Phòng vệ thương mại của Việt Nam: Liều kháng sinh cho ốm đau vặt

(PLO) -Tổng kết hơn 10 năm thực hiện pháp luật về phòng vệ thương mại (PVTM), Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương thừa nhận hiệu quả không được như trông đợi, chỉ như một liều kháng sinh dùng trong trường hợp bị đau ốm vặt. 
Giống với thế giới thép là đối tượng của nhiều vụ kiện, 3/6 vụ điều tra PVTM của Việt Nam cũng là nhắm tới sản phẩm Thép
Giống với thế giới thép là đối tượng của nhiều vụ kiện, 3/6 vụ điều tra PVTM của Việt Nam cũng là nhắm tới sản phẩm Thép

"Tỷ số” 6/96

 Ba Pháp lệnh về phòng vệ thương mại gồm: Tự vệ, Chống bán phá giá và Chống trợ cấp lần lượt ra đời vào các năm 2002 và 2004. Nếu coi các pháp lệnh này như là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước để bảo vệ một cách hợp pháp nền sản xuất trong nước thì hơn 10 năm qua hiệu quả thực thi của công cụ này không được như mong đợi, thậm chí có thể nói “có cũng như không”. 

Tính kém hiệu quả của nó có thể được nhìn thấy qua con số thống kê: trong hơn 10 năm chỉ có 6 vụ được điều tra PVTM đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam trong khi cùng khoảng thời gian tương tự số lượng các vụ điều tra đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoại là 96 vụ.

Khảo sát của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy các vụ điều tra PVTM ở Việt Nam chủ yếu là kiện tự vệ (4 vụ tự vệ, 2 vụ chống bán phá giá, 0 vụ chống trợ cấp). Theo tổ chức này, điều tra tự vệ thương mại là công cụ bảo hộ dễ thực hiện nhất, không căn cơ và đi ngược với xu thế của thế giới, khi các vụ mà các đối thủ cạnh tranh khác thường chọn để điều tra và phát huy hiệu quả tối đa đối với hàng hóa Việt Nam là công cụ áp thuế chống bán phá giá.

Dẫn chứng ra thị phần của các nguyên đơn trong 6 vụ kiện PVTM được thực hiện trong hơn một thập kỷ qua như: điều tra áp dụng biện pháp Tự vệ đối với sản phẩm Kính nổi, dầu thực vật, bột ngọt, phôi thép và thép dài và 2 vụ chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội và chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ VCCI chỉ ra thị phần các nguyên đơn thường là doanh nghiệp chiếm thị phần rất lớn từ 50% đến 100% ở trong nước.

“Ngoài đặc điểm có những vụ kiện PVTM được nói tới nhưng không thành hiện thực như: Trứng gia cầm, Giấy in, Dầu nành, ống gang đúc, bọt nhựa, tôn hay đùi gà, tỏi… thì các vụ kiện PVTM ở Việt Nam có đặc điểm nguyên đơn đi kiện phần lớn chiếm vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường. Và phần nào cho thấy có thể đây chỉ là công cụ của “nhà giàu” chứ không phải là công cụ “bảo hộ” hợp pháp cho cả cộng đồng doanh nghiệp trong nước”- bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nói.

Cản trở doanh nghiệp lên tiếng

Một điều tra của VCCI được thực hiện đã chỉ ra những cản trở trong việc sử dụng công cụ PVTM đối với doanh nghiệp trong nước. Theo VCCI, có 63,21% doanh nghiệp nói họ có nghe nhưng không biết gì sâu về PVTM ở Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài.

Có 35,05 % doanh nghiệp được hỏi thừa nhận hoàn toàn không thể có khả năng tập hợp bằng chứng nếu đi kiện PVTM đối với thông tin chứng minh thiệt hại trong ngành, 36,36% đối với hiện tượng nhập khẩu ồ ạt, 53,54% đối với thông tin về hàng hóa trợ cấp và 33% thông tin về hàng hóa bán phá giá.

Điều gây ngạc nhiên hơn cả, mặc dù hệ thống pháp lệnh PVTM ban hành ra nhằm mục đích để bảo hộ một cách hợp pháp nền sản xuất trong nước trước sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu của nước ngoài vào nhưng một số quy định bất hợp lý trong pháp lệnh vô hình chung đang “ngăn chặn” sự lên tiếng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước khi bị xâm hại.

Ví như đối với pháp lệnh về tự vệ thương mại hiện hành bắt buộc điều kiện để đủ tư cách đứng đơn là các doanh nghiệp phải chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước. Trong khi quy định của WTO chỉ cần các nhà sản xuất ủng hộ chiếm ít nhất 25 % tổng sản lượng ngành sản xuất trong nước là đủ điều kiện đứng đơn.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Chính phủ, một đặc điểm nổi bật của công đồng doanh nghiệp Việt Nam là hơn 80% số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trong đó tỷ lệ siêu nhỏ chiếm phần lớn. Nếu quy định như trên điều tra sẽ không được bắt đầu nếu các nhà sản xuất bày tỏ ý kiến tán thành điều tra ít hơn 25 %.

“Việc quy định cứng như vậy theo tôi sẽ là tự trói buộc mình. Bởi để tập hợp đủ số lượng như vậy trong điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ bé, phân tán là rất khó khăn. Có lẽ, cần phải xem xét lại quy định này và nên mở rộng hơn vai trò quyết định của cơ quan điều tra và đặc biệt cần phải nâng cao hơn nữa tiếng nói của Hiệp hội các ngành hàng với tư cách là nguyên đơn đề nghị tiến hành điều tra”- chuyên gia Thắng đề nghị.

Được biết, lĩnh hội ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương đang tiến hành xây dựng Luật Quản lý Ngoại thương như là một cách nâng cấp 3 pháp lệnh về phòng vệ thương mại thành Luật. Nhưng nhiều chuyên gia lo ngại, việc giao nhiệm vụ lớn lao này cho Cục Quản lý cạnh tranh với vỏn vẹn 18 con người với năng lực còn nhiều hạn chế thì rất khó để thực thi hiệu quả công cụ này trong tình hình hội nhập ngày càng sâu rộng, dù các pháp lệnh này có nâng cấp lên thành Luật đi chăng nữa.

Đọc thêm