Hiệp hội ngành hàng: Yếu kém vì đang bị “hành chính hóa”?

(PLO) - Phần lớn hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng hiện nay đang gắn chặt với quản lý nhà nước, như “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành hàng hoặc đang hoạt động một cách thụ động khi chỉ làm nhiệm vụ phản ánh những kiến nghị của hội viên tới các cơ quan liên quan. 
Theo IPSARD, cần cơ cấu các HHNH theo hướng phục vụ lợi ích hội viên, phát triển ngành theo chuỗi giá trị thông qua các trung tâm dịch vụ
Theo IPSARD, cần cơ cấu các  HHNH theo hướng phục vụ lợi ích hội viên, phát triển ngành theo chuỗi giá trị thông qua các trung tâm dịch vụ

Chưa “tròn” vai

Điều phối hoạt động sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ thông tin, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Hợp tác và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước phát triển ngành hàng là 4 vai trò đòi hỏi đối với hoạt động của một hiệp hội ngành hàng (HHNH). 

Tuy nhiên, một khảo sát mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT  (IPSARD) lại cho thấy, 100% nguồn tài chính để các HHNH duy trì hoạt động là do các hội viên đóng góp, nhưng các nhiệm vụ tối quan trọng của các ngành hàng như:  xây dựng thương hiệu, khảo sát thị trường, tham gia tranh chấp thương mại quốc tế… thì các HHNH hầu như chưa đủ khả năng thực hiện, hoặc thực hiện rất yếu kém.  

Thậm chí, không ít HHNH hiện nay đang có những hoạt động gắn chặt với hoạt động quản lý nhà nước, không khác gì một cơ quan hành chính và thể hiện mình như “cánh tay nối dài” của các cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành hàng đó. 

Theo chuyên gia Phạm Minh Trí - Viện IPSARD, nhóm hiệp hội hoạt động phục vụ quản lý nhà nước được trao nhiều quyền điều hành ngành hàng như trường hợp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chẳng hạn. Cụ thể, VFA đang được trao quyền điều hành hạn ngạch xuất khẩu, hợp đồng xuất khẩu, mua tạm trữ, định giá sàn, đưa ra định hướng ký hợp đồng.

“Một số hiệp hội được Chính phủ giao chức năng quản lý ngành hàng nên hướng hoạt động vào giải quyết các vấn đề lợi ích chung, chưa thực sự quan tâm đến những lợi ích cụ thể của các hội viên. Các HHNH này tập trung chủ yếu vào quản lý nên đã hành chính hóa hiệp hội, bỏ qua một số vài trò quan trọng như: chiến lược phát triển, mở rộng hội viên theo chuỗi giá trị, quản bá thương hiệu”, ông Trí nói. 

Đừng biến hiệp hội thành cơ quan hành chính

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) là tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản, nhằm mục đích phối hợp, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch danh dự VASEP, từ 1975-1980 việc hình thành HHNH này hầu như bị lãng quên. Đến giai đoạn 1995 -2000 đã thay đổi thể chế và tổ chức, tiến hành thành lập NAFIQUACHEN (tiền thân của Cục Chế biến nông lâm thủy sản hiện nay - PV) và đặc biệt là VASEP. 

“Nhờ đó đã thông thị trường, kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục nhiều năm. Có thể coi VASEP là hiệp hội thành công nhưng vẫn là mô hình chưa hoàn hảo: thủy sản vẫn xuất thô, chưa có thương hiệu, cạnh tranh bằng giảm giá, không chủ động về thị trường để đối phó với đối thủ cạnh tranh”- TS. Minh thẳng thắn.  

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - cựu Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - cựu Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản

Ngược lại, Hiệp hội Chè Việt Nam mặc dù được thành lập khá sớm (1988) nhưng sau hơn 30 năm qua hiệp hội này cũng bị đánh giá là hoạt động không như kỳ vọng. Minh chứng là ngành hàng này vẫn có vị trí quá nhỏ bé so với những ngành hàng khác, khi năng suất bình quân chỉ đạt 8,5 ha, xuất khẩu ước đạt 150 ngàn tấn, doanh thu toàn ngành cũng chỉ đạt kiêm tốn khoảng 600 triệu USD. 

TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam thừa nhận rằng, tài chính của Hiệp hội chủ yếu do hội phí của các hội viên đóng góp nhưng nhiều hội viên của hiệp hội lại đang gặp khó khăn về tài chính dẫn đến hiệp hội không đủ khả năng huy động được nhân lực có trình độ cao đến làm việc thường xuyên. Thậm chí, nhiều hội viên còn cố tình giữ bí mật riêng, không cung cấp các thông tin định kỳ về kinh tế và kỹ thuật cho Thường trực hội theo quy định khiến hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. 

Thống kê Viện IPSARD cho thấy, trong 7 hiệp hội ngành hàng thuộc 7 lĩnh vực nông nghiệp hiện nay (lương thực, ca cao, chè, hồ tiêu, thủy sản, rau quả, chăn nuôi) thì cả 7 hiệp hội đang hoạt động theo mô hình Văn phòng Hiệp hội và chỉ có 3 hiệp hội là có thêm các trung tâm dịch vụ. Theo ông Phạm Minh Trí, đối với mô hình hiệp hội hoạt động phục vụ quản lý nhà nước như hiện nay cần phải cơ cấu lại tổ chức của hiệp hội theo hướng phục vụ lợi ích của hội viên và phát triển ngành theo chuỗi giá trị thông qua các trung tâm dịch vụ thay vì Văn phòng hành chính. 

Ngoài ra, vị đại diện Viện IPSARD cũng khuyến nghị các hiệp hội này cần tăng cường các hoạt động gắn với thị trường như xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển và ổn định nguồn cung trong nước, mở rộng hội viên theo kiên kết dọc nhằm kết nối hợp tác và phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng.  

Thành công nhưng chưa hoàn hảo

“Nhờ VASEP, đã thông thị trường, kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục nhiều năm. Có thể coi VASEP là hiệp hội ngành hàng thành công nhưng vẫn là mô hình chưa hoàn hảo: thủy sản vẫn xuất thô, chưa có thương hiệu, cạnh tranh bằng giảm giá, không chủ động về thị trường để đối phó với đối thủ cạnh tranh”, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - cựu Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản.

Đọc thêm