Trong số báo này, PLVN làm rõ vấn đề trên.
“Tôi mới là nạn nhân vụ làm giả tài liệu trúng thầu”
Như PLVN đã phản ánh, nhà thầu trong gói thầu này Công ty TNHH TM DV Đông Nam Á (trụ sở tại Tân An, ông Trần Nguyên Vũ làm Giám đốc). Trong các phiên xử, ông Vũ đều vắng mặt. Khi PV gọi điện đề nghị gặp gỡ làm rõ một số vấn đề, ông Vũ trả lời: “Một số cán bộ cơ quan tố tụng Long An dặn tôi không gặp gỡ báo chí”.
Tại phiên phúc thẩm ngày 11/1/2022, BS Liêm cho biết sau này mới phát hiện ra ông Vũ đã làm giả hồ sơ để được trúng thầu. Theo hồ sơ yêu cầu mời thầu thì đơn vị tham gia phải có năng lực, kinh nghiệm là trước đây đã từng thực hiện công trình có giá trị tối thiếu 70% so với gói thầu đang mời thầu. Công ty ông Vũ không đủ điều kiện này nên đã làm giả một hợp đồng với đơn vị khác để cung cấp vào hồ sơ nhằm được lựa chọn là nhà thầu.
“Ngoài ra, cấp sơ thẩm quy kết tôi không điều chỉnh giá khi thay đổi xuất xứ là không đúng. Ngay khi phát hiện xuất xứ không đúng với hợp đồng, tôi đã yêu cầu ông Vũ cung cấp hồ sơ chứng minh việc thay đổi xuất xứ không làm thay đổi giá. Ông Vũ cung cấp 1 hợp đồng thiết bị giữa Công ty ông Vũ và Công ty Kim Đạt tương đương với giá trong hợp đồng; 2 bảng báo giá có giá tương đương. Sự thật thì hợp đồng này ông Vũ cũng làm giả”, vẫn lời BS Liêm.
BS Liêm nói: “Ông Vũ đã làm giả 4 tài liệu và được hưởng lợi số tiền chênh lệch, vi phạm vào điều cấm của Luật đấu thầu. Tôi mới là nạn nhân của ông Vũ. Tôi không phải là thủ phạm của vụ “cố ý làm trái...”.
Trình bày này của BS Liêm là có cơ sở, khi so sánh với bản Kết luận điều tra số 85/KLĐT-PC03 do Thượng tá Nguyễn Quốc Cường ký ngày 8/12/2019. KLĐT này đã nêu rõ “ông Vũ chỉ đạo nhân viên tự thiết kế 2 bảng báo giá...”, “quá trình lập hồ sơ đề xuất tham gia gói thầu, ông Vũ đã cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực về năng lực tài chính, kinh nghiệm để được xét trúng thầu. Hành vi này vi phạm các điều cấm trong Luật Đấu thầu”...
Quan điểm này cũng được VKSND Cấp cao đồng tình tại phiên phúc thẩm. Cụ thể, đại diện VKS nhận định, theo quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu 2005 và các quyết định, nghị định về các quy định đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng, thì gói thầu trên không thuộc trường hợp chỉ định thầu. Thế nhưng vì sao Công ty ông Vũ vẫn được UBND tỉnh Long An ban hành quyết định chỉ định thầu? Đây mới là hành vi là có dấu hiệu “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và người vi phạm là cán bộ UBND tỉnh chứ không phải là BS Liêm.
Vẫn theo VKS Cấp cao, nếu sự việc gây thất thoát ngân sách nhà nước 911 triệu đồng, thì số tiền này đã được tất toán về cho ông Trần Nguyên Vũ. “Nguyên nhân bắt đầu từ Vũ và toàn bộ tiền chênh lệch chuyển cho Vũ”, VKS chỉ rõ.
“Ông Vũ là người hưởng lợi. Về phía BS Liêm, chính CQĐT Long An đã khẳng định hoàn toàn không hưởng lợi, không vụ lợi trong sự việc này. Vậy nên chuyện “kẻ ăn ốc người đổ vỏ”, “quýt làm cam chịu”, nạn nhân lại bị biến thành thủ phạm, là điều cực kỳ vô lý trong sự việc này”, LS Nguyễn Văn Quynh nhận định.
Đối với hành vi của ông Vũ làm giả hồ sơ năng lực để được UBND tỉnh Long An chỉ định thầu, LS Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn LS TP Hà Nội) nhận định: “Hành vi này đủ cơ sở để xử lý tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tố chức” theo Điều 267 BLHS 1999 chứ không thể chỉ “xử phạt hành chính” như nhận định của CQĐT Công an Long An. Vì việc làm giả này đã dẫn đến hậu quả chứ không phải dừng lại ở mức gói thầu chỉ là hủy kết quả trúng thầu”.
Quan điểm của CQĐT Long An có đúng luật?
Trở lại KLĐT số 85/KLĐT-PC03 của Công an Long An, BS Liêm cho rằng đã không chỉ có dấu hiệu bao che cho ông Vũ, mà còn đổ lỗi thiếu căn cứ pháp lý cho BS Liêm.
“Sau khi phát hiện thiết bị trong gói thầu không đúng xuất xứ trong hợp đồng, tôi đã yêu cầu nhà thầu ngưng thi công, báo cáo giải trình. Ông Vũ cung cấp các bảng báo giá mới, dù thiết bị có thay đổi xuất xứ nhưng giá không chênh lệch. Nhưng tôi yêu cầu cung cấp bảng báo giá “xịn” chứ không phải yêu cầu cung cấp bảng báo giá “tào lao”; nên không thể nói ông Vũ “làm giả báo giá theo yêu cầu của tôi”. Đồng thời, kiểm tra quy định thì hợp đồng trọn gói là hợp đồng có giá cố định suốt thời gian thực hiện hợp đồng và việc thanh toán sẽ được thực hiện theo hợp đồng. Hơn nữa, theo Thông tư 86/2011/TT-BTC thì việc thanh toán sẽ được quyết định tại quyết toán; nếu thanh toán dư thì thu hồi. Tôi đã làm đúng các quy định”, quan điểm BS Liêm.
Vẫn theo BS Liêm, việc ông Vũ làm giả 3 tài liệu, Sở Y tế không thể biết. Theo luật, bên mời thầu chỉ có trách nhiệm “yêu cầu nhà thầu làm rõ hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong quá trình đánh giá hồ sơ” chứ không có chức năng thẩm tra tính đúng sai, thật giả của hồ sơ.
LS Tiệp đồng ý với quan điểm của BS Liêm: “KLĐT của Công an Long An nói BS Liêm không thực hiện đúng vai trò là không đúng. Vì trong quan hệ thầu, mỗi bên đều có trách nhiệm đối với hồ sơ, thực hiện công việc nhất định. Tại thời điểm 2014, chưa có quy định nào buộc Sở Y tế phải đi thẩm tra tính đúng đắn thật giả của hồ sơ do ông Vũ cung cấp và Sở Y tế cũng không có đủ thẩm quyền để làm điều đó. Vì thế Luật đấu thầu mới quy định nhà thầu phải cung cấp hồ sơ phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm về hồ sơ”.
Thế nhưng trong KLĐT 85, Công an Long An vẫn cho rằng hành vi của ông Vũ “không có dấu hiệu tội phạm” và chỉ “cần xem xét, xử lý hành chính”.
Như PLVN đã phản ánh, mới đây, trong phiên phúc thẩm, BS Liêm kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm, VKS chỉ ra hàng loạt tội phạm bị bỏ lọt, căn cứ kết tội có vi phạm nên hủy án để điều tra lại. Nhưng HĐXX TAND Cấp cao tại TP HCM vẫn tuyên y án phần hình sự 3 năm tù với BS Liêm. BS Liêm cho biết ông đã làm đơn đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại từ đầu.