Xuất khẩu trực tuyến: Cơ hội cho doanh nghiệp biết khai thác

(PLO) - Có đến 73% doanh nghiệp được khảo sát cho biết ứng dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu đem lại hiệu quả, song theo Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), đừng kỳ vọng thương mại điện tử tự nhiên mang lại hiệu quả và hiệu quả tức thời…
Chỉ cần một chiếc smarphone, DN có thể giao tiếp với đối tác mọi lúc, mọi nơi
Chỉ cần một chiếc smarphone, DN có thể giao tiếp với đối tác mọi lúc, mọi nơi

Hiệu quả cao, tranh chấp ít

Tại Hội thảo “Gold Supplier – Giải pháp xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam” do Tập đoàn thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu thế giới Alibaba cùng Cty CP Đầu tư và Công nghệ OSB – Đại lý Ủy quyền Chính thức của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam phối hợp tổ chức hôm 16/3, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 có chậm lại song năm 2015 là năm mở ra nhiều cơ hội cho các DN khi rất nhiều FTA được ký kết. Đặc biệt, so với các hiệp định được ký trước đó, tất cả các FTA được ký trong năm 2015 đều có một chương về TMĐT, đây là cơ hội rất lớn cho các DN giao thương với các đối tác nước ngoài, gia nhập thị trường thế giới...

Bà Việt Anh cũng kể lại câu chuyện cách đây 15- 20 năm, kinh phí dành cho xúc tiến thương mại chủ yếu đổ vào các đoàn đi tìm hiểu thị trường nước ngoài nhưng giờ đây chủ yếu dành để hỗ trợ DN nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT. Khảo sát của Cục TMĐT trên 4.000 DN cho thấy có đến 99% DN kết nối internet và các thị trường nhập khẩu chính từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có tỷ lệ sử dụng internet rất cao. “Đây là thuận lợi rất lớn nhưng vấn đề là DN khai thác như thế nào?”- bà Việt Anh đặt vấn đề.

Kết quả khảo sát trên 800 DN xuất khẩu của Cục TMĐT cũng cho thấy có đến 70% DN là DN nhỏ và vừa, 30% là DN lớn; số DN lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 52%, trong khi tỷ lệ này ở DN nhỏ và vừa là 36%. Tuy nhiên, chỉ có 11% DN tham gia và 9% DN cho biết sẽ tham gia sàn TMĐT nước ngoài. Tỷ lệ tham gia sàn TMĐT trong nước có lớn hơn đôi chút khi có 20% DN đã tham gia và 10% DN cho biết sẽ tham gia. Tuy tỷ lệ DN tham gia còn khiêm tốn song hiệu quả các DN thu được không hề nhỏ khi có đến 42% DN cho biết tổng giá trị đơn hàng trực tuyến  trên tổng doanh thu xuất khẩu là 50%, 21% DN tỷ lệ này từ 21- 50%.  Đặc biệt, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 8% DN khảo sát có phát sinh tranh chấp. “Mặc dù giao tiếp trên mạng song có đến 74% DN khảo sát chọn phương thức gặp gỡ trực tiếp để giao kết hợp đồng với đối tác…”- bà Việt Anh cho biết.

Phải có sự đầu tư

Cty Thủ công Mỹ nghệ Hoa Lư, một DN rất thành công khi  xuất khẩu đũa tre và sản phẩm từ tre  qua Alibaba.com mặc dù chỉ 5%  trong số khoảng 100 câu hỏi của đối tác mỗi tháng trở thành hợp đồng. Đại diện này chia sẻ kinh nghiệm rằng, họ đã xây  dựng  được  một hồ  sơ  công  ty  rất  ấn  tượng,  một  gian  hàng đẹp  mắt,  với  thứ  hạng  hiển  thị  sản  phẩm cao,  tạo  ấn  tượng  tốt  đẹp  cho  các  đối  tác khi  họ  lần  đầu  ghé  thăm  gian  hàng  của DN trên Alibaba.com. 

Với một DN thực phẩm có nhà máy ở Hải Dương (Thien Huong food), sau  3  năm  tham  gia  Alibaba,  doanh  thu  của  DN này đã tăng lên 20% so với trước đây. DN đã mở rộng diện tích văn phòng và nhà  xưởng  lên  đến  gần  28.000m2  để phục vụ cho việc sản xuất và kinh doanh.

Cty TNHH HTV Hải Sản 404, một DN 100% vốn nhà nước cũng rất nhanh nhạy với phương thức xuất khẩu trực tuyến. Khách hàng tiềm  năng  của DN này qua  Alibaba.com  đến từ Trung Quốc, Trung Đông và EU. Đại diện DN cho biết, mỗi ngày  DN nhận  được  khoảng 10 thư  hỏi  hàng  từ Alibaba.com,  trong  đó  40%  là  có  chất lượng  và có được   0.5%  đơn  hàng  từ  số thư  hỏi  hàng chất lượng đó. Tuy nhiên, doanh  thu  qua  Alibaba.com  của DN này đã chiếm  60% tổng doanh số xuất khẩu.

Với kinh nghiệm hỗ trợ hàng nghìn DN Việt Nam xuất khẩu trực tuyến từ năm 2009, bà Phạm Hoài Thư - Trưởng Bộ phận Chăm sóc khách hàng - Công ty OSB chia sẻ: “Kinh doanh trực tuyến cũng như kinh doanh truyền thống, nếu được đầu tư thời gian và nhân sự xứng đáng sẽ có hiệu quả tốt”.

Bà Thư cũng dẫn ra trường hợp Cty Gạch men Bách Thanh (TP HCM), năm 2014 DN này hoạt động rất tốt nhưng năm 2015 vừa qua là một năm thất bại do người điều hành trang web của DN đã chuyển sang đối thủ cạnh tranh trong khi DN không có sự đầu tư xây dựng hình ảnh, thụ động trả lời các câu hỏi của khách hàng. Bà Thư đặc biệt lưu ý câu chuyện nhân sự điều hành trang web của DN và nhấn mạnh DN cần hoạt động chăm chỉ hơn trên môi trường trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.

“Đúng là xuất khẩu trực tuyến đem lại hiệu quả rất cao, tuy nhiên đừng kỳ vọng  hiệu quả đến ngay tức thời mà cần có thời gian và có sự đầu tư bài bản…”- bà Lại Việt Anh đưa ra lời khuyên.

Một giải pháp xuất khẩu trực tuyến mang tên Gold Supplier được Cty OSB giới thiệu được kỳ vọng là giải pháp tốt nhất cho các DN Việt Nam hướng ra thị trường toàn cầu. “Khi trở thành thành viên Gold Supplier trên Alibaba.com, DN sẽ được cung cấp nhiều công cụ hiệu quả giúp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thu hút người mua, gia tăng trung bình 22 lần số lượng thư hỏi hàng nhận được…”- ông Đào Mạnh Khôi – Giám đốc TMĐT Khu vực phía Bắc – Cty OSB cam kết. 

Đọc thêm