Sốt ruột đòi nợ, Tổng Công ty giấy đẩy người lao động vào tù?

(PLO) - Hai cán bộ của Tổng Công ty giấy Việt Nam (Vinapaco) bị khởi tố về tội “cố ý làm trái”, tội danh đã bị loại khỏi BLHS từ 1/7/2016. Điều oái oăm là  chính lãnh đạo Vinapaco lại là người yêu cầu khởi tố nhân viên của mình vì các khoản nợ phát sinh trong quá trình kinh doanh.
Sốt ruột đòi nợ, Tổng Công ty giấy đẩy người lao động vào tù?

Công ty có nợ, nhân viên có tội?

Chuyện xảy ra tại Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh, một công ty con của Vinapaco. Hai cán bộ cốt cán của Công ty con này đã bị khởi tố về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Lê Quốc Thanh, nguyên giám đốc Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh đã bị bắt tạm giam khoảng 2 tháng nay để điều tra.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013, khi ông Lê Quốc Thanh làm giám đốc Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh, Công ty đã ký hợp đồng thu mua gỗ nguyên liệu và dăm gỗ với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Bắc để phục vụ xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc qua cảng Cái Lân. Đối tác lâu năm và có quan hệ thương mại thường xuyên với Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh là Công ty Hoàng Lâm Hạ Long, Hoàng Lâm (Phú Thọ), Công ty Thanh Định (Cẩm Phả) và Công ty D&G (Hà Nội). Các doanh nghiệp này cung cấp gỗ và dăm gỗ cho Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh để xuất khẩu.

Để duy trì nguồn hàng trong bối cảnh việc cạnh tranh thu mua dăm gỗ xuất khẩu diễn ra rất nóng, Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh đã áp dụng chính sách trả tiền trước cho người bán (ứng tiền mua hàng). Trong đó, Công ty Hoàng Lâm Hạ Long là đơn vị được tạm ứng nhiều nhất, với số tiền tạm ứng hơn 10 tỷ đồng.

Theo bà Bùi Thị Tần, nguyên Kế toán trưởng của Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh, người bị khởi tố về cùng một tội danh với ông Lê Quốc Thanh thì, trong lúc hoạt động thương mại diễn ra bình thường thì Công ty nhận được chỉ đạo từ Vinapaco về việc không được cho bên bán tạm ứng trước và thực hiện thu hồi công nợ bằng tiền mặt hoặc hàng hóa. Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh đã thực hiện đúng chỉ đạo này và thực hiện việc đòi nợ các đối tác cung cấp hàng hóa bằng hình thức đòi trả hàng tương ứng với các khoản tiền hàng ứng trước và yêu cầu hoặc trả lại tiền.

Trước tình thế này, việc làm ăn giữa Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh và các đối tác đã bị ảnh hưởng và bên bán hàng đã chậm trả hàng đối với các khoản đã nhận ứng trước. Do đó, Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh phải thực hiện xác nhận công nợ, đồng thời Vinapaco đã khởi kiện các doanh nghiệp nhận tiền ứng trước để đòi cả gốc và lãi.

Các vụ kiện lần lượt được TAND huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), TAND TP Hạ Long, TAND TP Cẩm Phả thụ lý, giải quyết. Tính đến tháng 9/2015, các đơn vị này còn nợ Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh khoảng 11 tỷ đồng và các đơn vị có nợ đều cam kết trả nợ bằng việc khấu trừ dần vào hàng hóa hoặc bán tài sản để trả nợ. Các khoản nợ này đều được hạch toán và quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tháng 7/2015, Vinapaco đã ban hành quyết định buộc ông Lê Quốc Thanh và bà Bùi Thị Tần phải trả cho Vinapaco số tiền gần 14 tỷ, bao gồm cả tiền gốc và lãi vì lý do hai cán bộ này cho tạm ứng nhưng không có tài sản đảm bảo dẫn đến “thất thoát tài sản”. Khi ông Thanh và bà Tần không thể trả khoản tiền này, Vinapaco đã đề nghị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố đối với ông Thanh, bà Tần về tội “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cũng với lý do như trên.

Bệnh “hình sự hóa” lại tái phát

Việc cựu giám đốc và kế toán trưởng Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh bị khởi tố về tội “cố ý làm trái” vì các khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh không chỉ khiến hai “bị can” này bị sốc mà khiến cho cả những cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp nhà nước khác choáng váng. Nếu cứ “công ty có nợ thì nhân viên có tội”, có lẽ không biết bao nhiêu người nữa sẽ bị khởi tố tiếp theo.

Quyết định khởi tố đối với bà Bùi Thị Tần về tội danh đã bị loại bỏ khỏi BLHS 2015
Quyết định khởi tố đối với bà Bùi Thị Tần về tội danh đã bị loại bỏ khỏi BLHS 2015

Theo Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Ánh Sáng Công lý thì việc khởi tố đối với giám đốc và kế toán trưởng Công ty chế biến và XNK Dăm mảnh về tội “cố ý làm trái” chỉ vì khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh là một sự “mạo hiểm pháp lý”, vì theo quy định của tội danh này, hành vi ứng trước tiền hàng cho bên bán không phải là một hành vi trái pháp luật.

Luật sư Kiên cho rằng, việc khởi tố như trên chỉ nhìn qua đã thấy thiếu căn cứ pháp luật. Thứ nhất, việc cho ứng trước tiền hàng không phải là hành vi làm trái pháp luật về quản lý kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh đơn vị mua hàng phải dùng cách này để giữ chân đối tác. Thứ hai, việc phát sinh khoản nợ không phải là “hậu quả nghiêm trọng” vì các đơn vị đang có nợ vẫn tiếp tục trả nợ và chuyện có nợ trong hoạt động kinh doanh là hoàn toàn bình thường. Không có dấu hiệu của tội phạm mà khởi tố là làm oan người vô tội, nhất là khi kết tội rồi mà khoản nợ lại được “con nợ” trả đầy đủ cho Vinapaco, thử hỏi, ai sẽ đi tù thay những người đã bị khởi tố về khoản nợ này?

Đồng tình với quan điểm của Luật sư Lê Văn Kiên, Luật sư Nguyễn Minh Anh, Công ty luật Trí Minh lý giải về việc không phải “cứ có nợ là có tội” vì đây là quan hệ dân sự. Nếu thực sự khoản nợ của các doanh nghiệp không thể đòi được, phát sinh trách nhiệm của các cán bộ đã cho đối tác tạm ứng, Vinapaco có thể khởi kiện để đòi nợ chứ không phải là yêu cầu khởi tố hình sự. Do đó, việc khởi tố đối với giám đốc và kế toán trưởng vì làm phát sinh công nợ trong kinh doanh chính là “hình sự hóa” một quan hệ dân sự, vấn nạn mà Chính phủ đã phải phát đi một cảnh báo nghiêm túc sau vụ chủ quán café Xin chào bị khởi tố.

Một chi tiết đặc biệt quan trọng nữa cho thấy, việc khởi tố đối với ông Lê Quốc Thanh và bà Bùi Thị Tần không chỉ không đúng pháp luật mà còn đi ngược lại chính sách hình sự đã được Quốc hội thông qua. Bộ luật hình sự năm 2015 đã loại bỏ tội danh này. Mặc dù Bộ luật hình sự năm 2015 lùi hiệu lực thi hành nhưng theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội thì quy định về việc xóa bỏ tội phạm trong BLSH 2015 tiếp tục được áp dụng từ 1/7/2016. Như vậy, tội danh “cố ý làm trái” đã bị loại bỏ khỏi BLHS và việc khởi tố bị can hai cán bộ của Vinapaco về tội này, rõ ràng là làm oan.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về kỳ án này.

Đọc thêm