Cầm đồ “chảnh” kén hàng xịn
Những con phố cầm đồ như đường Láng, Đặng Dung, Bạch Mai, Hồ Tùng Mậu,… vào dịp này xe máy xếp kín trên vỉa hè, người ra vào các cửa hiệu tấp nập, rất dễ nhầm với một khu chợ buôn bán. Đường Láng, trong khoảng 1km có tới gần trăm cửa hàng cầm đồ san sát nhau, biển hiệu sáng rực với những quảng cáo lãi suất hấp dẫn. Cửa hàng nào cũng hoạt động hết công suất, ngày đêm phục vụ, cung ứng cho nhu cầu của dân ghiền độ.
Do lượng khách tăng vọt, các hàng cầm đồ có vẻ “chảnh”, kén khách, kén đồ: Hàng ít tiền thì chê không cầm, chỉ cầm những món hàng có giá trị và không bị mất giá nhanh. Lãi suất tăng vọt, bình thường chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/triệu/ngày, nhiều khi hạ tới 1.500 đồng/triệu/ngày, thời điểm này tăng lên tới 7.000-10.000 đồng/triệu/ngày, thậm chí có nơi lên tới 20.000 đồng/ngày.
Các chủ tiệm thường gia hạn thời gian cầm cố trong vòng vài ngày tới 10 ngày, khách chưa có tiền chuộc có thể cho gia hạn tiếp nhưng không quá 3 lần. Sau thời gian đó vẫn chưa “nhổ” được tài sản, khách hàng coi như chấp nhận bán rẻ những món đồ đã phải tích cóp rất lâu mới mua được. Chuyện chủ tiệm cầm đồ “hái” được tiền tỉ qua một mùa bóng cũng không phải là lạ, vì với con bạc khát đỏ đen mùa bóng đá, đã gửi tài sản ra tiệm cầm đồ là cầm chắc mất không.
|
Xe đẩy bán dạo cũng kiêm cầm đồ
Bên cạnh những cửa hàng cầm đồ lâu năm, mùa bóng này còn mọc thêm nhiều địa điểm cầm đồ “thời vụ”. Có những tiệm thường ngày chỉ chuyên sửa chữa điện thoại di động nhưng nay kiêm thêm vừa sửa chữa vừa cầm đồ. Cả những hàng quán trong ngõ ngách từng khu phố cũng ăn theo phục vụ những khách “ruột” để tranh thủ kiếm lời.
Phố Đặng Dung nổi tiếng đất Hà thành về buôn bán và sửa chữa điện thoại, nhưng vào thời điểm này, 100% các cửa hàng ở đây đều thêm dịch vụ cầm cố cho dân mê cá độ. Thậm chí những xe đẩy bán điện thoại trên phố (của người dân ở phố này, không có cửa hàng nên đóng tủ bày điện thoại để buôn bán) cũng tranh thủ mua bán, cầm cố cho dân mê độ.
Anh Tú - chủ một quầy điện thoại “đẩy” đầu phố Đặng Dung cho biết, bước vào mùa World Cup, lượng khách đến đây tăng gấp ba, gấp năm ngày thường. Trước kia một ngày chỉ có vài khách là những con bạc thâm niên nhẵn mặt tới cầm đồ, nhưng nay cửa hàng lúc nào cũng tấp nập. Có hôm vào khoảng 4h, khách ra nườm nượp kín đường vì theo anh, bình thường đánh xong thua thắng thì hôm sau đều phải thanh toán trước giờ lô đề (khoảng 6h). Do lịch đá bóng năm nay hơi khác mọi năm nên nhiều hôm các cửa hàng phải vừa xem bóng đá vừa phục vụ khách cầm đồ hay bán máy tới sáng. Quy mô tùy theo túi tiền chủ hàng, vốn nhỏ thì làm ăn nhỏ, dày vốn thì cầm cả ô tô và sổ đỏ nhà đất.
Tại một quầy điện thoại đẩy, 2 cậu choai choai chìa ra con iphone 4S (giá từ 6 đến 7 triệu đồng): “Con này bọn em mới mua còn bảo hành. Anh xem được giá em bán luôn”. Và màn mặc cả sau đó diễn ra với đủ chiêu trò dìm hàng: “Sắp ra iPhone 6 rồi em ơi, giờ con này có ai thích dùng nữa đâu, khó bán lắm”, hay “Có mua được cho em cũng chỉ chuyển đi tỉnh khác bán lại thôi, ở đây có ai mua đâu”. Giá chốt là 3,5 triệu đồng, trừ thiếu tai nghe và hộp đựng 300 ngàn nên chỉ còn 3,2 triệu. Hai cậu choai choai nhìn nhau ngán ngẩm nhưng đành gật đầu.
Khó có hy vọng bán được giá cao hơn ở đây vì gần như các cửa hàng đã có sự liên thông ngầm, khách vào hàng đầu không đồng ý mức giá chủ đưa ra, mang đi hàng sau cũng chỉ được giá tương tự, có khi còn thấp hơn một chút. Nắm bắt tâm lý “khát” tiền của những con bạc, chủ tiệm ra sức ép giá các món đồ. Lượng khách tới cầm đồ ngày càng đông trong khi đồng vốn có hạn, nhiều chủ tiệm vì thế càng kén chọn, chỉ nhận cầm hàng xịn như iphone, ipad, laptop, xe máy tay ga, xe số thì phải mới...
Chợ xe cũng… không thiết xe cũ
Trong vai một dân độ, PV Báo Pháp luật VN tới chợ xe hỏi bán chiếc Dream 2. Chưa tới cổng chợ đã có hàng chục “cò” lao ra chào mời: “Bán xe à em? Bán xe không em?”. Xe vừa dừng đã bị nhóm người vây quanh nhìn ngó, hỏi han bình luận về chiếc xe. Sau khoảng 5 phút ngắm nghía nhìn trên, soi dưới, mở máy thử tiếng nổ, hàng loạt những lời chê bôi phát ra. Nào là: “Xe em bổ máy rồi, xe em rách yếm, thay ốc, sơn quá cũ phải làm lại…”. Ngay cả vết xước ở đèn pha cũng được moi ra, mỗi “lỗi” như vậy đều phải trừ đi 500 ngàn đồng để sửa chữa mới bán được. Vì thế theo lời “cò” xe thì trả 5 triệu đồng sợ làm lại xong bán ra vẫn bị lỗ vốn! Có “cò” còn nói luôn: “Xe mới còn chưa muốn mua, huống chi là con xe cũ rích này. Lãi chẳng được bao nhiêu, lại chật chỗ”.
Một tay buôn xe, tay cầm cục tiền phán: “Con xe này cũ rồi, nát lắm rồi, chỉ được 5 triệu thôi, được thì viết giấy bán rồi lấy tiền. Mấy hôm nay nhiều người bán lắm nên cũng không khoái mấy món cũ kỹ như thế này”. PV đưa mức giá 9 triệu, người đàn ông liền tỏ thái độ không tha thiết.
Anh Thanh – một người có hơn chục năm buôn bán xe tại chợ xe Dịch Vọng cho biết: Thời điểm này bán ra chậm nhưng nếu vốn dày thì tha hồ mua xe với giá tốt hơn bình thường rất nhiều. Tâm lý dân cá độ luôn muốn ăn thua nên mang xe ra đây bán đứt còn cao giá hơn đi cầm rồi không chuộc nổi. Như chiếc xe trị giá khoảng 20 triệu đồng, mang cầm đồ chỉ được khoảng 10 triệu, thà ra đây bán gỡ gạc hơn một chút để có thêm tiền “cày” bóng. Dựa vào tâm lý đó của khách hàng, những tay buôn tại chợ luôn tìm cách chê bôi, ép giá xe xuống để kiếm lãi cao hơn. Các chủ lớn tại chợ xe đã tận dụng dịp này để mua được xe giá bèo, mông má cất giữ để buôn bán cho cả năm mà không sợ lỗ.
“Cò” xe ngồi khu vực xung quanh chợ, một ngày có thể kiếm tiền triệu. Những khách vãng lai nhìn thấy tấm biển “mua bán xe” in đơn giản treo đầy khu vực xung quanh chợ là sà vào bán xe. “Cò” chỉ mua đi bán lại đã thu bộn tiền lãi, xe càng xịn, lãi lại càng cao. Như trường hợp của “cò” Quang, sáng bỏ ra 21 triệu đồng mua 1 chiếc xe LX 150, mang vào trong chợ bán lại cho các chủ hàng xe lớn được 22,5 triệu đồng. Chỉ mất công đi chưa đầy 100m từ chỗ Quang ngồi vào chợ đã “ăn” luôn được 1,5 triệu đồng.
Ngoài ra còn một nguồn xe lớn do các chủ hiệu cầm đồ thanh lý bán ra. Vì vậy những ngày này, các tay buôn xe bận gấp 5, 7 ngày thường. Theo anh Sơn - chủ một ki ốt xe trong chợ, hầu hết những ki ốt xe ở đây đều có mối quan hệ thân tín với vài cửa hàng cầm đồ lớn, cứ có xe thanh lý là họ “a lô” cho thợ buôn ở chợ, vừa có lãi tức thì, vừa quay vòng vốn nhanh.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.