Mỗi năm thất thoát hàng tỷ USD khai khoáng?

(PLO) - Khai thác khoáng sản tạo ra giá trị kinh tế lớn, nhưng do chưa được minh bạch thông tin nên nguồn thu ngân sách từ hoạt động này chưa tương xứng với thực tế, từ đó tạo kẽ hở để các doanh nghiệp tham nhũng, gây thất thu ngân sách Nhà nước hàng tỷ USD mỗi năm.
Có ý kiến cho rằng trong khai khoáng, càng minh bạch thì càng ít thất thoát, tham nhũng...
Có ý kiến cho rằng trong khai khoáng, càng minh bạch thì càng ít thất thoát, tham nhũng...

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm “Việt Nam tham gia Sáng kiến Minh bạch trong ngành Công nghiệp khai thác (EITI): Cơ hội hay rào cản?” mới diễn ra tại Hà Nội.

Khai thác tầm thế giới, nộp ngân sách khiêm nhường

Bà Trần Thanh Thủy (điều phối viên của tổ chức Liên minh Khoáng sản) cho hay, EITI tập chung chủ yếu vào hoạt động theo dõi và giám sát nguồn thu của ngành công nghiệp khai thác dầu khí, khoáng sản. Sau đó, các thông tin được công bố rộng rãi, tạo sự minh bạch thu chi trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Được biết, EITI được ra đời đầu tiên ở châu Phi, nay được 51 quốc gia thực thi, trong đó có các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Indonesia, Phillipines, Đông Timor… Nhiều quốc gia khi thực hiện minh bạch hóa hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Điển hình, Nigeria tránh thất thu được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm từ khai thác khoáng sản nhờ thực thi EITI.

Dẫn chứng từ các nước trên thế giới, bà Thủy cho nói, do tính chất phức tạp nên khai thác tài nguyên là lĩnh vực có mức độ thất thu ngân sách kinh tế khá cao. Cụ thể, theo báo cáo mới đây, sản lượng khai thác kim cương toàn cầu thực tế gấp đôi so với số lượng báo cáo. Còn tại châu Phi, một nửa dòng tiền bất hợp pháp liên quan đến xuất khẩu dầu mỏ. Một ví dụ khác, năm 2012, Zambia mất 2 tỷ USD (10% GDP) từ lĩnh vực khai thác mỏ. Tương tự, hàng năm Indonesia mất khoảng 2 tỷ USD trong khai thác khoáng sản.

Theo bà Thủy, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng; đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á Thái Bình Dương; đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc thế giới, 1,8% lượng xi măng thế giới, 1% sản lượng Barite thế giới. Một số khoáng sản khác cũng được khai thác với số lượng lớn như than, dầu thô, khí thiên nhiên, chì…

Thế nhưng, theo bà Thủy, việc thu ngân sách ở nước ta chưa tương xứng với quy mô khai thác, thu thuế tài nguyên mang lại những con số khiêm tốn. Cụ thể, năm 2011, nhà nước thu được khoảng 7.954 tỷ đồng thuế tài nguyên ngoài dầu khí, chỉ chiếm 1,1% ngân sách; năm 2012 thu giảm xuống còn 6.539 tỷ đồng...

Theo đánh giá, mức thất thu trong khai thác tài nguyên ở Việt Nam chiếm khoảng 5 đến 25% GDP. “GDP từ ngành khai khoáng năm 2014 của Việt Nam là 426.184 tỷ đồng. Như vậy tính ra, tổng thất thu từ khai thác khoáng sản và dầu khí ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,9 tỷ USD”, bà Thủy phân tích.

TKV tồn 12 triệu tấn than do thiếu minh bạch? 

Liên quan đến cách thức trốn thuế, bà Thủy cho rằng rất phức tạp và có nhiều hình thức. Các khoản thu thuế chủ yếu dựa vào sản lượng, chất lượng, giá bán và thuế suất. Căn cứ vào điều này, nhiều doanh nghiệp sẽ trốn thuế bằng cách khai báo sản lượng thấp hơn thực tế; khai báo chất lượng thấp hơn thực tế; không khai báo đầy đủ các kim loại quý hiếm thu hồi được; thiết lập giá bán thấp; kê khai khống các chi phí…

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, Việt Nam đang thiếu sự minh bạch trong khai thác tài nguyên khoáng sản. “Khai khoáng liên quan trực tiếp đến tiền bạc. Càng minh bạch thì càng thất thoát ít, tham nhũng ít, tăng nguồn thu cho ngân sách”, ông Tuấn khẳng định.

PGS.TS Lê Xuân Trường - chuyên gia kinh tế đến từ Học viện Tài chính cho biết, thất thu trong khai thác khoáng sản ở Việt Nam ai cũng nhận ra nhưng lại chưa tìm được bằng chứng. Hằng năm, các doanh nghiệp khai khoáng vẫn công bố nguồn thu, chi. Thế nhưng, những con số này chỉ ở trên giấy tờ, ít người tin vì có độ “vênh” so với thực tế. “Minh bạch hóa trong công nghiệp khai khoáng còn chưa tốt.”, PGS Lê Xuân Trường khẳng định.

Chuyên gia kinh tế độc lập, TS.Nguyễn Thành Sơn cho biết, do thiếu minh bạch trong khai thác khoáng sản nên ngành công nghiệp này để xảy ra nhiều tiêu cực, “đục nước béo cò”. Theo TS.Sơn, minh bạch trong khai thác khoáng sản không khó, nhưng doanh nghiệp và một số cơ quan quản lý cố tình không làm vì liên quan đến lợi ích nhóm. “Ví dụ như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) do không minh bạch nên hiện nay để tồn tại 12 triệu tấn than. Mà thực ra là toàn than xấu, không ai mua. Than tốt, than sạch bán hết rồi. Do thiếu minh bạch mà xảy ra việc này”, TS .Sơn ví dụ. 

Tồn toàn than xấu

“Tập đoàn Công nghiệp Than -  Khoáng sản Việt Nam (TKV) do không minh bạch nên hiện nay để tồn tại 12 triệu tấn than. Mà thực ra là toàn than xấu, không ai mua. Than tốt, than sạch bán hết rồi. Do thiếu minh bạch mà xảy ra việc này”, TS.Nguyễn Thành Sơn.

Đọc thêm