Kỳ vọng biến Trà Vinh thành điển hình kinh tế xanh

(PLVN) - Sáng qua (15/1), Hội nghị xúc tiến đầu tư Trà Vinh là một sự kiện không giống như các hội nghị xúc tiến diễn ra tại nhiều địa phương khác, khi không chỉ có sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà còn có đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều lãnh đạo DN nước ngoài.
Thủ tướng: “Tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ biến tiềm năng của Trà Vinh thành hiện thực”
Thủ tướng: “Tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ biến tiềm năng của Trà Vinh thành hiện thực”

“Biến đổi khí hậu không phải là thách thức”

Hội nghị diễn ra đúng dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh, với sự tham dự của 600 đại biểu, mở ra góc nhìn mới kỳ vọng đưa Trà Vinh phát triển kinh tế xanh. 

Trà Vinh được đánh giá có nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng lớn, nhất là điện gió, điện mặt trời. Khí hậu nhiệt đới ôn hòa, lượng mưa lớn thích hợp trồng nông sản nhiệt đới, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến như lúa gạo, dừa, đậu phộng, trái cây… 

Toàn tỉnh có 250 ngôi chùa, với nhiều lễ hội dân tộc, dân gian phong phú, đặc sắc. TP Trà Vinh được mệnh danh là đô thị xanh với hàng ngàn cây sao, dầu trên 100 tuổi, mạng lưới sông ngòi xen lẫn vườn cây trái đặc sản… là tài nguyên du lịch phong phú.

Khu kinh tế (KKT) Định An là một trong 16 KKT ven biển của cả nước và là một trong hai KKT ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL), được xác định là 1/8 KKT ven biển ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020.

Tại hội nghị, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 5 dự  án với tổng vốn 5.302 tỷ đồng. Ngoài ra, trao biên bản ghi nhớ 17 dự án trên các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ, điện khí, trung tâm logistics… Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng Làng khoa học công nghệ quốc tế Khởi nghiệp xanh. Đây là bước khởi đầu quan trọng để hiện thực hóa mô hình kinh tế xanh bền vững mà Viện Kinh tế xanh đã nghiên cứu, đề xuất cho tỉnh.

Theo ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Kinh tế xanh, đơn vị đồng tổ chức Hội nghị: “Đã đến lúc chúng ta thay đổi góc nhìn. Biến đổi khí hậu không phải là thách thức. Biến đổi khí hậu còn là cơ hội, động lực để phát triển kinh tế theo xu hướng tuần hoàn, bền vững”. 

Một báo cáo về kinh tế biển trước biến đổi khí hậu cho thấy, khi nước biển dâng, những ngành như đánh bắt khai thác giảm nhưng lại là cơ hội tăng trưởng của những ngành sản xuất như chăn nuôi trên biển, vận tải. 

Ông Thành cho rằng nếu chọn đúng định hướng, phát triển kinh tế xanh, bền vững thì đến 2050 Trà Vinh sẽ là một khu đô thị kiểu mới, khu đô thị xanh, thông minh, gắn liền sản xuất nông nghiệp, hài hòa thiên nhiên, trên nền tảng khoa học kỹ thuật, trở thành điển hình về không gian sống thích ứng cho ĐBSCL và khu vực.

Ông Marc Van Bouwel, Phó Chủ tịch Công ty International Port Engineering & Investments Limited (IPEI), một trong những DN hàng đầu thế giới về cảng biển và logistic chia sẻ hiện 70 - 72% sản lượng trái cây ĐBSCL do thương lái thu mua tại vườn mức giá thấp và vận chuyển bằng xe tải sang nước lân cận. 

Một vài loại nông sản khác được vận chuyển bằng đường biển, đi qua Singapore, đến những thị trường có giá tốt hơn và sinh lợi nhiều hơn. Nhưng giá thành của hệ thống logistics trên biển và việc kiểm soát chuỗi cung ứng lạnh hiện nay cần được cài thiện mạnh mẽ hơn, để mang lại lợi nhuận tốt hơn cho nhà sản xuất.

Cảng Định An là lựa chọn thích hợp để chuyển đổi và trang bị thành trung tâm logistics cho nhiều tỉnh. “Theo tính toán của chúng tôi, vào năm 2025, lượng hàng hoá giao dịch thông qua cảng Định An sẽ vào khoảng 41,3 triệu tấn”, ông Marc nói.

Bà Steffi Stallmeister, Giám đốc Dự án WB tán đồng với quan điểm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, chuẩn bị cho tương lai để nhanh chóng dẫn đầu. Bà Steffi nhận định: “Không thiếu các cơ hội, giải pháp đầu tư sáng tạo và thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”.

WB cam kết sẽ hỗ trợ việc phát triển bền vững và thông minh với khí hậu của Trà Vinh và ĐBSCL vì “Trà Vinh và khu vực ĐBSCL rất quan trọng với tăng trưởng bền vững và chất lượng ở Việt Nam”.

Tỉnh kiểu mẫu về thích ứng biến đổi khí hậu

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng sự kiện lần này có cảm xúc đặc biệt và mới mẻ. Đây là thời điểm nhà đầu tư bận rộn chuẩn bị cho Tết, chăm sóc khách hàng, thăm hỏi bà con nhưng vẫn có mặt đông đủ tại một tỉnh xa xôi. Và do hoàn cảnh bận rộn xa xôi như vậy nhưng các nhà đầu tư quốc tế, từ các vùng miền vẫn tìm nhiều loại phương tiện đi đến đây. 

“Các bạn là những nhà đầu tư có tầm nhìn, hoài bão lớn và một tinh thần phụng sự. Các bạn về đây là thấu tình, đạt lý, dưới góc độ trách nhiệm doanh nhân với xã hội, với đất nước và cả dưới góc độ hiệu quả kinh doanh”, Thủ tướng nói. 

Năm 2019, Trà Vinh đã có tốc độ tăng trưởng GDP gần 15%, vào tốp đầu trong cả nước về phát triển. Thủ tướng nhận định có thể nói Trà Vinh truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ cho nhiều tỉnh thành, cho nền nông nghiệp trong bối cảnh có nhiều biến đổi, khó khăn.

Những địa phương như Trà Vinh tăng tốc và bền vững trong phát triển thì cả nước sẽ tăng tốc và thành công, đúng với mục tiêu về một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, về sự phát triển bao trùm, không để một người dân, một vùng miền dù là ở vùng sâu, vùng xa bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cho rằng với điều kiện mới, đặc biệt là kinh tế biển, Trà Vinh có thể trở thành một trung tâm giao thương mới của miền Nam và cả nước, là trung tâm chế biến thủy hải sản, có nền nông nghiệp công nghệ cao có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất trong nước và quốc tế. Hệ thống cảng biển, cảng sông, với dịch vụ logistic tiên tiến sẽ là “quả đấm thép” cho sự phát triển. 

Vấn đề then chốt là phải thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, có tầm, có tâm, hiểu, nhận thức rõ về tiềm năng, thế mạnh, không những về điều kiện tự nhiên mà cả về văn hóa, lịch sử, tôn giáo.

“Nếu hiểu sâu sắc nơi này, biết phát huy các lợi thế về nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch, vùng đất này sẽ làm cho các nhà đầu tư giàu có”, Thủ tướng nhấn mạnh “nơi đây là một mặt tiền đắt giá trên nhiều phương diện”.  

Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu năm điểm lớn, cũng như chương trình hành động của tỉnh đồng hành cùng nhà đầu tư. Một là xây dựng mô hình liên kết phát triển kinh tế - xã hội bền vững, là tỉnh kiểu mẫu về khả năng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, khai thác tối đa điều kiện thuận lợi, vượt qua khó khăn, chủ động với biến đổi khí hậu để hướng tới một nền nông nghiệp, ngư nghiệp giá trị gia tăng cao.  

Thứ hai là Trà Vinh cần xem xét lại quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến thủy sản, liên kết chuỗi giá trị, tạo dựng những thương hiệu gắn với địa phương. 

Thứ ba, không đánh đổi môi trường để có nhà đầu tư. Cần có chiến lược thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái và năng lượng sạch, điện gió, điện mặt trời. 

Thứ tư, Trà Vinh sở hữu vùng nước lợ diện tích lớn, chất lượng tốt, nuôi tôm siêu thâm canh là hướng đi đột phá nên cần khai thác triệt để lợi thế này; và cần giải pháp đột phá, tích tụ ruộng đất, thực hiện những dự án lớn.

Thứ năm, nông dân có thể góp sức, góp vốn bằng những thửa ruộng đang thuộc quyền canh tác của mình để cùng các nhà đầu tư khác tạo nên những doanh nghiệp.  

Thủ tướng nói: “Không có tỉnh yếu. Tỉnh sẽ tốt hơn nếu biết phát huy sức mạnh của mình. Không có tỉnh tự ti mà chỉ có tỉnh vươn lên mạnh mẽ. Tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ biến tiềm năng của Trà Vinh thành hiện thực”.

Đọc thêm