Việt Nam cần tạo nền móng cho những nguồn lực tăng trưởng mới

(PLO) - Đó là trao đổi của bà Kristalina Georgieva – Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) với báo chí bên lề chuyến thăm Việt Nam mới đây.
Bà Georgieva tại cuộc họp báo
Bà Georgieva tại cuộc họp báo

Mức tăng trưởng ấn tượng

Xin bà cho biết một số dự báo về tăng trưởng của Việt Nam?

- Theo dự báo của WB, trong năm 2017, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP trong khoảng 6,5-6,7%. Trong bối cảnh các nước trên thế giới đều tăng trưởng chậm, mức đầu tư thấp và mức độ dễ tiên liệu của các chính sách kinh tế ngày càng giảm đi thì mức tăng trưởng của Việt Nam là rất ấn tượng. Nhưng, chúng ta cũng phải lưu ý rằng một số động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam như nguồn nhân công giá thấp hay dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng sẽ không tồn tại mãi. Do đó, Việt Nam cần phải tạo ra nền móng cho những nguồn động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế trong tương lai. 

Bà Georgieva khẳng định, WB tự hào và vinh hạnh là một đối tác của Việt Nam khi Việt Nam hướng tới những tiến bộ và giảm đáng kể tỉ lệ người dân sống trong nghèo đói. Trong năm 2017, WB sẽ triển khai kí kết các khoản vay trị giá 1,8 tỷ USD để hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu, giảm nghèo ở những vùng tỷ lệ nghèo còn cao tại Việt Nam, quản lý tài nguyên nước, cải thiện môi trường đô thị…

Chúng ta cần có những cải cách tập trung vào nguồn lực con người, chuẩn bị cho lực lượng lao động để họ có thể nhanh nhạy nắm bắt được các kĩ năng mà nền kinh tế tương lai cần. Việt Nam đã đạt hiệu quả tốt ở giáo dục phổ thông nhưng cần sự đầu tư hơn nữa vào giáo dục sau phổ thông, vào việc tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân. 

Theo Báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2016, Việt Nam xếp ở vị trí 82, tăng 9 bậc so với năm 2015, nhưng từ năm 2011 Việt Nam đã đứng ở vị trí 78, tức là dù năm 2016 môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng so với năm trước nhưng lại thụt lùi so với 6 năm trước. Bà có tư vấn gì cho Chính phủ để tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp?

- Chúng tôi tin rằng Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp được mở cửa, hoạt động và đóng cửa; tạo ra được những cơ hội, điều kiện để người dân có thể khởi nghiệp kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng số lượng và phát triển. Lời khuyên của chúng tôi với Chính phủ là cần phải quan tâm tăng cường khả năng dễ tiên liệu của môi trường pháp quy, đến cách thức triển khai các quy định, cơ chế để giải quyết tranh chấp, cùng với đó là những cải cách có vai trò quan trọng về quản trị nhà nước khác. Đây là những cải cách đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. 

Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc làm cho không khí sạch hơn, nguồn nước sạch hơn, môi trường thành phố dễ sống hơn.

Tín hiệu tốt trong việc quản lý tài chính

Nợ công của Việt Nam đang ở mức cao trong khi nhu cầu đầu tư cho hạ tầng thời gian tới rất nhiều. Theo bà, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để giải quyết bài toán về vốn này? Việc sửa Luật Quản lý nợ công đang được tiến hành, WB có khuyến cáo gì?

- Chúng tôi tin rằng việc quản lý tài khóa một cách thận trọng là rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Theo nghĩa như vậy thì Chính phủ đang rất đúng đắn khi thận trọng trong việc quản lý nợ. Việt Nam đã đặt ra trần nợ công 65% GDP của Việt Nam. Tôi không phải là chuyên gia nên không nói được đây có phải là ngưỡng phù hợp hay không nhưng việc đưa ra được một mức trần như vậy là tín hiệu tốt trong việc quản lý tài chính.

Chúng tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tập trung vào những cải cách để cải thiện việc huy động thu ngân sách. Trong số những cải cách này có những cải cách khó thực hiện và phải thận trọng như tạo điều kiện cho những nhà đầu tư đầu tư vào các khu vực có đóng góp nhiều hơn cho ngân sách hay đưa ra các cơ chế để thúc đẩy thu hồi vốn trong khu vực dịch vụ công…

Trong những buổi làm việc với các cơ quan, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng, với từng USD mà chúng tôi cho vay, Việt Nam cần phải làm sao để phát huy tối đa lực bẩy tài chính của nó để tác động của nó đến sự phát triển kinh tế Việt Nam lớn hơn nữa.

WB vừa tuyên bố sẽ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vay mà không cần bảo lãnh Chính phủ. Thời gian tới WB có mở rộng cơ chế này sang lĩnh vực khác không trong điều kiện Việt Nam sắp tốt nghiệp vốn vay ưu đãi của WB thưa bà?

- WB có thể cung cấp nhiều loại bảo lãnh khác nhau và với EVN có thể là bảo lãnh rủi ro một phần, giúp EVN tăng cường mức độ tín nhiệm tín dụng. Năm tới Việt Nam sẽ tốt nghiệp nguồn vốn ODA với lãi suất ưu đãi của WB (IDA) và chuyển sang các khoản vay ít ưu đãi hơn là IBRD. Việc Việt Nam chuyển sang IBRD là điều đáng mừng vì nó thể hiện niềm tin của chúng tôi đối với nền kinh tế Việt Nam. 

Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ EVN để họ nâng cao vị thế của mình và sau đó có thể huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất thấp nhất. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với EVN ở một nội dung quan trọng là tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Chúng ta đã đến giai đoạn khai thác hết tiềm năng thủy điện. Do đó, Việt Nam phải tìm kiếm những cách khác để tạo ra được nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, bây giờ vẫn còn quá sớm để nói về những khoản vay tương tự như vậy cho các doanh nghiệp nhà nước khác.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm