự án của Công ty Quang Minh đã hoàn thành và phải nằm đợi quy hoạch 

Quy hoạch chậm, nỗi “kinh hoàng” của nhà đầu tư

Làng nghề Bát Tràng vốn được quy hoạch theo Quyết định số 105/2001/QĐ-UBND ngày 6/11/2001 của UBND Thành phố Hà Nội. Năm 2016, UBND Thành phố Hà Nội đã thực hiện phương án Quy hoạch bảo tồn, phát triển du lịch làng nghề truyền thống đối với làng nghề nổi tiếng của thủ đô là làng nghề lụa Vạn Phúc (Hà Đông) và làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Lúc này, dự án đang thực hiện của Công ty Quang Minh bắt buộc phải dừng lại để chờ quy hoạch.

Do Thành phố thực hiện quy hoạch lại theo phương án mới đối với làng nghề Bát Tràng nền dự án cũ của Công ty Quang Minh bắt buộc phải dừng để đợi quy hoạch. Theo dự kiến quy hoạch mới, diện tích đất mà Công ty Quang Minh đang sử dụng và triển khai dự án cũ nằm trong quy hoạch đất công cộng và dịch vụ. Như vậy, dự án mà Công ty đang thực hiện cũng phù hợp với dự kiến quy hoạch của Thành phố.

Doanh nghiệp không thể tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án vì quy hoạch chưa được Thành phố phê duyệt
Doanh nghiệp không thể tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án vì quy hoạch chưa được Thành phố phê duyệt

Tuy nhiên, kể từ khi Thành phố bắt tay thực hiện quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch, dịch vụ tại xã Bát Tràng đến nay đã gần 3 năm, đến nay quy hoạch chính thức vẫn chưa được phê duyệt. Do đó, mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn phải nằm bất động.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay có khoảng 60% diện tích đất trong dự án của doanh nghiệp chưa được sử dụng, trong đó có hạng mục công trình nhà thao diễn đã hoàn tất phần móng nhưng không thể tiếp tục triển khai. Riêng hạng mục này cũng đã ngốn của doanh nghiệp hơn chục tỷ đồng nhưng không thể khai thác để hoàn vốn. Ngoài ra, do dự án bị đình chỉ để chờ quy hoạch nên một phần đất đã không thể tiếp tục giải phóng mặt bằng.

Theo đại diện của Công ty Quang Minh, hiện nay cả Công ty và người dân xã Bát Tràng đều đang chờ đợi các hạng mục còn lại của dự án được xây dựng, hoàn thiện để đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng kinh doanh của các hộ gia đình làm nghề truyền thống và phát triển dịch vụ du lịch. Song, cả người dân và doanh nghiệp đều phải mòn mỏi chờ quy hoạch. Thậm chí, các hạng mục xuống cấp của công trình đã xây dựng cũng không được sửa chữa vì phải đợi... quy hoạch.

Một thực tế khá rõ ràng là mỗi ngày trôi qua, số tiền mà doanh nghiệp đã đầu tư nhưng không thể hoàn vốn sẽ trở thành gánh nặng, bào mòn sức sống của doanh nghiệp. Với số tiền hàng chục tỷ không thể sinh lợi nhuận mà doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục bỏ tiền để bảo vệ tài sản thì sự chậm chễ trong việc thực hiện dự án đến từ “quy hoạch chậm” quả là nỗi kinh hoàng của các nhà đầu tư, không riêng gì Công ty Quang Minh. 

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm