Tranh chấp hợp đồng tín dụng cho vay tiêu dùng: Tòa án cũng “lúng túng”vì thiếu căn cứ pháp lý

(PLO) - Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) tuy đã quy định rất cụ thể về lãi suất cho vay cũng như về lãi suất nợ quá hạn đối với khoản vay bằng 150% lãi suất nợ trong hạn. Tuy nhiên, có một số vấn đề mà Luật vẫn chưa quy định rõ, đó là việc áp dụng quy định các bên được thỏa thuận lãi suất đã khiến cho tòa án không có căn cứ để xử lý các vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng cho vay tiêu dùng.
Tranh chấp hợp đồng tín dụng cho vay tiêu dùng:  Tòa án cũng “lúng túng”vì thiếu căn cứ pháp lý

Câu chuyện “lãi suất”

Công ty Tài chính (CTTC) là một trong các loại hình của TCTD và chịu sự điều chỉnh của Luật Các TCTD. Hiện nay, Luật Các TCTD đã quy định về lãi suất cho vay cũng như về lãi suất nợ quá hạn đối với khoản vay bằng 150% lãi suất nợ trong hạn. Mỗi CTTC lại có một cách tính lãi và áp dụng biểu phí với các khoản vay tiêu dùng đối với mỗi khách hàng khác nhau.

Hơn nữa, do hoạt động cho vay tiêu dùng thường nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân hàng ngày hoặc mua sắm hàng hóa nên các khoản vay thường nhỏ, khách hàng dưới chuẩn cấp vốn, khoản vay có tính rủi ro cao dẫn đến mức lãi suất được áp dụng ở các CTTC thường cao hơn so với mặt bằng chung.

Do vậy, các CTTC thường bị “quy” là vi phạm quy định pháp luật. Hiện các CTTC cho vay tiêu dùng với lãi suất phổ biến ở mức khoảng 20-30%/năm, thậm chí cao hơn; trong khi, ngân hàng thương mại cho vay sản xuất, kinh doanh lãi suất chỉ vào khoảng 10-13%/năm.

Lý giải về căn cứ đánh giá mức lãi suất cho vay của CTTC có phù hợp với quy định pháp luật hay không, luật sư Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Viet In (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, quy định pháp luật hiện nay về lãi suất cho vay tiêu dùng của CTTC còn bất cập dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 91 Luật Các TCTD năm 2010 và Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về việc thực hiện lãi suất thoả thuận trong cho vay của các TCTD đối với khách hàng, các CTTC được quyền thỏa thuận với khách hàng về lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng việc CTTC cho vay với lãi suất cao là vi phạm pháp luật chủ yếu viện dẫn điều khoản tại Bộ luật Dân sự, đó là các CTTC tiêu dùng hoặc các ngân hàng thương mại không được cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Do đó, việc CTTC cho vay tiêu dùng với mức lãi suất lên đến 40%/năm lại bị xem vi phạm quy định của pháp luật. 

Theo Luật sư Phạm Thanh Tuấn, do căn cứ pháp lý không rõ ràng nên việc khẳng định CTTC cho vay tiêu dùng với lãi suất cao có vi phạm pháp luật hay không chỉ là tương đối, bởi khi pháp luật không rõ ràng thì việc khẳng định một hành vi nào đó đúng hay không đúng sẽ không có tính thuyết phục.

Tòa án “hòa giải”

Theo quan điểm cá nhân, luật sư Phạm Thanh Tuấn khẳng định việc CTTC cho vay tiêu dùng với lãi suất cao là không vi phạm pháp luật. Các CTTC và khách hàng được tự do thỏa thuận lãi suất, tuy nhiên, để tránh trường hợp tranh chấp trong hợp đồng tín dụng, các văn bản hướng dẫn Luật cũng nên  bổ sung quy định mức lãi suất và phí theo năm.

Theo thông tin của Tòa án nhân dân tối cao, hiện cũng chưa có án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được ban hành để hướng dẫn xét xử thống nhất về lãi suất trong lĩnh vưc cho vay tiêu dùng cá nhân của CTTC. Trong khi, tại Điều 16 Dự thảo lần 2 Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC lại cho phép CTTC được thỏa thuận với khách hàng về lãi suất cho vay.

Đọc thêm