Nghệ An: 'Bát nháo' việc cấp phép và quản lý xe buýt

(PLO) - Dễ dàng nhận thấy trên các tuyến đường chính tại Nghệ An thời gian gần đây là tình trạng xe buýt chạy không đúng tuyến, tự ý đóng tuyến, xin thay đổi lộ trình, tranh giành khách, chạy đua để bắt khách…. Đây được cho là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đối với xe buýt xảy ra gần đây trên địa bàn.
Xe buýt nối đuôi nhau trên đường TP Vinh
Xe buýt nối đuôi nhau trên đường TP Vinh

Quy hoạch một đằng, thực hiện một nẻo

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 19 tuyến xe buýt với 218 phương tiện vận tải. Theo quy hoạch tại Quyết định 377 ngày 22/1/2016 của UBND tỉnh Nghệ An, đến năm 2025, tỉnh này sẽ mở thêm 8 tuyến xe buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. 

Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều tuyến xe buýt không nằm trong quy hoạch ban đầu đã được “bổ sung” đưa vào hoạt động. 

Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nghệ An đưa vào hoạt động tuyến xe buýt số 23 (lộ trình từ Bệnh viện tỉnh Nghệ An đi Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, với cự ly tuyến 70km) và công bố đưa vào hoạt động tuyến 02 với lộ trình: nội thành Vinh - Cửa Lò - Diễn Lâm (Diễn Châu) và ngược lại.

 Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu đưa vào khai thác, tuyến  xe buýt 02 lại không hoạt động đúng lộ trình QL46 – Cửa Lò mà chạy theo tuyến QL 1A đi thẳng ra Diễn Châu và hoạt động được hơn 15 ngày đã tuyên bố thua lỗ và xin ngừng hoạt động. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu đi lại một số tuyến theo lộ trình.

Tại biên bản làm việc ngày 5/6/2017, Thanh tra giao thông (Sở GTVT Nghệ An) nêu rõ: kể từ khi tiếp quản và khai thác tuyến xe buýt nội thành của Công ty CP Dịch vụ & Du lịch Ngọc Ánh, hãng xe buýt Thạch Thành đã không thực hiện nghiêm túc các quy định của Sở về tần suất và lộ trình của tuyến, gây ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân. Ngay sau đó, công ty đã có văn bản gửi Sở GTVT Nghệ An để xin tạm dừng khai thác tuyến xe buýt nói trên. 

Tuyến xe buýt số 31 của Cty TNHH Khanh Quỳnh được đưa vào khai thác từ ngày 21/4 (lộ trình từ trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An đi thị trấn Con Cuông, với tổng chiều dài 118km, đi qua tuyến đường N5) cũng không có trong quy hoạch ban đầu của tỉnh Nghệ An. 

Tương tự, tuyến xe buýt số 32 với cự ly 110km từ TP Vinh đi trung tâm xã Nghĩa Thái (huyện Tân Kỳ) qua đường N5 cũng không nằm trong quy hoạch ban đầu, được đưa vào khai thác từ ngày 14/4/2017…. 

Xe mất lái, khách bị “leo cây”

Không khó để nhận ra tình trạng “ra ngõ gặp xe buýt đua nhau” trên địa bàn TP Vinh và các huyện phụ cận. Các xe buýt của các hàng khác nhau chạy trùng một phần tuyến đường trong thành phố đã chèn ép nhau, rượt đuổi nhau, dừng không đúng nơi quy định…ảnh hưởng đến sự an toàn của người đi đường và hành khách trên xe. 

Ngoài ra, một số các hãng xe đã “âm thầm” đóng tuyến mà không thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến nhiều hành khách bị “leo cây” vì đứng chờ tại điểm dừng xe buýt cả tiếng đồng hồ nhưng không có xe. 

Đơn cử, tuyến số 12 lộ trình thị trấn Tân Kỳ đi thị xã Thái Hòa theo đường 15A chỉ sau một thời gian hoạt động đã lặng lẽ “đóng tuyến”. Hay tuyến số 23 từ TP Vinh theo đường sinh thái ven sông Lam, qua cầu Nam Đàn về thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương) sau một thời gian hoạt động không hiệu quả cũng đã điều chỉnh lộ trình, bỏ hẳn lộ trình từ cầu Nam Đàn qua các xã Nam Tân, Nam Lộc (huyện Nam Đàn), Thanh lâm, Thanh Giang và Thanh Long (huyện Thanh Chương). Tuyến 23 nhập vào QL46 tại thị trấn Nam Đàn, vốn đã có các tuyến 27, tuyến 03 khai thác. Hoặc như tuyến số 27 (của nhà xe Tân Phương Thảo lộ trình TP Vinh - thị trấn Anh Sơn và ngược lại) hoạt động từ tháng 6/2015 nhưng do không khai thác được nên đã xin rút ngắn lộ trình.

Tuyến số 25 của Công ty TNHH Vận tải Du lịch & Thương mại Thạch Thành lộ trình TP Vinh – Nông trường 19/5 xã Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Đàn) sau mấy tháng khai thác cũng xin điều chỉnh rút ngắn lộ trình. Nhưng lộ trình này đã trùng với tuyến xe số 26 của Công ty TNHH XD&TM Đông Bắc có lộ trình từ TP Vinh – xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp) và ngược lại. 

Bên cạnh đó, không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn do xe buýt gây ra khiến người dân khiếp sợ. Vào tháng 12/2016, trên QL48 đoạn giao cắt đường Hồ Chí Minh, tài xế xe buýt Thạch Thành đã tông tử vong một cán bộ thanh tra của xe buýt Đông Bắc. 

Hay 3 vụ tai nạn liên tiếp ngày 20, 21 và 22/5 ba xe buýt của nhà xe Thạch Thành mất lái lao xuống ruộng trên đường QL 7, QL 48 và QL 15A. 

Mới đây, sáng 13/6, hai chiếc xe buýt của Thạch Thành và Đông Bắc va quệt nhau ngay giữa trung tâm TP Vinh. 

Theo số liệu của CSGT Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện xử lý 261 trường hợp xe buýt vi phạm, tạm giữ 12 xe với các lỗi chủ yếu như: dừng xe, đón, trả khách không đúng nơi quy định, hoạt động không đúng hành trình, phương tiện chạy quá tốc độ… Qua đó, đình chỉ hoạt động một tháng (thu hồi phù hiệu) đối với 62 lượt xe buýt vi phạm tốc độ, chạy sai lộ trình.

Đọc thêm