Lập Hãng hàng không để đón khách về “nhà”- FLC có “chơi ngông”?

(PLO) - Nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản với chuỗi các quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái ở các thành phố biển, mới đây Tập đoàn FLC lại thu hút sự chú ý của dư luận khi tuyên bố sẽ thành lập một hãng hàng không của riêng mình. Không những thế, tập đoàn này còn kỳ vọng đến cuối năm 2018, sẽ bắt đầu khai thác bay thương mại, đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch của Việt Nam…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ý tưởng từ việc thường xuyên bị đi lại khó khăn…

Ngày 30/5 vừa qua, FLC công bố Nghị quyết của tập đoàn về việc thành lập công ty con ở Hà Nội có tên gọi Cty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines). Viet Bamboo Airlines có vốn điều lệ 700 tỷ đồng và FLC góp 100% vốn hoạt động. Đây cũng sẽ là công ty sở hữu đối với Hãng hàng không Bamboo Airways.

Theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Viet Bamboo Airlines, sự ra đời công ty sở hữu là bước đệm cho việc thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways trong thời gian tới. 

Chia sẻ ý tưởng thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways, ông Thắng cho biết, Quyết định này của FLC xuất phát từ việc phân tích tình hình thực tiễn, trong quá trình DN này triển khai và khai thác 6 khu quần thể nghỉ dưỡng trên toàn quốc. 

“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn về nhu cầu đi lại của du khách cả trong nước và quốc tế, tới các điểm du lịch của Việt Nam, bao gồm các tỉnh có dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của FLC. Trong khi đó, các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác dịch vụ tại các thành phố lớn trực thuộc TW, mà chưa chú trọng nhiều tới các đường bay thẳng từ nước ngoài hoặc trong nước tới các điểm du lịch Việt Nam nói trên…”- Ông Thắng phát biểu. 

Bằng chứng được Tổng giám đốc Viet Bamboo Airlines dẫn ra là, với nhiều sự kiện, giải đấu lớn được tổ chức tại quần thể du lịch nghỉ dưỡng của FLC, DN thường xuyên phải giải quyết tình trạng không đủ số chuyến bay chở khách, bằng cách xin các hãng hàng không tăng chuyến. 

Không chỉ ít về tần suất, nhiều chuyến bay đến tỉnh của các hãng lớn còn bị đặt vào khung giờ khó khăn. Ví dụ, có hãng hàng không đặt chuyến Hà Nội - Quy Nhơn vào lúc 6h40 sáng, như vậy khách muốn bay phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị. “Giờ bay không hợp lý, số chuyến bay khan hiếm sẽ góp phần dẫn đến mất khách, khiến các tỉnh bị mất đi một nguồn doanh thu lớn từ du lịch…”- Ông Thắng nói.

Trên trang cá nhân của mình, Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết cũng chia sẻ: “Không thể kéo dài tình trạng giá vé bay từ Hà Nội đến Quy Nhơn còn đắt hơn nhiều so với bay tới Sài Gòn!”

Tiền không phải là tất cả!

Không bàn đến tiềm năng tài chính, điều khiến không ít người nghi ngại khi FLC “dấn thân” và con đường hàng không bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi nhiều điều kiện đặc thù . Và thực tế tại Việt Nam cũng đã có một số Hãng hàng không mặc dù đã được cấp phép nhưng hoạt động thua lỗ, phá sản như Indochina Airlines, Air Mekong. Ngay cả Vietjet Air, được cấp phép năm 2007 nhưng phải đến năm 2011 mới chính thức bay.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, để vận hành, một hãng hàng không phải đáp ứng cùng lúc các yếu tố về kỹ thuật, an toàn, an ninh; phải tổ chức được bộ máy để vận hành cả quy trình này.  Nhân sự quản lý hãng hàng không cũng là cả một vấn đề, từ nhân sự kỹ thuật cao như thợ máy, kỹ sư..., đến phi công, bởi thực tế hiện nay, các hãng hàng không lớn của Việt Nam cũng chủ yếu thuê phi công nước ngoài…

Không biết ý tưởng thành lập Hãng hàng không của FLC được ấp ủ từ bao giờ song đại diện của Hãng hàng không nay rất tự tin trước kế hoạch của FLC và cho biết, Viet Bamboo Airlines đã xúc tiến xây dựng một bộ máy nhân sự gồm nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Không những thế, trong tương lai, cùng với sự lớn mạnh của Bamboo Airways, Viet Bamboo Airlines cũng tính đến việc đầu tư nâng cấp các sân bay. Hiện tại, DN này đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường trực tiếp ra sân bay dưới hình thức BT với một số địa phương như Bình Định, Thanh Hóa…

Không dừng ở đó, Viet Bamboo Airlines cũng đã sớm đăng ký bất động sản là một trong các ngành nghề kinh doanh của công ty. “Bên cạnh việc vận tải hành khách, hàng hóa, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng máy bay của Việt Nam còn bó hẹp, với chỉ một số ít đơn vị đủ tiêu chuẩn, đủ năng lực để hành nghề. Đây cũng là lĩnh vực mà Cục Hàng không đang kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, ngành nghề đặc thù này đòi hỏi có diện tích lớn để thành lập các hang-ga, nhà kho cho tàu bay. Do đó, chúng tôi đăng ký trước ngành nghề này nhằm đảm bảo tiềm năng phát triển trong dài hạn của Bamboo Airways không bị hạn chế.”- Ông Thắng giải thích.

Đại diện Viet Bamboo Airlines cũng cho biết, DN đã và đang làm việc với một loạt các đối tác lớn về việc mua sắm trang thiết bị và đã đi đến giai đoạn ký biên bản ghi nhớ về việc mua máy bay. 

Tìm hướng đi cho riêng mình

“Sinh sau, đẻ muộn”, ngay từ đầu, Bamboo Airways được định vị là hãng hàng không “hybrid”, một loại hình vận chuyển hàng không mới trên thế giới, bên cạnh hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Đây là loại hình dịch vụ được lai ghép giữa hai loại hình kinh doanh đã tồn tại, nhằm hướng tới một dịch vụ đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách. 

“Bamboo Airways vẫn cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một hãng hàng không truyền thống, với giá cả hợp lý. Ngoài ra, chúng tôi xác định một hướng khai thác khác biệt so với các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam. Đó là, thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã trong tình trạng quá tải, Bamboo Airways lại tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Tức là, chúng tôi ưu tiên vào việc đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch nhiều tiềm năng của Việt Nam, nhằm tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển của du khách, tránh cho họ phải đi qua các điểm trung chuyển không cần thiết. Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, nhằm kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn.....”- Tổng giám đốc Đặng Tất Thắng cho biết.

Được biết, FLC đang tiến hành những bước cuối cùng để hoàn thiện đề án thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways,  dự kiến trong tháng 6 này sẽ đệ trình lên Cục Hàng không để xin phê duyệt.

Đang có sự lãng phí lớn về hạ tầng

Theo quy hoạch tổng thể của Cục Hàng không Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam sẽ phát triển đưa vào khai thác tổng cộng mạng lưới gồm 26 cảng hàng không trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa.  Việt Nam đang khai thác 21 cảng hàng không, trong đó chỉ tính riêng hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã chiếm tới gần 75% lưu lượng khách, cá biệt sân bay Tân Sơn Nhất đang phải hoạt động tới 110% công suất thiết kế.Trong khi đó, có một số sân bay địa phương có tiềm năng du lịch nhưng lại chưa được khai thác triệt để, như sân bay Phú Quốc mới chỉ hoạt động gần 38% công suất… 

Theo đại diện Viet Bamboo Airlines, đây thực sự là một sự lãng phí rất lớn về hạ tầng. Do đó, với các tuyến bay mới nhằm kết nối các địa phương có nhiều tiềm năng du lịch với nhau, Bamboo Airways không những không gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của những cảng hàng không đã quá tải, mà còn góp phần khai thác tối đa tiềm năng những địa điểm có hạ tầng hàng không chưa được tận dụng.  

Đọc thêm