Kỳ án 60 cây thông và 3 phiên tòa sơ thẩm

(PLO) - Ngày 7/9/, TAND thị xã Hương Trà mở phiên tòa sơ thẩm lần 3 đối với ông Nguyễn Văn Quyền (55 tuổi, tổ 8, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) 9 tháng tù với tội danh “Hủy hoại tài sản”.
Bị cáo Quyền cho rằng mình không phạm tội huỷ hoại tài sản như kết luận điều tra.

Từ “trộm cắp tài sản” sang “Hủy hoại tài sản”

Cuối năm 2012, khi ông Nguyễn Văn Quyền làm hợp đồng thuê ông Nguyễn Văn Cò phát quang khu vực rừng tại tiểu khu 112 và 113 thuộc dãy núi Kỳ Nam, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sau đó ông Cò đã thuê thêm 10 người khác để cùng làm. Ngày 19/2/2013 ông Quyền tiếp tục thuê anh  Lê Văn Trai tới khai hoang, cuốc gốc và đốt thực bì trên diện tích khu rừng nói trên. Trong quá trình đốt đã làm cháy không phục hồi 13 cây thông có đường vành từ 21cm -60cm của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Hồ II.

Sau khi đốt thực bì xong, chiều ngày 20/3/2013 ông Quyền thuê anh Nguyễn Văn Toàn là người làm nghề khai thác rừng cùng một số người khác đến khai thác cây thông cho ông Quyền.  Đến khoảng 7h30p ngày 21/3/2013,  ông Quyền dẫn nhóm người của anh Toàn đến vùng núi Kỳ Nam để chặt 60 cây gỗ thông có khối lượng 8,125m3 có giá trị thiệt hại là 12.1887.500 đồng. Tổng thiệt hại là 12.489.970 đồng (trong đó có 13 cây thông có khối lượng 0,4247m3 với giá trị thiệt hại là 297.290 đồng).

Sau khi cưa được 60 cây thông và đưa về tập kết tại chân núi thì bị chính quyền phường Hương Hồ đến lập biên bản cho rằng số thông này là của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Hồ II quản lý. Quá trình điều tra, Công an thị xã Hương Trà kết luận ông Quyền có hành vi “Trộm cắp tài sản” và bị bắt tạm giam.

Ngày 7/3/2014, tại phiên sơ thẩm, TAND thị xã Hương Trà tuyên ông Quyền 9 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”. Sau khi bản án được tuyên, ông Quyền đã kháng cáo và liên tục có đơn kêu oan cho rằng do diện tích đất rừng bỏ hoang liền kề với đất rừng của ông nên mục đích chặt cây chỉ là để trồng rừng chứ ông không trộm cắp. Hơn nữa, việc khai thác và đốt thực bì ông làm công khai giữa ban ngày với nhân công là người địa phương, diễn ra trong gần một năm trời nhưng không hề gặp bất cứ sự cản trở nào của chính quyền địa phương. Vì vậy việc ông bị kết tội trộm cắp tài sản là quá oan sai.

Điều đáng nói là số cây thông ông Quyền chặt được định giá là hơn 12 triệu đồng, trong khi số tiền ông bỏ ra đầu tư trên diện tích đất đó là hơn 100 triệu đồng.

Ngày 27/5/2014, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử phúc thẩm, qua đó đã hủy bản án sơ thẩm của TAND thị xã  Hương Trà đồng thời trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Một năm sau, ngày 30/6/2015, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, TAND thị xã Hương Trà vẫn tuyên phạt ông Quyền 9 tháng tù giam nhưng thay đổi tội danh từ “Trộm cắp tài sản” sang “Hủy hoại tài sản”. Cho rằng mình bị oan nên ông Quyền tiếp tuc kháng cáo. Đến ngày 16/8/2016, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục mở phiên tòa phúc thẩm lần 2 và tiếp tục tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại vụ án.

Sáng 7/9/2017 TAND thị xã Hương Trà tiếp tục mở phiên sơ thẩm lần 3.

“Bản án không thuyết phục”

Trong phiên tòa sơ thẩm lần 3, sau khi nghe bản cáo trạng của đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Văn Quyền đã không đồng tình với bản án. Cụ thể, bị cáo Quyền cho rằng: “Số lượng cây thông mà bị cáo thuê người chặt là 40 cây chứ không phải 60 cây như bản cáo trạng đã nêu. Ngoài ra diện tích đất rừng mà bị cáo khai hoang chỉ có 0,4 hecta chứ không phải 2.228 hecta. Bị cáo khai hoang trồng rừng, nếu bị cáo làm sai thì bị cáo sẵn sàng trả lại, tại sao lại khép bị cáo vào tội hủy hoại tài sản”.

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Quyền cho rằng việc buộc tội danh hủy hoại tài sản đối với bị cáo Quyền là thiếu căn cứ, bởi việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chưa khách quan toàn diện. Bởi lẽ diện tích ông Quyền phát quang đốt thực bì trồng cây chỉ chiếm khoảng 0,4ha/ 1,3149ha trên đất được cấp GCNQSD cho ông Bùi Văn Thuận (là  người đứng tên sổ đỏ GCNQSĐ ở mảnh đất mà ông Quyền đã chặt hạ 60 gốc cây thông như cáo trạng đã nêu).

Cũng theo luật sư, việc huỷ hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn. Tuy nhiên, trong vụ án này giá trị của 60 cây thông mà ông Quyền khai thác thành 171 khúc gỗ thì HTX đã nhận nguyên giá trị bằng 171 khúc gỗ, không thiệt hại đồng nào và cũng chẳng có khiếu nại gì. Cáo trạng nhận định gây thiệt hại đối với 60 cây thông 12.187.500đ là phi logic.

Mặt khác, quyết định trưng cầu và kết quả giám định đối với 171 khúc gỗ thông có giá trị là 12.187.500đ. Đây là giá trị của 171 khúc gỗ thông sau khi khai thác. Không thể lấy  kết quả giám định này để tính thiệt hại được.

Việc tòa nhận định hợp tác xã là chủ sở hữu là thiếu căn cứ, bởi lẽ đất đã giao cho hộ ông Bùi Văn Thuận thực hiện trồng rừng thương mại theo chương trình WB3. Đương nhiên, ông Thuận có quyền làm sạch đất để sử dụng theo đúng mục đích giao đất. Nếu không phải là ông Quyền mà là ông Thuận thực hiện hành vi nêu trên thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không, như vậy ông Quyền không thể phạm tội hủy hoại tài sản.

Trước tòa, bị cáo Quyền cho rằng, bị cáo có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thế nhưng hành vi của bị cáo không gây thiệt hại cho người khác từ 2 triệu trở lên, cũng không gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo không có động cơ, mục đích hủy hoại tài sản. Bị cáo không thể bỏ ra số tiền gần 100 triệu để hủy hoại tài sản hơn 12 triệu như án sơ thẩm đã tuyên.

Tại phiên tòa, đại diện hợp tác xã nông nghiệp Hương Hồ II cho rằng bị cáo Quyền đã chặt hạ 60 gốc cây thông và một số cây thông thiệt hại không phục hồi được. Hiện số 60 gốc thông đó, hợp tác xã đang quản lý và trước đó đã được cơ quan chức năng cho phép thanh lý nhưng hiện vẫn chưa bán được vì không có ai mua. Ngoài ra, Hợp tác xã nông nghiệp Hương Hồ II cũng không yêu cầu bồi thường gì thêm.

Tuy nhiên, với những chứng cứ mà luật sư và bị cáo Quyền đưa ra không được HĐXX chấp nhận và đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Quyền 9 tháng tù và cho hưởng án treo./.

Đọc thêm