Vì sao, nông nghiệp hữu cơ chưa có “cơ” để phát triển?

(PLO) - Do chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khiến cho ngành này dù rất tiềm năng nhưng rất khó phát triển. 
Thiếu bộ tiêu chuẩn quốc gia, đa số nông dân e ngại chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do chi phí sản xuất cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Ảnh minh họa
Thiếu bộ tiêu chuẩn quốc gia, đa số nông dân e ngại chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do chi phí sản xuất cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Ảnh minh họa

Bấp bênh

Theo Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ (FiBL), diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của nước ta hiện chạm mức khiêm tốn với hơn 76 nghìn ha, nằm rải rác tại nhiều địa phương. Sản phẩm hữu cơ cũng bắt đầu manh nha tiêu thụ trong nước và hướng xuất khẩu đến một số thị trường như Nhật, Mỹ và EU. Mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước về cơ bản mới bắt đầu hình thành.

Ở lĩnh vực trồng trọt, hiện có khoảng 30/63 tỉnh thành với 59 cơ sở sản xuất đã triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Trong đó,  Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ lớn nhất với hơn 3000 ha chủ yếu là dừa và Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ lớn nhất với 448 ha nho, táo, rau, riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ là 284 ha.

Nhiều mô hình hợp tác xã đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ nhiều năm và sản phẩm sản xuất ra đã có sự gia tăng về giá trị như mô hình sản xuất rau ở Lương Sơn - Hòa Bình, xã Thanh Xuân - Sóc Sơn - Hà Nội, chè Shan Tuyết  Bắc Hà - Lào Cai, cam Hàm Yên - Tuyên Quang… Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ có sản phẩm đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc như.  

Ở lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, hiện cũng đã có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận là: Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk với trang trại ban đầu tại tỉnh Lâm Đồng có tổng đàn 500 con bò sữa hữu cơ nhập từ Hoa Kỳ và Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty TH TrueMilk với tổng đàn bò sữa hữu cơ là 1.000 con, dự kiến đến năm 2018 là 3.000 con tại tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, đã có một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước như Trang trại Bảo Châu, Trang trại Anh Đào... Các dự án thủy sản nuôi tôm sinh thái bảo vệ rừng ngập mặn tại Cà Mau đang được tổ chức phi chính phủ SNV hỗ trợ lấy chứng nhận của IMO (tổ chức chứng nhận của Thuỵ Sĩ) để xuất khẩu tôm sang thị trường EU. Đến cuối tháng 9/2015, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 20.030 ha (trong đó 20.000 ha là diện tích nuôi tôm sinh thái và 30 ha diện tích nuôi cá nước ngọt). 

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, nếu như DN tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản) để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước, thì các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa. 

“Tuy nhiên, các nhóm hộ này sản xuất dựa trên cơ sở tự nguyện, không có đơn đặt hàng tiêu thụ trước, chưa đăng ký để được chứng nhận bởi các tổ chức được chỉ định hay tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, do đó thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh, giá thấp do chưa nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng trong nước”- Thứ trưởng Nam cho biết. 

Cần tiền tỷ để được chứng nhận

TS Nguyễn Bá Hùng,Tổng Giám đốc Công ty Organik Đà Lạt cho hay: Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị cao hơn nhiều so với các sản phẩm truyền thống. Nhưng cái khó của nông nghiệp hữu cơ chủ yếu là chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, tiếp thị… chưa rõ ràng; chưa có sự phân biệt hay ưu đãi cụ thể giữa sản xuất nông nghiệp truyền thống và hữu cơ. 

Ngoài ra, năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ  mặc dù đã ban hành hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi (TCVN11041:2015). Tuy nhiên, đến nay hướng dẫn này chưa thành một bộ tiêu chuẩn quốc gia nên vẫn chưa hình thành hệ thống các tổ chức chứng nhận và tiêu chuẩn này vẫn chưa được các tổ chức quốc tế thừa nhận. 

Trong khi đó, đa số nông dân lại e ngại chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ không ổn định. 

Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc nhãn hiệu Mì gạo theo hướng hữu cơ Tâm Thủy thừa nhận: “Để lấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, phải mất từ 700 triệu đồng – 1 tỷ đồng. Chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có đủ khả năng tài chính, chứ chúng tôi làm sao theo được. Giờ chỉ trông chờ Nhà nước ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia về thực hành hữu cơ để vận dụng theo”.

Theo nhiều DN, trước mắt sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần hướng đến thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân. Để chinh phục được, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ. Qua đó giúp người tiêu thụ an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, nhiều DN cũng kiến nghị Chính phủ cần cho phép điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện TCVN11041:2015, chỉ định các tổ chức đánh giá tiêu chuẩn này đủ năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, được các tổ chức quốc tế thừa nhận. Đồng Bộ NN&PTNT cũng cần sớm xây dựng hành lang pháp lý trong công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp sản phẩm này khẳng định chất lượng và có chỗ đứng xứng đáng.

Đọc thêm