Xu hướng tiêu dùng mới buộc doanh nghiệp Việt phải nhìn nhận, định vị lại thương hiệu

(PLVN) - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đứng trước sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng của khách hàng, các doanh nghiệp cần phải nhận thức lại bản thân, thay đổi phương thức kinh doanh cũng như đánh giá, định vị lại thương hiệu.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp các đơn vị có liên quan, hôm qua, 12/11, tổ chức “Hội nghị khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam” nhằm đưa ra cái nhìn tổng quát về xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra những giải pháp phát triển bền vững thị trường tiêu dùng tại Việt Nam, phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp.

Xu hướng yêu thích trải nghiệm sản phẩm mới

Tại hội nghị, bà Đặng Thúy Hà- Giám đốc Khu vực miền Bắc – Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, cho biết, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng cao, GDP của Việt Nam nằm trong top 3 nước trong khu vực Châu Á có tỷ lệ GDP cao. Việt Nam nằm trong dân cư trẻ, với số lượng người sử dụng internet cao,  64 triệu users, chiếm 66%, chỉ đứng sau Malaysia (77%); ThaiLand (82%) và Singapore (83%).

Với sự lạc quan về khả năng và tiềm năng tài chính, mức sống người tiêu dùng ngày một cải thiện. Người tiêu dùng hiện nay yêu thích trải nghiệm sản phẩm mới. Theo nghiên cứu của Nielsen, có 47% người tiêu dùng hứng thú trải nghiệm các sản phẩm mới mẻ, các thương hiệu mới. Mức độ gắn bó với thương hiệu cũ chỉ chiếm 7%. Ngoài việc quan tâm tới giá cả họ còn quan tâm tới chất lượng, thương hiệu cũng như mức độ truyền thông của sản phẩm. 26% người tiêu dùng trên internet có xu hướng lựa chọn thương hiệu nội địa, họ dễ bị truyền thông và mạng xã hội chi phối” – bà Hà nói.

Theo bà Hà, với xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng hiện nay, các doanh nghiệp cần chú trọng tìm hiểu cách người tiêu dùng đánh giá và xếp hạng các sản phẩm, thương hiệu để quyết định sản phẩm họ lựa chọn. Thường xuyên đổi mới, mang lại những giá trị riêng biệt để gắn kết với người tiêu dùng. Phát triển sản phẩm tối ưu tương xứng với chi phí sản phẩm, mở rộng các kênh truyền thông xã hội cho thương hiệu…

Cùng quan điểm, bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc Nghiên cứu – Công ty nghiên cứ thị trường Intage cũng cho rằng, hiện xu hướng tiêu dùng phân theo thế hệ, ở Việt Nam, thế hệ trẻ khao khát sự tiện lợi tối đa trong mua sắm.

“Sự bùng nổ của thương mại điện tử và thương mại xã hội cho thấy người tiêu dùng trẻ ngày nay ngày càng đòi hỏi cao và khao khát sự tiện lợi tối đa trong mua sắm. 47% những người trẻ Việt Nam yêu thích mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội. Nơi mà họ có thể nhắn tin trực tiếp cho người bán để đặt hàng hoặc chỉ cần bình luận dưới bài đăng, sau đó món hàng sẽ được giao đến tận nơi cho họ. The nghiên cứu 51% khách hàng nam trung bình mua trực tuyến 2,8 lần/tháng. 49% khách hàng nữ trung bình mua trực tuyến 3,3 lần/tháng”, bà Vân phân tích.

Cũng theo bà Vân, ở Việt Nam, thanh toán bằng tiền mặt (COD) là hình thức thanh toán được ưa chuộng vì dễ dàng thanh toán và mang đến cảm giác bảo đảm cho khách hàng. Tuy nhiên, thanh toán trực tuyến cũng đang gia tăng dựa vào tính tiện lợi cao và nhiều lợi ích từ phần thưởng và các khuyến mãi độc quyền. Những người mua hàng trực tuyến dần dần trở nên quen với việc sử dụng ví điện tử, thẻ visa/master và mobile banking để thanh toán khi mua hàng trên các website thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng ofline tại các cửa hàng tiện lợi cũng đang gia tăng, 95% người mua hàng vào các cửa hàng tiện lợi và mua một món ăn.

Thay đổi phương thức kinh doanh, định vị lại doanh nghiệp

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, trước xu hướng tiêu dùng đa kênh như hiện nay, Thương mại điện tử là mảnh đất “màu mỡ” cho các doanh nghiệp Việt. Song, các doanh nghiệp Việt hiện chưa biết cách khai thác mảnh đất này. Việc phát triển phân phối hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử còn nhiều bỡ ngỡ, dễ vấp phải những yếu tố hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

Vì vậy, để Thương mại điện tử phát triển theo ông Hoàng, cần nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đặc biệt các doah nghiệp địa phương và khu vực nông thôn để có thể thay đổi thói quen tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức truyền thống theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, để định hình xu hướng phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới, theo ông Hoàng cần hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử, “chúng ta đã có những Nghị định liên quan tới một số lĩnh vực trong hoạt động thương mại điện tử như Nghị định 165/2018/NĐ-CP, Nghị định 119/2018/NĐ-CP… Song chưa có Luật về thương mại điện tử”.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Quốc Thịnh- Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đứng trước sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng của khách hàng, các doanh nghiệp cần phải nhận thức lại bản thân, thay đổi phương thức kinh doanh cũng như đánh giá, định vị lại thương hiệu.

“Thực tế khách hàng cần sản phẩm, nhưng 85% thực tế khách hàng lựa vào thương hiệu để lựa chọn sản phẩm (từ giày dép, mỹ phẩm, ô tô, điện tử cho tới cả trái cây, rau củ…). Vì vậy để phát triển, doanh nghiệp cần tạo dựng lòng tin, uy tín, định vị được thương hiệu của mình.Thương hiệu là động lực dẫn khách hàng tới với sản phẩm của doanh nghiệp”- ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho rằng: “Hiện nay ở Việt Nam, các doanh nghiệp đang định vị mình quá cao, trong khi năng lực bản thân không triển khai nổi. Khi các doanh nghiệp triển khai định vị thương hiệu cần phải quan tâm tới vấn đề sản phẩm, quan tâm tới vấn đề cảm nhận cuả khách hàng về sản phẩm, gia tăng giá trị thực dụng của sản phẩm (đặc tính, công dụng, độ bền, tính vệ sinh, thuận tiện…), gia tăng về giá trị gia tăng như tư vấn trước bán, dịch vụ sau bán…”.

Đọc thêm