Vạch trần u nhọt bổ nhiệm theo kiểu 'trực hệ, quan hệ và tiền tệ'

(PLO) - Hiện tượng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan” được báo chí điều tra, phản ảnh nhiều lần. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ vào cuộc và mới đây đã công bố công khai kết quả kiểm tra này.
Vạch trần u nhọt bổ nhiệm theo kiểu  'trực hệ, quan hệ và tiền tệ'

Trong 9 cơ quan, đơn vị có hiện tượng “cả nhà làm quan”, bao gồm cả chính quyền tỉnh, huyện và xã, cả các cơ quan chức năng trực thuộc cấp bộ, thành phố,... đã được thanh tra cho thấy có 18 người nhà có quan hệ trực thuộc và 40 người có quan hệ họ hàng. Thanh tra cũng chỉ ra những sai sót trong việc tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ tại các cơ quan này. Điểm dễ dàng nhận thấy nhất là có sự ưu ái không nhỏ, bỏ qua các tiêu chuẩn cần thiết đối với các “người nhà” hoặc “người anh em, họ hàng” này.

Đây là lần đầu tiên, những thông tin về “nguyên tắc” tuyển dụng và bổ nhiệm theo kiểu “trực hệ, quan hệ và tiền tệ” lan truyền và âm ỷ trong dư luận được cơ quan chức năng làm rõ và công khai.

Bước tiến này đặt tiền lệ cho việc công khai hóa toàn bộ quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm từ chỉ tiêu, tiêu chuẩn đến sự đảm nhận cương vị để mọi người được biết, con đường “thăng quan, tiến chức” phải sáng rõ như ban ngày.

Được như vậy thì sự “đi đêm” như tỉnh Hậu Giang xin ông Trịnh Xuân Thanh hay Sabeco xin ông Vũ Quang Hải về làm lãnh đạo sẽ không còn và chấm dứt luôn tình trạng bổ nhiệm rồi lại phải “xin rút” hoặc bị miễn nhiệm. Nên công khai cả những danh sách người được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ở các thời điểm khác nhau, đặc biệt là ở mỗi “hoàng hôn nhiệm kỳ”, tránh cho việc đã trở thành công, viên chức nhà nước, đã giữ cương vị lãnh đạo mà lại phải “tay trắng ra đi”.

Công khai chỉ có lợi, không phải chỉ cho riêng việc quản lý nhà nước, quản lý con người mà có lợi chính cho những người được tuyển dụng, bổ nhiệm, tại sao cứ phải bí mật như buôn bạc giả, dấm dúi để cho thói “ngậm miệng ăn tiền” lên ngôi?!

Sự công khai tài sản của cán bộ lãnh đạo cũng đã có một “bước ngoặt” sang trang mới khi Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét và làm rõ khối tài sản (cổ phần) của Thứ trưởng Bộ Công Thương. Động thái này ghi nhận sự quan tâm của lãnh đạo đối với thông tin trên báo chí, dư luận xã hội, đồng thời không để sự mù mờ, nghi vấn tài sản bất minh của cán bộ lãnh đạo âm ỷ trong dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật nhà nước. Làm tốt với việc công khai này đồng nghĩa với sự ngăn chặn hiệu quả các tài sản có dấu hiệu bất minh.

Tiến trình công khai đã bắt đầu và khởi động mạnh mẽ ở các lĩnh vực thường bị coi là “nhạy cảm” bấy lâu nay. Đó là tín hiệu tốt trong việc giữ gìn kỷ cương, phép nước và niềm tin của nhân dân đối với chế độ.

Đọc thêm