Kỳ án ám ảnh

(PLVN) - Vụ việc nhà báo Jamal Khoshaggi bị sát hại và phi tang ngay trong tòa nhà trụ sở Tổng lãnh sự quán Ả-rập Xê-út ở thành phố Instanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10/2018 gây chấn động trên thế giới về chính trị cũng như ngoại giao. 
Người biểu tình cầm ảnh nhà báo Jamal Khashoggi trước Lãnh sự quán Ả-rập Xê-út hôm 5/10/2018.

Nhà báo này 59 tuổi, là người Ả-rập Xê-út làm việc cho tờ nhật báo Washington Post của Mỹ. Kết quả điều tra của phía Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ông Khoshaggi có bước vào tòa tổng lãnh sự này nhưng không thấy đi ra và thi hài của ông ta mất tích hoàn toàn từ đó đến nay. 

Điều cũng có thể chắc chắn được là cơ quan mật vụ và an ninh của Ả-rập Xê-út trước đấy đã cử 15 nhân viên đến đón lõng nhà báo kia ở trong tòaà nhà tổng lãnh sự. Trước áp lực của dư luận quốc tế nhưng cũng phải mãi sau 5 tháng, chính quyền Ả-rập Xê-út mới chịu công nhận ông Khoshaggi bị sát hại trong trụ sở của Tổng lãnh sự quán Ả-rập Xê-út ở Instanbul nhưng đổ hết mọi trách nhiệm cho các nhân viên mật vụ và an ninh cũng như chối bỏ mọi trách nhiệm hay liên đới trực tiếp tới cá nhân thái tử Mohammed bin Salman. Người này đứng đầu tất cả các cơ quan mật vụ, an ninh và tình báo ở Ả-rập Xê-út cũng như được nhìn nhận là nắm thực quyền ở vương triều. 

Chính quyền Ả-rập Xê-út đưa 18 người ra xét xử trước toà và kết tội tử hình 5 người trong số ấy, nhưng rồi về sau chuyển thành bản án tù 20 năm do được gia đình ông Khashoggi tha thứ.

Về pháp lý, vụ án này đã kết thúc cùng với bản án được tuyên. Nhưng về chính trị, xã hội và tư duy lô-gic thì nó vẫn đầy uẩn khúc và vẫn có nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Rõ ràng là cả bằng chứng đã có được lẫn từ tư duy lô-gic thông thường đều có thể dễ dàng nhận ra là vị thái tử kia nếu không chủ mưu thì cũng không thể không biết gì và chắc chắn đã phải bật đèn xanh cho nhóm nhân viên mật vụ xử lý số phận nhà báo như đã xảy ra.

Cơ quan tình báo Mỹ CIA đã điều tra và có báo cáo nhưng báo cáo bị tổng thống Mỹ khi ấy là Donald Trump không cho công bố. Ông Trump đặc biệt coi trọng mối qyan hệ của Mỹ với Ả-rập Xê-út nói chung và với cá nhân vị thái tử kia nói riêng. Ông Trump còn công khai nói là đã cứu vị thái tử này khi không cho công bố bản báo cáo kia.

Nhưng kỳ án quá khứ này bây giờ rất có thể ảnh hưởng tai hại trực tiếp tới tiền đồ quyền lực của vị thái tử kia và tới triển vọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út. Nguyên do ở chỗ ông Trump sau khi thất cử đã hết quyền và không còn có thể che chở cho vị thái tử được nữa, người kế nhiệm là ông Joe Biden chủ ý không hoàn toàn tiếp tục chính sách của ông Trump đối với Ả-rập Xê-út mà sẽ có những điều chỉnh rất cơ bản và ông Biden đã đồng ý công bố bản báo cáo của CIA về vụ án mà nội dung chính đã được tiết lộ xác nhận và khẳng định vị thái tử kia đóng vai trò trực tiếp rất quyết định trong vụ kỳ án.

Vụ kỳ án trở thành một con chủ bài của ông Biden trong việc thể hiện quan điểm khác biệt so với người tiền nhiệm và định hướng chính sách mới cho mối quan hệ của Mỹ với Ả-rập Xê-út. Chính hiệu ứng ám ảnh của kỳ án này đang giúp nó có được tác động chính trị rất to lớn.

Đọc thêm