Thị trường ảnh hưởng bởi dịch Corona

(PLVN) - Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV, hay còn gọi dịch cúm Vũ Hán, dịch Corona), các thiết bị y tế dự phòng như khẩu trang khan hàng, giá bị thổi lên gấp 5 - 6 lần bình thường. Hoạt động xuất khẩu (XK) tại các cửa khẩu cũng gặp khó do dịch bệnh. Việc chuyển hướng XK đã được Bộ Công Thương tính đến…
Đội QLTT số 1 kiểm tra, giám sát tình hình bán khẩu trang
Đội QLTT số 1 kiểm tra, giám sát tình hình bán khẩu trang

Giám sát thị trường thiết bị y tế phòng dịch 

Mặt hàng khẩu trang gần khan hàng ở các nhà thuốc, thậm chí có nhà thuốc hết hàng từ mùng 5 Tết. Do giá nhập cao gấp 5-6 lần nên nhiều nhà thuốc không nhập thêm. Có nhà thuốc chấp nhận nhập giá cao (gần 200.000/hộp) nhưng cũng chỉ nhập nhỏ giọt, từng 20 hộp/lần do giá mặt hàng này đang thay đổi từng ngày. 

Trước tình hình khan hàng và giá lên quá cao, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo Cục QLTT các địa phương khẩn trương thực hiện tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý. Nếu phát hiện các hành vi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật. 

Ngoài ra, các đội QLTT phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như y tế, hải quan, biên phòng và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị y tế phòng dịch (khẩu trang, các loại nước rửa tay…), tổ chức ký cam kết không được tàng trữ, đầu cơ, găm hàng, tạo sự khan hiếm nhằm mục đích nâng giá, ép giá, hạn chế đến mức thấp nhất việc mua gom xuất sang Trung Quốc kiếm lời.

Ngay lập tức, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đã tiến hành tăng cường kiểm tra đối với “phố thuốc Hapulico”. Tại đây, Đội QLTT số 1 đã phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá, có dấu hiệu găm giữ hàng. Đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế không niêm yết giá và yêu cầu các cơ sở bán ngay ra thị trường số khẩu trang hiện có cũng như cam kết bán đúng giá đã niêm yết và hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, cũng như đảm bảo chất lượng. 

Trước đó, Cục QLTT Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các đội tăng cường kiểm gia, giám sát việc buôn bán các thiết bị và vật dụng liên quan đến chống dịch Corona. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng động vật và thực phẩm từ động vật nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ đang có dịch. 

Đặc biệt chú ý kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) là thủy sản, hải sản, động vật và sản phẩm động vật hoang dã (thịt, nội tạng gia súc, gia cầm chưa qua chế biến) kể cả hàng hóa do khách du lịch mang theo và hàng hóa mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới phải đảm bảo thực hiện kiểm dịch và đáp ứng các các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. 

Có thể chuyển hướng xuất khẩu nông sản…

Cùng với việc kiểm soát thị trường các trang thiết bị, vật dụng liên quan đến chống dịch, các bộ, ngành liên quan cũng đã liên tục có những thông tin ứng phó với dịch. Trong đó, Cục XNK (Bộ Công Thương) đã liên tục có công văn gửi các đơn vị liên quan, các DN có hoạt động thương mại với Trung Quốc để ứng phó với tình trạng khẩn cấp hiện thời. 

Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, giữa 2 nước lại có đường biên giới đất liền kéo dài với nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ là nơi giao nhận, thông thương một số lượng lớn hàng hóa XNK. Hiện, phía Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp hạn chế giao thương, trong đó, Bằng Tường sẽ lùi thời gian mở các cửa khẩu với Việt Nam đến ngày 9/2/2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở vào ngày 3/2/2020). 

Do các mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay chỉ có thể XK qua cửa khẩu phụ nên việc lùi thời gian mở cửa khẩu sẽ làm ảnh hưởng đến việc XK các loại nông sản, đặc biệt là các mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như dưa hấu, thanh long. Cùng với đó, hiện tình hình lưu thông giữa các địa phương của Trung Quốc cũng gặp khó khăn vì các biện pháp chống dịch nên một số DN Trung Quốc có thể có động thái giãn tiến độ thực hiện các đơn hàng mua thanh long của Việt Nam.

Với những khó khăn nêu trên, Bộ Công Thương đã đề nghị các DN theo dõi sát diễn biến hoạt động XK nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng... nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, XK hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. 

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, các DN cần dự tính phương án ứng phó với khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng, kéo dài dẫn đến việc giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn hơn nữa, thậm chí không thể thực hiện được. Từ đó có phương án kịp thời chuyển hướng XK sang thị trường khác, tiêu thụ trong nước hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ NN&PTNT đề nghị các DN chế biến tăng cường thu mua trái cây tươi tại các tỉnh để chế biến thành các sản phẩm như nước ép, sấy khô... vừa nâng cao giá trị mặt hàng, vừa giúp nông sản có thể lưu giữ được lâu hơn.

Ngoài ra, Cục XNK cũng đã có đề nghị các DN logistics sở hữu kho lạnh cần vào cuộc, hỗ trợ các DN nông sản, dành diện tích bảo quản lạnh với giá ưu đãi để giúp các DN nông sản bảo quản nông sản, thủy sản trong thời gian tìm kiếm hợp đồng mới.

Đọc thêm