Vấn đề 'giải cứu' ở Quốc hội

(PLO) - Sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế -  xã hội thời gian qua. Các đại biểu của dân đã chú ý phân tích những biến động xã hội vừa qua và không bỏ qua những sự kiện dư luận quan tâm, từ biến cố Đồng Tâm đến các cuộc “giải cứu” thịt lợn và dưa hấu. Đó là một tín hiệu tốt.
Vấn đề 'giải cứu' ở Quốc hội

Càng tốt hơn khi các phân tích, nhận định, đánh giá về những biến động đó, các ý kiến đã xuất phát từ cách nhìn của đại biểu nhưng đặt mình vào vị trí của nhân dân, vì thế, tính thuyết phục của những ý kiến này cao hơn rất nhiều. Đề cập chuyện “giải cứu” của Chính phủ (cũng là vì dân), nhiều ý kiến cho rằng đó là việc làm cần thiết, không ngăn trở gì đến việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo và minh bạch, song có hàm ý phê phán tính dự báo chưa cao và nếu nắm bắt tình hình thực tế hơn thì không có chuyện phải “giải cứu”. 

Đây cũng là mong muốn của người dân, không để những sản phẩm của họ  làm ra bị ế thừa vì cách làm tự phát và thiếu định hướng. Chắc chắn, công tác dự báo tốt hơn, chuẩn bị các phương án phòng ngừa tích cực thì không phải “giải cứu” nữa.

Sự kiện Đồng Tâm cũng là một cuộc “giải cứu” và có cái kết như mong muốn. Đây thực sự là một bài học sâu sắc của chính quyền trong việc quản lý đất đai và quan trọng hơn, cách đối xử với nhân dân và thực thi pháp luật. Rất ấn tượng và gây xúc động khi vị Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội hiểu rõ tâm trạng người dân khi phải đẩy con mình ra đường và hẳn rằng những cán bộ chính quyền địa phương phải suy nghĩ điều này trong ứng xử với dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giải quyết minh bạch thay vì tìm cách đối phó với dân.

Cũng liên quan tới cách ứng xử với dân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện đã nêu ra một thực trạng: Nhiều địa phương không có lịch tiếp dân, người đứng đầu chính quyền không thực hiện tiếp dân như quy định bắt buộc, thậm chí cử những người không có trách nhiệm để tiếp dân. Chỉ một thực trạng này thôi cũng đủ để phơi bày thực chất rằng cán bộ lãnh đạo địa phương có quan tâm đến dân không và nếu không muốn gặp dân thì họ phục vụ ai? Làm sao để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng người dân để điều hành, quản lý khi chỉ muốn tránh mặt họ? Đây cũng là một nguyên nhân gây nên những biến cố xã hội ngoài mong muốn và “đẻ ra” những chính sách quan liêu.

Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp tới và người dân hướng về với hy vọng và niềm tin rằng tiếng nói và tâm nguyện của mình sẽ được cất lên trên diễn đàn của cơ quan quyền lực cao nhất nước!

Đọc thêm