Hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19: Cách nào để doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lần 1 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã đưa ra nhưng đối tượng tiếp cận được chỉ chiếm con số rất nhỏ. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để trong gói hỗ trợ lần 2 này, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được sẽ tăng lên đáng kể? 
Cần thay đổi điều kiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Cần thay đổi điều kiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Nhiều điều kiện chưa hợp lý, thiếu thực tiễn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, thời gian gia hạn từ 3-8 tháng theo từng sắc thuế. Theo nhiều chuyên gia, việc gia hạn này là cần thiết để DN có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong các gói hỗ trợ của Chính phủ thì gói có liên quan đến thuế dễ tiếp cận nhất. Hiện có một số DN đã được hưởng một số chính sách hỗ trợ như lùi thuế GTGT, giảm thuế thu nhập DN… “Tuy nhiên không đáng kể” - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu lý giải, với gói hỗ trợ thiếu việc làm thì các DN thành viên Vinatex hoàn toàn không tiếp cận được, do các DN trong Tập đoàn vẫn tổ chức và duy trì được sản xuất trong khi có dịch (bằng cách sắp xếp linh hoạt, chuyển đổi mặt hàng nhanh). Vì nếu như đáp ứng được tiêu chí của các chính sách hỗ trợ thì đồng nghĩa với việc hàng loạt các đơn vị trong Tập đoàn đã phải đóng cửa với hàng chục nghìn lao động mất việc làm.

Giám đốc một DN siêu nhỏ trong ngành dệt may cũng cho biết, DN của bà cũng chưa có cách nào tiếp cận được với những gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra. Nguyên nhân là các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận được gói hỗ trợ hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt nên không phù hợp với DN, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ.

Công bố mới đây từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng để cho DN vay trả lương ngừng việc cho người lao động, do tác động của dịch COVID-19 mới chỉ giải ngân được gần 43 tỷ đồng, chiếm 0,27% - một con số quá nhỏ so với thiệt hại vô cùng to lớn đối với hầu hết DN hiện có của Việt Nam.

Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân – Ban IV (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) nêu rõ, trong cuộc khảo sát lần 1 và lần 2 của Ban này, hầu hết các DN trả lời hoàn toàn tin tưởng và đánh giá cao việc Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành kịp thời phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như giúp DN dần ổn định và tái thiết cơ hội sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, tại lần khảo sát thứ 3, vấn đề hết sức đáng lưu tâm là đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều DN và hiệp hội khi được hỏi ý kiến về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị các chính sách mới. Hầu hết DN cho biết, còn khó tiếp cận các chính sách của Chính phủ bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn...

Cách nào để chính sách hỗ trợ đến sớm hơn?

Trong bối cảnh sau gần 1 năm rưỡi oằn mình đối phó với dịch bệnh, nguồn tiền của nhiều DN cũng đã dần cạn kiệt, chỉ đủ “cầm cự”, chưa nói đến phát triển mở rộng. Tại thời điểm này, mỗi khoản chi phí phát sinh cũng có thể “đánh gục” DN.

Do đó, Theo bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, các chính sách hỗ trợ tới đây nên tập trung vào tạo điều kiện, hỗ trợ DN giải quyết các vấn đề về vốn, giảm thiểu các chi phí phát sinh, đồng thời cần đánh giá, phân loại, lựa chọn để hỗ trợ đúng đối tượng. “Chú trọng hỗ trợ các DN thuộc các ngành bị tổn thương bởi dịch bệnh nhưng có hệ thống quản trị tốt để có thể vượt lên sau đại dịch” - bà Thủy nhấn mạnh.

Báo cáo của các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ DN cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của DN.

Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch COVID-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí. Một số ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần, đó là: du lịch, vận tải, dệt may, da giày, bán lẻ… cần ưu tiên hỗ trợ trước.

Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng, giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trước tác động của dịch bệnh là cấp thiết, nhưng chỉ là ngắn hạn. Để cộng đồng DN thật sự hồi phục và phát triển bền vững bất kể trong hay sau COVID-19 thì cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt là các chiến lược “khôn ngoan” cho từng ngành, căn cứ trên cơ hội của mỗi ngành và biên độ phục hồi của từng nhóm DN vẫn là động lực chính để DN phát triển. Đó là những nội dung rất cần sự chỉ đạo liên tục và mạnh mẽ từ Chính phủ để đồng hành và tạo động lực cho DN trong lúc này.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm