Vì sao Dự án cải tạo đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất về “tay” 2 đơn vị thuộc Bộ Giao thông?

(PLVN) -Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dù đã nhiều năm theo đuổi 2 dự án trên, nhưng tới phút chót, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định giao PMU Thăng Long và Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) quản lý, điều hành các dự án này.
CIPM được giao quản lý Dự án cải tạo đường cất, hạ cánh Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, trị giá gần 2.000 tỷ đồng.
CIPM được giao quản lý Dự án cải tạo đường cất, hạ cánh Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, trị giá gần 2.000 tỷ đồng.

ACV đã mất ít nhất 2 năm qua để báo cáo hiện trạng, thuyết minh phương án đầu tư sửa chữa, nâng cấp đường cất/hạ cánh 11R/29L (Sân bay Nội Bài) và đường cất/hạ cánh 25L/07R (Sân bay Tân Sơn Nhất) do các công trình này xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn bay.

Theo tính toán của ACV, tổng nhu cầu vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay Tân Sơn Nhất, trọng tâm là cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 25R/07L bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa, là hơn 1.800 tỷ đồng. Ở Nội Bài, nhu cầu vốn cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay, đặc biệt là nâng cấp đường cất/hạ cánh 11R/29L bằng kết cấu bê tông nhựa, có số vốn khoảng 2.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT trong một kết luận mới đây khẳng định, tại thời điểm này, ACV chưa đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật như các cán bộ, kỹ sư chưa có chứng chỉ hành nghề quản lý dự án, nên chưa đủ điều kiện để thành lập, tổ chức quản lý dự án của ACV. Vì vậy, 2 đơn vị thuộc Bộ là PMU Thăng Long và CIPM sẽ là đại điện chủ đầu tư tổ quản lý, điều hành 2 dự án trên.

Được biết, PMU Thăng Long là một trong những Ban “đinh” của Bộ GTVT, hình thành sau khi sáp nhâp với PMU1 với 300 cán bộ kỹ sư, nhưng đang gặp khó khăn về nguồn việc làm sau khi một số dự án PMU này quản lý sẽ kết thúc vào khoảng cuối năm nay.

Thực tế, CIPM và PMU Thăng Long đều là những đơn vị lâu nay vốn sở trường quản lý, triển khai các dự án giao thông đường bộ, nay tham gia điều hành một dự án hạ tầng hàng không, lại rất cấp bách về mặt thời gian, chắc chắn đó sẽ là một áp lực không nhỏ? 

Điều khó khăn đối với Dự án nâng cấp đường cất, hạ cánh sân bay là vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay.
 Điều khó khăn đối với Dự án nâng cấp đường cất, hạ cánh sân bay là vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay.

Trao đổi PLVN về vấn đề này, ông Dương Viết Roãn - Giám đốc PMU Thăng Long, khẳng định: “Về mặt kĩ thuật, nhất là vấn đề kết cấu công trình, chúng tôi hoàn toàn làm chủ; về mặt nhân lực cũng đủ sức tổ chức thực hiện, quản lý dự án. Vấn đề cần lưu ý ở đây là làm sao để có sự phối hợp nhịp nhàng giữa đại diện chủ đầu tư với các đơn vị như ACV, Tổng công ty Quản lý bay, Cục Hàng không, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng... để vừa đảm bảo thi công công trình nhưng vẫn duy trì hoạt động bay bình thường. Mục tiêu phấn đấu là sẽ khởi công công trình trong tháng 6 này”. 

Theo đó, để tập trung nhân lực cho dự án trên, cách đây không lâu, Bộ GTVT đã quyết định rút việc điều hành Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ PMU Thăng Long chuyển về CIPM.

Cũng như PMU Thăng Long, CIPM mới đây cũng được giao Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng tại Sân bay Tân Sơn Nhất, dù đơn vị này hiện vẫn trong vai doanh nghiệp Nhà nước làm nhiệm vụ đầu tư, quản lý, khai thác các dự án hạ tầng ở khu vực phía Nam.

Liên quan tới “Tổng” này, một nguồn tin đề nghị ẩn danh nói với PLVN rằng, Bộ GTVT đang triển khai các thủ tục pháp lý cần thiết nhằm tái lập lại PMU Mỹ Thuận - đơn vị tiền thân của CIPM, để tới đây Ban này có thể tham gia quản lý các dự án hạ tầng đang triển khai ngày một nhiều ở khu vực phía Nam, bên cạnh PMU7.

Vì thế, rất có thể việc giao CIPM làm đại diện chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất là một động thái cho thấy Bộ GTVT đang “dọn đường” cho sự ra đời PMU Mỹ Thuận trong tương lai gần?

Đọc thêm