Ngành thuế: Quyết liệt các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách

(PLO) - Mặc dù 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước (NSNN) chưa đạt 50% dự toán nhưng tăng 13,9% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa có mức tăng dưới mức tăng chung. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu toàn ngành tập trung cao độ phấn đấu thu NSNN vượt 5-8% so với kế hoạch bằng cách mở rộng cơ sở tính thuế để tăng thu nội địa nhưng không lạm thu…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thu nội địa gặp khó

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 6/2017, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016; trong đó: Thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4% (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước, thì đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016); Thu từ dầu thô đạt 60,1% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016 (do giá dầu cao hơn giá dự toán, bình quân 54,6 USD/thùng, cao hơn 4,6 USD/thùng); Thu cân đối từ XNK đạt 49,2% dự toán, tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động XNK 6 tháng đầu năm tiếp tục đà tăng trưởng.

Như vậy, mặc dù thu nội địa cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên so với 2 nguồn thu còn lại, thu nội địa đang có phần “đuối” hơn. Nguyên nhân được chỉ ra là do ảnh hưởng bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất - xây dựng nên tiến độ một số lĩnh vực như thủy điện, khai khoáng, sản xuất lắp ráp ô tô, điện thoại di động, chế biến thực phẩm,... đạt thấp so với yêu cầu... 

Đáng chú ý, trong tổng thu NSNN nêu trên, thu NSTW ước đạt 41,5% dự toán; thu NSĐP 54% dự toán; trong đó, có 45 địa phương thu đạt từ 48% dự toán trở lên (không kể tiền sử dụng đất thì có 11 địa phương đạt trên 52%); 54 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; vẫn còn 18 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán (dưới 48%) và 9 địa phương thu đạt thấp so cùng kỳ, chủ yếu do một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như khai khoáng (dầu thô, khí thiên nhiên, than,...), thủy điện, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất điện thoại di động, sản xuất, chế biến thực phẩm, tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường chống thất thu

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam dự báo, nhiều khả năng thuận lợi hơn cho công tác thu 6 tháng cuối năm.

6 tháng đầu năm cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 36.600 DN, đạt 36% kế hoạch; truy thu, truy hoàn qua kiểm tra là hơn 7.600 tỷ đồng, đã nộp ngân sách hơn 43.000 tỷ đồng, đạt 44,9% số xử lý phạt; trong đó tiến hành thanh tra các DN có giao dịch liên kết, DN chuyển giá 65 DN và truy thu, truy hoàn hơn 2.000 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.200 tỷ đồng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an xử lý 134 hồ sơ trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp để xử lý theo quy định của pháp luật…

Ông Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm số DN mới thành lập tăng đột biến: 6 tháng đầu năm trên toàn quốc có 61.200 DN mới thành lập, tăng hơn 6.000 DN so với cùng kỳ, số DN tạm ngừng kinh doanh trước đây đã quay trở lại hoạt động khoảng hơn 10.860 DN. “Đến 30/6 có 596.713 DN đang hoạt động SX-KD. Hiện nay chúng tôi đang có nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các DN này đi vào hoạt động, SX-KD, từ đó có đóng góp nguồn thu cho NSNN”- ông Nam cho biết.

Người đứng đầu ngành Thuế cũng cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển, nhất là các DN khởi nghiệp, vừa qua cơ quan thuế đã tổ chức các “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế”, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ khai, nộp thuế; phối hợp tốt với các sở, ban, ngành quận huyện để thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình kê khai và nộp thuế.

“Tại các buổi đối thoại, cùng với việc hướng dẫn chính sách thuế mới cho DN, cơ quan thuế cũng hỗ trợ DN trong công tác kế toán, quản trị DN, nhất là hỗ trợ DN khởi nghiệp. Tại các TP lớn như: Hà Nội, TP HCM đã làm rất tốt việc này, nhờ đó số DN mới thành lập tại các địa phương này đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê của cơ quan thuế, 6 tháng đầu năm TP HCM đã tăng hơn 20.000 DN, Hà Nội tăng hơn 13.000 DN, Đà Nẵng tăng hơn 2.000 DN, Quảng Ninh hơn 1.000 DN…”, ông Nam thông tin.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng thực hiện hàng loạt các giải pháp chống thất thu, trong đó có giải pháp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý, thu hồi và cưỡng chế nợ thuế; tăng cường kiểm soát, giám sát hoàn thuế…

“Hiện nay chúng tôi đã và đang xây dựng đề án chống thất thu NSNN, theo đó sẽ có nhiều giải pháp để quản lý thu, chống thất thu đối với các DN ngoài quốc doanh, DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhà hàng khách sạn. Để triển khai đề án này, ngoài nỗ lực của cơ quan thuế, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ, phối hợp với cơ quan thuế triển khai thực hiện”, ông Nam nói…

Đọc thêm