Ngành gỗ và giấc mơ 20 tỷ USD

(PLVN) - Nói về thời kỳ đầu doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp cận ngành chế biến gỗ xuất khẩu (XK), ông Huỳnh Văn Hạnh. Phó Chủ  Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) nhớ lại: “Khi đó, doanh nhân như những con chim non nhìn thị trường XK bao la nhưng còn e sợ…”.  Giờ thì những “con chim non” này đã  “đủ lông, đủ cánh” tự tin chinh phục mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành Trung tâm đồ gỗ lớn bậc nhất thế giới.
Ngành gỗ hướng tới mục tiêu  kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025
Ngành gỗ hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025

Từ học lỏm nghề…

Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch Hawa, ông Huỳnh Văn Hạnh bất ngờ hỏi lại: “Nhà báo biết gì về ngành gỗ?”. Hóa ra những gì chúng tôi biết về ngành XK đóng góp 9,3 tỷ USD kim ngạch XK trong năm 2018 vừa qua là quá ít…

“Ngành gỗ bắt đầu từ thời sau giải phóng. Khi đó, nền kinh tế gặp khó khăn tứ phía, Chính phủ thành lập các công ty nhà nước. Nhưng phải đến những năm 1990, khi nền kinh tế đất nước “mở cửa”, thông qua các DN Đài Loan, Singapore, DN Việt Nam bắt đầu làm ra sản phẩm tinh chế XK”, ông Hạnh nhớ lại.

Không phải Bình Dương, Đồng Nai hay Bình Định, những địa danh hiện được biết đến là trung tâm đồ gỗ XK của cả nước, cái “nôi” của ngành gỗ XK lại là TP HCM. Sớm tiếp cận với doanh nhân nước ngoài, doanh nhân TP HCM phát hiện ra cơ hội và bắt đầu XK. “Ngày đó, doanh nhân Việt Nam như những con chim non nhìn thị trường XK bao la nhưng còn e sợ. Thông qua thương nhân Đài Loan và Singapore, các DN bắt đầu làm ra sản phẩm XK dưới thương hiệu của nước ngoài. Nhưng nhờ vậy, họ đã học được những bài học đầu tiên để chinh phục thị trường nước ngoài”, ông Hạnh nói về những ngày đầu DN chế biến gỗ tiếp cận thị trường thế giới.

Cũng nhờ “học lỏm” trong thời gian làm thuê cho DN nước ngoài, khi Mỹ mở cửa tự do thông thương, DN Việt đã thuộc “đường đi, nước bước” và tự tin bước ra thị trường rộng lớn. TP HCM trở nên quá chật chội cho một ngành công nghiệp tốn quá nhiều diện tích và ảnh hưởng đến môi trường về lâu dài, doanh nhân TP HCM mở rộng kinh doanh ra các địa bàn như Bình Dương, Đồng Nai… hình thành các trung tâm đồ gỗ XK như hiện nay.

…đến mục tiêu Trung tâm đồ gỗ lớn nhất thế giới 

Chiếm 21% tổng giá trị XK của ngành nông nghiệp, năm 2017, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ đạt 8 tỷ USD, “về đích” trước ba năm so với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020. Việt Nam trở thành nước XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ đứng đầu ASEAN, thứ hai châu Á (sau Trung Quốc) và xếp thứ năm thế giới với 6% thị phần toàn cầu. Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất với tốc độ tăng trưởng bình quân 18 năm qua đạt 15% mỗi năm, cao hơn năm lần so với tăng trưởng ngành nông nghiệp. Cả nước hiện có trên 4.500 DN với hơn 350.000 lao động toàn ngành, tạo ra giá trị bình quân trên 23.000 USD/lao động.

Tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản XK” tổ chức hồi tháng 8/2018 tại TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” ngành chế biến gỗ và lâm sản phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, XK của Việt Nam, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, XK gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới. Theo đó, kim ngạch XK ngành này phấn đấu đạt 12-13 tỷ USD vào năm 2020 và 18-20 tỷ USD năm 2025.  

Năm 2018 vừa qua cũng ghi một dấu mốc quan trọng cho ngành chế biến gỗ Việt Nam khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sau ròng rã sáu năm đàm phán. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt, cộng hưởng lợi thế thương mại từ hai Hiệp định thương mại tự do (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương- CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU- EVFTA) cũng được xem là cơ hội cho các DN chế biến gỗ của Việt Nam hiện thực mục tiêu 20 tỷ USD và trở thành Trung tâm XK đồ gỗ lớn nhất thế giới. 

Việt Nam đã chủ động 80% gỗ nguyên liệu

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trước đây, ngành chế biến gỗ Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhưng năm 2017, lượng gỗ rừng trồng khai thác trong nước đã đạt 25 triệu m3, đáp ứng đến 75% nhu cầu, giúp các DN chủ động nguồn nguyên liệu. Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, kim ngạch XK gỗ năm 2018 ước đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Đặc biệt, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng và cây cao su năm nay đạt cao chưa từng thấy (27,5 triệu m3), đã cung cấp được 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến đồ gỗ.

Đọc thêm