Hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam: Khẳng định sức mạnh nội lực

(PLVN) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ngày 24/9 thông báo hủy sơ tuyển đấu thầu rộng rãi quốc tế lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam, thay vào đó là đấu thầu trong nước. Phát ngôn của Bộ khẳng định, việc này đúng Luật Đấu thầu, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước được khẳng định mình ở “sân chơi” lớn này.  
Rất nhiều dự án cầu, hầm, đường bộ đã được đầu tư thành công bởi các nhà đầu tư tư nhân trong nước
Rất nhiều dự án cầu, hầm, đường bộ đã được đầu tư thành công bởi các nhà đầu tư tư nhân trong nước

Đảm bảo quy định pháp luật

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác Công - Tư (PPP, Bộ GTVT) cho hay, sau khi cân nhắc các yếu tố, Bộ này đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 Dự án PPP thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo ông Huy, việc hủy này căn cứ theo Khoản 2 Điều 17 Luật Đấu thầu và quy định trong Hồ sơ mời sơ tuyển. “Bởi vậy, theo tôi là không có vướng mắc gì về mặt pháp lý khi đưa ra quyết định này”, Phó Vụ trưởng PPP khẳng định.

Theo tìm hiểu của PLVN, Điều 17 Luật Đấu thầu quy định các trường hợp hủy thầu. Cụ thể, Khoản 2 điều này quy định: việc thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu là một điều kiện để hủy thầu.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, tính đến cuối tháng 7/2019, sau hai tháng kể từ thời điểm phát hành “Hồ sơ mời sơ tuyển”, bên mời thầu nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển. Theo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Bộ này nhận định, kết quả này cho thấy số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.

Từ thực tế đó, Bộ GTVT cho biết, với mong muốn triển khai thành công dự án trọng điểm của quốc gia trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, đồng thời điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước với các dự án này.

Liên quan đến thời điểm tiếp tục thực hiện sơ tuyển với các nhà đầu tư trong nước sau khi đã thôi đấu thầu quốc tế rộng rãi, trả lời PLVN, ông Nguyễn Viết Huy cho biết, sẽ bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 10/2019.

Doanh nghiệp nội đủ sức thực hiện dự án

Ngay sau khi chủ trương trên được công bố ngày 24/9, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ PPP bày tỏ tin tưởng rằng các doanh nghiệp nội địa sẽ đủ sức làm và làm tốt các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam.

Vị này không chỉ  đánh giá cao năng lực  của những tập đoàn kinh tế tư nhân chuyên đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng như Đèo Cả, mà còn tin tưởng vào những doanh nghiệp như Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Tasco, Tập đoàn Trung Sơn, Tập đoàn Vingroup… sẽ đủ tiềm lực và kinh nghiệm để đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam.

Thực tế đã cho thấy, những doanh nghiệp trên đã thực hiện thành công nhiều công trình giao thông lớn, chất lượng tốt. Sun Group là đơn vị xây dựng sân bay Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Tasco vẫn được giới đầu tư hạ tầng gọi là “ông trùm” BOT ở Việt Nam khi đang là ông chủ của hàng loạt BOT trên QL1 (đoạn Quảng Bình), BOT QL10 (Hải Phòng), BOT Mỹ Lộc (Nam Định), BOT cầu Tân Đệ...

Liên quan vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Ngô Hà Quân - Quỹ đầu tư Eco Capital  nhận xét, việc Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế để đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là tin vui đối với các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, để nhà đầu tư tiếp cận được với vốn phục vụ  dự án thì các điều kiện về vốn cần được thay đổi. 

Theo ông Quân, hiện nay hệ thống ngân hàng trong nước đang siết các khoản cho vay lớn, dài hạn. Cụ thể, dư nợ tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định. Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chủ trương giảm dần tỷ lệ cho vay dài hạn với số vốn lớn khiến khả năng huy động vốn từ ngân hàng thương mại trong nước của các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó.

Cần cơ chế để doanh nghiệp trong nước không bỏ cuộc 

Việc đất nước xây dựng những công trình lớn, hàng trăm ngàn tỷ đồng mà lại để cho các doanh nghiệp nước ngoài “nhảy” vào làm là không hợp lý, vì doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể làm được. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước lớn mạnh lên và khẳng định mình. Khi làm hồ sơ mời thầu, thì đơn vị mời thầu nên cân nhắc các điều kiện, tạo cơ chế riêng để doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện thực hiện thay vì đưa ra những điều kiện ngặt nghèo khiến các nhà đầu tư trong nước phải bỏ cuộc.

(TS.Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng)

Cho vay BOT vượt ngưỡng, ngân hàng không thể tự quyết

VietinBank là ngân hàng thương mại từng cho vay ở các Dự án BOT giao thông. Tuy nhiên, hiện nay mức vay cho các dự án dạng này đã sắp đến ngưỡng cho phép theo quy định. Muốn cho vay BOT vượt ngưỡng này, bản thân các ngân hàng thương mại nói chung không thể tự quyết định; đó là thẩm quyền của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ở khía cạnh là một đơn vị kinh doanh, ViettinBank cũng như các ngân hàng thương mại khác lúc nào cũng muốn cho doanh nghiệp vay vốn. Nhưng, một hợp đồng tín dụng được xác lập cần ít nhất hai yếu tố, thứ nhất doanh nghiệp vay vốn đủ khả năng trả nợ; thứ hai, việc cho vay phù hợp với quy định pháp luật.

Chúng tôi cho rằng, ngoài việc tiếp cận với tín dụng trong nước, có thể các doanh nghiệp thực hiện cao tốc Bắc – Nam sẽ tìm hướng tiếp cận các tổ chức tín dụng nước ngoài.

(Ông Phạm Ngọc Điệp - Phụ trách thương hiệu VietinBank)

Hữu Sơn (ghi)

Đọc thêm