Kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng thế nào trước Cách mạng công nghiệp 4.0?

(PLO) - Dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất... Công nghiệp 4.0 là sự kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế nhờ vào sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin, internet và mạng lưới vạn vật kết nối. Cách mạng 4.0 đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất xe Hyundai của Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công được trang bị hệ thống Robot hàn tự động do Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc cung cấp
Dây chuyền sản xuất xe Hyundai của Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công được trang bị hệ thống Robot hàn tự động do Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc cung cấp

Lao động Việt đang mất ưu thế “trẻ”, “rẻ” trước CMCN 4.0

Nếu như Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất, đánh dấu bằng việc  sử dụng nước và năng lượng từ hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, sau đó là sử dụng động cơ đốt trong, nhiên liệu than đá và xây dựng các tuyến đường sắt mở rộng giao thương; Cuộc CMCN lần thứ hai với đặc điểm nổi bật là sử dụng điện năng để phục vụ sản xuất công nghiệp; Cuộc CMCN lần thứ ba – thời kỳ con người phát minh ra máy tính để thực hiện các công việc về trí óc thay cho con người, thì  CMCN lần thứ tư là sự kết hợp các công nghệ làm mờ đi đường ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học.

Đặc biệt, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới.

Giống như các cuộc CMCN trước đó, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân toàn cầu. Việc gọi taxi, đặt vé máy bay, đặt mua hàng hóa, thanh toán hóa đơn, nghe nhạc, xem phim... đều có thể thực hiện từ xa. Việc đổi mới về công nghệ cũng sẽ cải thiện năng suất và hiệu suất cho dịch vụ cung ứng. Chi phí vận chuyển và thông tin liên lạc sẽ giảm, các dịch vụ hậu cần (logistic) và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại sẽ giảm. 

Song cuộc cách mạng này cũng có thể phá vỡ thị trường lao động, khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính và vận tải. 

Ở Việt Nam, với hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động. Việt Nam được coi là đang ở thời kỳ “dân số vàng”. Nguồn nhân lực ở Việt Nam có số lượng xếp hạng thứ 2 Đông Nam Á với 54,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm 58,4% tổng dân số. Trong tổng số 54,4 triệu lao động chỉ có 9,2 triệu người đã được đào tạo từ đại học trở lên.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước trong khu vực. Theo số liệu từ nguồn thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 USD/năm, chỉ bẳng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan… 

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Hoàng Quang Phòng, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường, nhiều lao động phải đào tạo lại. Lao động Việt Nam thường bị đánh giá thấp về ngoại ngữ, các kỹ năng làm việc nhóm kém hiệu quả. Cùng với đó, nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn. Trình độ lao động còn hạn chế kỹ năng nghề, đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng trình độ khoa học công nghệ khi tham gia hội nhập. Do vậy, Việt Nam có tình trạng thiếu lao động kỹ năng, thừa lao động giản đơn. 

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, 86% lao động trong ngành công nghiệp dệt may và giày dép ở Việt Nam đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao từ sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng công nghệ. 

Những yếu tố mà các nước đang phát triển như Việt Nam coi là có ưu thế như: lực lượng lao động thủ công trẻ, chi phí thấp sẽ không còn là thế mạnh. 

CMCN 4.0 lan tỏa ảnh hưởng tới các ngành kinh tế

Mặc dù là một quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người chỉ là 2.200 USD (theo thống kê của Standard & Poor), nhưng Việt Nam cũng đã tham gia khá sâu rộng trong lĩnh vực Internet và truyền thông. Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam đã đạt 52% dân số.

Hiện tại, 55% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại di động. Với một chiếc điện thoại được kết nối Internet, chúng ta có thể được cập nhật các tin tức  thời sự xã hội tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Chúng ta có thể đặt vé máy bay, gọi taxi giá rẻ hay lên mạng xã hội tán gẫu với bạn bè. Việt Nam đang được tận hưởng những công nghệ mới nhất của thế giới trong lĩnh vực truyền thông di động. 

Có 2 lĩnh vực được nhắc đến trong CMCN 4.0 thuộc về y học là cấy ghép và in 3D thì Việt Nam đã có được những thành tựu nhất định. Năm 2016, các bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã in một mảnh sọ nhân tạo bằng methyl methacrylate để vá sọ cho bệnh nhân L.N.T 17 tuổi. Bệnh nhân này bị chấn thương sọ não với một lỗ thủng trên hộp sọ rộng gần 140 mm. Sau khi được phẫu thuật ghép mảnh sọ nhân tạo, bệnh nhân đã hồi phục.

Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), một trong những đặc trưng chủ yếu của CMCN 4.0, chúng ta cũng đã có những sản phẩm AI “Made in Vietnam” như “Hệ thống Săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các cộng sự thuộc Topica AI Labs. Hệ thống AI này được các ngân hàng, Tổng cục Du lịch và nhiều doanh nghiệp sử dụng để định vị thương hiệu. Đây là những cơ sở bước đầu để Việt Nam tham gia vào cuộc CMCN 4.0.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng với từng ngành sẽ khác nhau. 

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cuộc CMCN 4.0 ảnh hưởng nhiều nhất đến những ngành nghề gắn với lao động chân tay, lao động mang tính thao tác lặp đi lặp lại và sản xuất đồng loạt.

Ngoài ra, những ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa, điều khiển được hành vi như: dệt may gia công, lắp ráp điện tử, cơ khí chế tạo... cũng dễ bị thay thế bởi rô bốt. Với nghề lái xe, mà trước tiên là lái xe taxi có thể bị “ra khỏi cuộc chơi” khi nền kinh tế chia sẻ Uber hay Grap taxi nở rộ. Nói chung, với cách mạng 4.0 mọi ngành nghề đều có khả năng bị thay thế. 

Ví dụ: Đối với ngành dầu khí, hiện nay Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn, trước tiên là do sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Việc đầu tàu của kinh tế thế giới “ngốn nhiều năng lượng và nguyên vật liệu” này chạy chậm lại ảnh hưởng mạnh đến các ngành dầu khí và khai thác tài nguyên. Mặt khác, do những đột phá trong lĩnh vực năng lượng (sản xuất năng lượng tái tạo, ắc quy trữ điện) và vận tải (ô tô điện với chi phí sản xuất và giá giảm nhanh), nhu cầu đối với dầu thô khó có thể tăng mạnh. Ngay tại Trung Quốc, như đã nêu trên, nền kinh tế đang chuyển sang “thâm dụng công nghệ” hơn. Điều đó cho thấy những thách thức mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phải đối mặt và  đòi hỏi phải có một quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ.

Hay trong ngành điện tử, trong những năm gần đây, ngành điện tử có những tiến bộ vượt bậc nhờ sự hiện diện của các tập đoàn đa công nghệ,  đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu. Các tập đoàn này đã thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1”-chuyển dịch các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh chi phí lao động đang tăng nhanh tại quốc gia này để đến những địa điểm gần với Trung Quốc. Với lợi thế  tương đối về lao động giá rẻ và vị trí địa kinh tế thuận lợi, Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ quá trình này, là ngôi sao đang lên trong con mắt các nhà bình luận quốc tế nhờ xuất khẩu điện tử tăng mạnh.

Song, trong thời gian tới điều này có thể thay đổi do những công nghệ đột phá in 3D; người máy và Internet kết nối vạn vật đang được triển khai áp dụng nhanh chóng trong ngành điện tử. Một thông tin gần đây đáng được quan tâm là công ty Đài Loan Foxconn - hãng công nghệ lớn nhất thế giới chuyên về sản xuất các bộ phận máy tính và lắp ráp sản phẩm cho những “đại gia” như Apple, Sony và Nokia đã sử dụng người máy thay thế cho 60.000 lao động tại các nhà máy của công ty này trong một số thành phố của Trung Quốc.

Động thái trên của Foxconn nhằm cắt giảm chi phí lao động cũng như nâng cao hiệu quả công việc. Đối với các công ty này, việc thay thế lao động bằng người máy tiết kiệm được chi phí do giá người máy đang giảm nhanh, đồng thời có thể vận hành liên tục trong hàng chục giờ mà ít bị lỗi, cũng như tránh được chi phí đóng góp an sinh xã hội hay sản xuất gián đoạn do đình công, không bị cáo buộc đối xử không tốt với người lao động v.v…

Ví dụ, nếu Samsung Việt Nam sẽ thực hiện điều này, việc làm của hàng chục nghìn lao động tại Samsung sẽ bị ảnh hưởng. Các hoạt động kinh doanh có liên quan như cung cấp suất ăn hay chỗ ở, vận chuyển công nhân đi làm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp cho Samsung cũng bị ảnh hưởng theo.

Do đó, để bắt kịp với cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chúng ta phải chuẩn bị cho thế hệ sau một hệ thống tri thức, năng lực. Trước mắt vẫn phải lo việc làm cho những người không có tay nghề, nhưng đồng thời cần ráo riết chuẩn bị chương trình chuyển lực lượng lao động đó sang nghề khác khi ngành nghề đó bị thay thế bởi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Đọc thêm