Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

(PLO) - Sáng 7/6 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, Ủy ban Tài chính quốc gia chủ trì phối hợp với Ủy ban Dịch vụ tài chính quốc gia, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp” nhằm mục đích tạo diễn đàn để các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế thảo luận và đưa ra khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề trong việc khởi nghiệp. 
Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Khởi nghiệp ở Việt Nam – mặc dù là một khái niệm mới nhưng đã và đang trở thành một trào lưu mạnh mẽ trong xã hội, đặc biệt là trong thế hệ trẻ và được Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và khuyến khích. Doanh nghiệp khởi nghiệp (start-ups) với những sáng tạo đột phá về công nghệ là một trong những nhân tố then chốt giúp nhiều quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ dựa chủ yếu vào năng lượng sang phát triển về chất để đạt tới sự thịnh vượng và vị thế toàn cầu.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt cần hội tụ đầy đủ các yếu tố chủ yếu: Khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp, tính năng động, sáng tạo của start- ups; sự tham gia tích cực của các định chế tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư..; các cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ start ups... Việt Nam đang trong giai đoạn đầu hình thành một hệ sinh thái như vậy. Tuy nhiên một trong những thách thức lớn nhất đối với các start-ups là việc huy động vốn, đặc biệt là cho giai đoạn ươm mầm và tăng tốc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Khởi nghiệp là một hoạt động đầu tư mạo hiểm, một hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro. Ở Việt Nam, nhận thức của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và những người có khát vọng khởi nghiệp về vấn đề khởi nghiệp cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp còn rất mới mẻ”. Do đó, Phó Thủ tướng cho biết: “Về phía Chính phủ, chúng tôi cũng sẽ coi mình như nhà ươm tạo ban đầu, hoàn thiện thể chế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong vấn đề khởi nghiệp. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động được cấp mã số thuế”.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi ý kiến, đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay;  những chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước về kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, lắng nghe những kinh nghiệm quốc tế trong việc huy động vốn cho các stat-ups cũng như thành lập sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt. 

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc: Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác 

Sáng 7/6, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc.

TS. Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cùng với TS.Jeong Eun-bo – Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác. Bản ghi nhớ tập trung vào việc trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan tới các định chế tài chính trong phạm vi giám sát của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia và Ủy ban dịch vụ tài chính Hàn Quốc, về mô hình giám sát tài chính và cơ chế hoạt động theo quy định pháp luật của mỗi bên; về nội dung và phương pháp giám sát (các chỉ tiêu lành mạnh tài chính, xử lý dữ liệu...); về cơ chế điều phối nội bộ và cơ chế điều phối với các cơ quan quan trọng trong mạng lưới an toàn tài chính.

Ngoài ra, Bản ghi nhớ còn nhằm trao đổi thông tin về các hoạt động giám sát tài chính và các hoạt động của các định chế tài chính phù hợp với các quy định của mỗi nước; hợp tác về đào tạo cán bộ và hỗ trợ kỹ thuật trong hoạt động giám sát tài chính; phối hợp nghiên cứu các vấn đề hai bên cần quan tâm.

Việc ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác nhằm thiết lập cơ sở cho hoạt động hợp tác song phương về các vấn đề có liên quan, bao gồm hoàn thiện mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế giám sát, trao đổi và chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật,...

Đọc thêm