Rau, quả phải trở thành nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực

(PLO) - Hôm qua (1/11), Quốc hội bước vào ngày thảo luận thứ 2 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia 2018-2020.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm

Quản lý thị trường còn yếu kém

Giải trình những vấn đề các đại biểu (ĐB) đã nêu về tồn tại, yếu kém liên quan đến quản lý thị trường (QLTT), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận tình trạng buôn lậu hiện đang diễn biến tinh vi, phức tạp, trong khi đó lực lượng QLTT còn nhiều yếu kém.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, không chỉ mặt hàng thuốc lá mới “nóng”, mà hàng loạt các mặt hàng khác có yếu tố lợi nhuận cao trong các hoạt động về buôn lậu và gian lận thương mại … cũng tiếp tục là điểm nóng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận: “Nhiều thời gian không có bóng của lực lượng chuyên ngành là thực tế… Hiệu quả đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu, có sự đứt khúc trong phối hợp QLTT tại địa phương. Chất lượng chuyên môn, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, QLTT là yếu kém tồn tại qua nhiều giai đoạn.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng các lực lượng liên ngành chống buôn lậu quy mô lớn, tinh vi; Xem xét hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, đủ chế tài xử lý. 

Nông nghiệp đang đi đúng hướng

Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân,  nhìn lại lịch sử thấy năm 2005 xuất khẩu dầu lửa 7,3 tỷ đô la, gấp 31 lần xuất khẩu rau quả lúc đó là 235 triệu đô la. Nhưng   năm 2016 xuất khẩu dầu thô chỉ bằng 0,98 lần rau, quả củ. Từ dẫn chứng trên, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ cần xem xét để đưa nhóm hàng quả, rau, hoa trở thành nhóm hàng sản phẩm chủ lực của đất nước. Đối với đồng bằng, miền núi, cần coi trọng lựa chọn các loại quả, rau, hoa phù hợp với mỗi địa phương, trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ lực, góp phần giảm nghèo ở vùng nông thôn.

Đồng quan điểm với Bí thư Thành ủy TP HCM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nếu chúng ta biết cách lựa chọn đúng đối tượng sản xuất thì chắc chắn vẫn thành công trong tái cơ cấu nền nông nghiệp. Do vậy, trong chương trình tái cơ cấu chung, cần tập trung 3 trục sản phẩm chính. Đó là trục sản phẩm quốc gia; trục sản phẩm cấp tỉnh và trục sản phẩm mỗi làng một sản phẩm. Chúng ta giờ có 10 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và chúng ta đang rà soát lại, tập trung vào những khâu yếu nhất ở những chuỗi sản xuất đó để tác động.  

Lo lắng về việc sa thải lao động nữ từ 35 tuổi trở lên

Xung quanh vấn đề nhiều chủ lao động bằng mọi cách sa thải lao động nữ từ 35 tuổi trở lên, ĐB Nguyễn Như Ý (Đồng Nai) cho rằng, thực tế ở Đồng Nai cũng như các địa phương khác, tỷ lệ lớn người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động rất nhiều. Bên cạnh lý do thay đổi công nghệ máy móc, cơ cấu lại lực lượng lao động thì người sử dụng lao động cũng đã không muốn sử dụng lao động lớn tuổi làm việc nhiều năm vì họ phải trả lương cao, đóng bảo hiểm nhiều, năng suất lao động kém hơn người trẻ…. Về lâu dài thì việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội. Do đó, ĐB Như Ý đề nghị sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện quy định trên để đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhất là lao động nữ, gắn với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Đồng quan điểm, ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cho biết, ông cũng có 5 năm làm trong nghề cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thấy rằng vấn đề doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động rộ lên gần đây và chủ yếu rớt vào nhóm lao động phổ thông và rớt vào nhóm ngành nghề may mặc, dệt may, giày da. “Đây là điều về pháp luật thì không sai, nhưng về mặt hậu quả xã hội, nếu chúng ta không nghiên cứu, không có chính sách về vấn đề này rõ ràng thì sẽ rất phức tạp và hậu quả sẽ là gánh nặng. 

Đọc thêm