Thủy điện Lai Châu: Biểu tượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa

(PLO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định như vậy tại lễ khánh thành công trình Nhà máy Thủy điện Lai Châu do EVN tổ chức sáng nay (20/12).
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét, Thủy điện Lai Châu là điểm sáng về sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét, Thủy điện Lai Châu là điểm sáng về sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất.

Công trình này có tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng, hoàn thành sau hơn 5 năm thi công. Đây là công trình xây dựng trọng điểm cấp quốc gia; mỗi năm cung cấp khoảng 4,7 tỷ kWh cho lưới điện Quốc gia, giúp đảm bảo an ninh năng lượng.

Thi công 3 ca liên tục gần 2.000 ngày

Ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công trình Thủy điện Lai Châu có công suất 1.200MW, gồm 3 tổ máy, do EVN làm chủ đầu tư. Đây là nhà máy thủy điện có công suất lớn thứ ba cả nước, sau thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Thủy điện Hòa Bình (1.950 MW). 

Thủy điện Lai Châu được khởi công từ năm 2011, tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình sẽ được khánh thành vào tháng 12/2017; nhưng đã hoàn thành trước một năm.

Cũng theo Tổng giám đốc EVN, Thủy điện Lai Châu được thực hiện trong thời gian hơn 5 năm với khoảng gần 2.000 ngày lao động, được thực hiện liên tục trong ba ca mỗi ngày; tại đây, lúc cao điểm đã có khoảng 8.000 lao động. Tổng cộng đã đào 14,8 triệu m3 đất đá, sản xuất 3,6 triệu m3 bê tông các loại, 49.000 tấn cốt thép, lắp đặt thiết bị công nghệ hơn 30.000 tấn… 

Đến tham dự buổi lễ khánh thành, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công trình Thủy điện Lai Châu là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực và tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của chủ đầu tư và các đơn vị trên công trường. “Công trình thực sự trở thành biểu tượng sinh động cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu.

Ông Phạm Hồng Phương - Giám đốc Ban quản lý Dự án Thủy điện Sơn La  - Lai Châu cho biết, với việc hoàn thành công trình trước kế hoạch 1 năm, ước tính EVN đã tiết kiệm được từ 5.000 - 7.000 tỷ đồng. Lượng tiết kiệm này có được nhờ giảm chi phí lãi vay; không phải trả lương cho công nhân trong vòng 1 năm; sản lượng điện thương phẩm khoảng 4,7 tỷ kWh… 

Giải thích một phần lý do công trình hoàn thành trước tiến độ, ông Phương cho hay, sau khi hoàn công công trình Thủy điện Sơn La vào cuối năm 2012, số lượng công nhân tại đây đã dồn lên Lai Châu để thi công công trình thủy điện này. Do có kinh nghiệp từ Thủy Điện Sơn La, công việc tại Thủy điện Lai Châu gặp nhiều thuận lợi nên tiến độ đã được đẩy nhanh.

Lễ khánh thành Thủy điện Lai Châu do EVN tổ chức ngày 20/12
Lễ khánh thành Thủy điện Lai Châu do EVN tổ chức ngày 20/12

Đường sá được đầu tư, bản làng lên thị trấn...

 Theo ông Phương, công suất thủy điện Lai Châu nhỏ hơn 50% so với Thủy điện Sơn La, nhưng do đặc điểm địa hình phức tạp nên khối lượng công việc ở Thủy điện Lai Châu tương đương thủy điện Sơn La. 

“Nhiệm vụ của dự án ngoài việc cung cấp điện lên hệ thống lưới điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh thì công trình này còn có tác dụng chống lũ về mùa mưa; cung cấp, điều tiết nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc”, Giám đốc Ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu nói. 

Đến thời điểm này, thì đây là công trình thủy điện lớn, ghi nhận nhiều kỷ lục nhất. Theo đó, đập bê tông đầm lăn thủy điện Lai Châu có khối lượng 1.886.000m3; chiều cao đập lớn nhất 137m. Tốc độ thi công nâng đập theo chiều cao trung bình trên 20m/tháng, lớn nhất 27,9m/tháng.

Và đây là một trong những đập có tốc độ nâng đập lớn nhất thế giới. Cũng theo ông Phương, việc thi công bê tông đầm lăn vượt tiến độ đã tạo điều kiện thi công sớm các hạng mục khác, sớm tích nước hồ chứa đem lại hiệu ích phát điện cho Thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.

Công trình Thủy điện Lai Châu nằm trên địa bàn thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Theo tìm hiểu của PLVN, sau khi có công trình thủy điện lớn ở đây đã, bộ mặt của địa phương đã có nhiều thay đổi.

Chỉ vài năm về trước, thị trấn này chỉ là một bản làng hẻo lãnh, dân cư thưa thớt. Nhưng từ khi công trình triển khai, đường sá ở đây được đầu tư, dân cư tập trung kèm theo đó sức mua của hàng ngàn công nhân thi công thủy điện khiến nơi đây nhộn nhịp giao thương, “mọc” lên nhiều dịch vụ, núi rừng Tây Bắc bừng sáng một góc trời...

Ông Phạm Đức Minh - Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, việc EVN đầu tư thủy điện nơi đây là một trong những lý do để hình thành thị trấn Nậm Nhùn từ một bản làng heo hút. Theo ông Chủ tịch huyện, nhờ công trình thủy điện mà hàng trăm km đường nhựa được làm mới, hàng chục cây cầu được nối giữa các bản làng.

2.000 hộ dân tái định cư đã ổn định cuộc sống. 

Theo ông Nguyễn Ngọc An - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, dự án thủy điện tác động đến 2 huyện Mường Tè và Nậm Nhùn, phải di dời khoảng 2.000 hộ dân với gần 8.000 nhân khẩu khỏi vùng lòng hồ bị ảnh hưởng. 

Thế nhưng, sau khi những hộ dân này đến nơi tái định cư mới, cuộc sống của họ đã nhanh chóng ổn định trở lại. Hai xã tái định cư đã đạt chuẩn nông thôn mới”, Chủ tịch UBNDtỉnh Lai Châu nhận xét.

Đọc thêm