Trọng tài thương mại góp phần đảm bảo cho Việt Nam hội nhập

(PLO) - Trọng tài Quốc tế và Pháp quyền vì thị trường bền vững là buổi tọa đàm vừa được tổ chức.
Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tỷ lệ lựa chọn trọng tài chiếm tới 47%

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và trên thế giới, là địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Để thúc đẩy hoạt động đầu tư và kinh doanh trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực cùng các cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp (DN).

Vấn đề này một lần nữa được nhấn mạnh, đặc biệt trong buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nhân Việt Nam gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ luôn nhất quán theo chủ trương đã đề ra: Chính phủ kiến tạo đồng hành cùng DN và bảo vệ đến cùng DN và các nhà đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ông Vũ Ánh Dương, Việt Nam luôn chú trọng việc cải cách tư pháp, đặc biệt là công tác xét xử đạt mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có một nền tư pháp trong sạch vững mạnh, liêm minh, bảo vệ công lý. Hoạt động tư pháp trong đó trọng tâm là hoạt động xét xử tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

Bên cạnh đó, phương thức trọng tài cũng được Nhà nước Việt Nam khuyến khích và phát triển. Đây là chủ trương của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam trong đó khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua phương thức lựa chọn (ADRs), đó là phương thức hòa giải và trọng tài và tòa án có trách nhiệm hỗ trợ việc trọng tài công nhận kết quả việc giải quyết bằng trọng tài.

Theo Hội Luật gia Việt Nam, Luật Trọng tài ban hành sẽ góp phần giải quyết số lượng tranh chấp kinh doanh thương mại lên đến khoảng 10% trong tổng số các tranh chấp kinh doanh thương mại phát sinh tại Việt Nam. 

“Trọng tài thương mại được coi là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm như: thủ tục đơn giản, linh hoạt; nhanh gọn, giúp các bên tranh chấp tiết kiệm thời gian và chi phí. Phù hợp để giải quyết tranh chấp kinh doanh vốn luôn đòi hỏi tiêu chí nhanh chóng hiệu quả. Ở xã hội, trọng tài phát triển cũng góp phần giảm tải khối lượng tranh chấp đang quá tải tại tòa án. Ở góc độ vĩ mô thì Nhà nước cũng giảm bớt được một phần ngân sách về đầu tư hệ thống tòa án, nếu như trọng tài phát triển. Hiện nay, thực tiễn tại Việt Nam thì tranh chấp phát sinh giữa các doanh nghiệp có thể được đưa ra, giải quyết bằng trọng tài và tòa án, vì vậy nhà đầu tư trong hay ngoài nước cũng có thể tiếp cận và sử dụng 2 phương thức này để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình trong hoạt động đầu tư và kinh doanh”, ông Dương cho biết thêm.

“Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016, về việc sử dụng trọng tài tại Việt Nam, về đánh giá năng lực cạnh tranh tại các tỉnh do VCCI thực hiện năm 2016, khảo sát trên 10.000 doanh nghiệp thì thứ tự ưu tiên để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ lựa chọn trọng tài là phương thức thay thế chiếm tới 47%. Điều này cho thấy xu hướng chuyển dịch rõ rệt của các doanh nghiệp đang chuyển từ tòa án truyền thống sang trọng tài thương mại tại Việt Nam. 

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ trong 21 ngày

Theo báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam đã đạt được điểm tối đa về tính sẵn có của một khung pháp lý phù hợp trong hoạt động trọng tài tại Việt Nam với chỉ số 2/3 điểm (1 điểm còn lại thuộc về phương thức hòa giải. Đặc biệt, năm 2016 khi đó Việt Nam chưa có Nghị định về hòa giải thương mại). Vào tháng 4 vừa rồi, Chính phủ Việt Nam đã chính thức ban hành thêm Nghị định về trọng tài thương mại, chắc chắn rằng Việt Nam sẽ đạt điểm tối đa”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Ánh Dương, hiện Việt Nam có 17 trung tâm trọng tài với 158 trọng tài viên trong đó 130 trọng tài viên Việt Nam và 38 trọng tài viên nước ngoài. Theo thống kê có trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có doanh nghiệp giải quyết tranh chấp qua VIAC. 

Theo đó, giải quyết tranh chấp được giải quyết nhanh chóng hiệu quả. Thời gian giải quyết 1 vụ tranh chấp tại VIAC trung bình 156 ngày, tuy nhiên vừa rồi năm 2017 ban hành bộ quy tắc, áp dụng thủ tục rút gọn, theo đó các bên có thể thỏa thuận rút ngắn quy trình, thủ tục thời gian giải quyết tranh chấp. Hiện nay, có nhiều vụ giải quyết tranh chấp nhanh chóng, trong 21 ngày. Điều này chứng tỏ việc giải quyết bằng trọng tài về giải quyết tranh chấp có nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Tình trạng hiện nay tại Việt Nam, đang có rất nhiều tín hiệu thuận lợi. 

Đọc thêm