Kỳ án “lướt cọc” nhà đất ở Đà Nẵng: Sao CQĐT lại “phân xử” cả chuyện ai được thừa kế?

(PLVN) -  Như PLVN phản ánh, KLĐT số 40 ngày 03/05/2022 của Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho rằng bị can Huỳnh Thị Châu (SN 1975, ngụ 48 Nguyễn Văn Huyên, Cẩm Lệ) lừa đảo chiếm đoạt 2,5 tỷ tiền “đặt cọc” của bà Cao Thị Thúy Luận (SN 1982, ngụ quận Thanh Khê) khi thỏa thuận mua bán căn nhà 27 Lê Vĩnh Huy (quận Hải Châu). KLĐT này bị đánh giá có một số điểm chưa phù hợp, “lấn sân” tòa án.
Căn nhà 27 đã được bà Châu thỏa thuận mua lại, đặt cọc 3 tỷ cho ông Nam trước khi nhận cọc 2,5 tỷ để bán cho bà Luận.

Ngày 03/10/2019, bà Châu mang hồ sơ đến UBND xã Bình Thành (Tây Sơn, Bình Định) để niêm yết. Kết thúc niêm yết, không có người nào khiếu tố về việc người khai nhận thừa kế là ông Nguyễn Tấn Vĩnh.

Thực tế, theo bà Châu, đã phát hiện ra việc còn có bà Nguyễn Thị Hiếu (SN 1947, chị gái ông Vĩnh) cũng là người được hưởng di sản thừa kế căn nhà số 27.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng lại kết luận “theo pháp luật dân sự thì bà Hiếu không được hưởng thừa kế như Châu khai; bà Hiếu không biết cha mình để thừa kế 1/2 căn nhà cho ông Vĩnh. Bà Hiếu không tranh chấp về tài sản thừa kế với ông Vĩnh”.

Trước quan điểm của CQĐT, bị can Châu phản bác: “CQĐT nói tôi chưa đi niêm yết, chưa gặp bà Hiếu nhưng đã nói dối với bà Luận rằng xuất hiện người thừa kế; là không đúng. Ngày 9/9/2019, khi vợ chồng tôi vào Bình Định gặp, được ông Vĩnh dẫn chúng tôi đến UBND xã Bình Thành trích lục khai sinh, khai tử… Sau đó, ông Vĩnh đưa về nhà chơi, giới thiệu chị gái ông là bà Hiếu và một anh trai là liệt sĩ”.

“Về Đà Nẵng, tôi nói với công chứng viên về việc xuất hiện bà Hiếu là chị gái ông Vĩnh. Công chứng viên nói bà Hiếu có khả năng thuộc trường hợp “người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc” vì quá già, không còn khả năng lao động. Khi phát sinh người thừa kế mới thì thủ tục sẽ mất thời gian hơn. Và tôi đã thông tin cho bà Luận để các bên có giải pháp, chứ không phải nhằm lừa dối. Đề nghị CQĐT đối chất các bên để làm rõ vấn đề này”, bà Châu kể.

Bình luận về chuyện Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng kết luận “bà Hiếu không được hưởng thừa kế”, LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM), nói: “Kết luận như trên là không có căn cứ pháp lý và không thuộc thẩm quyền của CQĐT. Quyết định này thuộc về tòa án. Theo Điều 644 BLDS thì người không có khả năng lao động sẽ được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào di chúc. Hiện BLDS không quy định thế nào là “người không có khả năng lao động”. Tuy nhiên, các luật khác quy định như sau: Điều 169 Bộ luật Lao động xác định tuổi nghỉ hưu ở nữ là 55 tuổi. Luật Người Cao tuổi xác định 60 tuổi là người cao tuổi được miễn, giảm án phí, lệ phí. BLHS quy định người 70 tuổi được xem là người già được hưởng miễn giảm hình phạt khi tuyên án… Bà Hiếu sinh năm 1947, nay đã 75 tuổi, nên quan điểm của tôi là trường hợp “không có khả năng lao động””.

“Khi bà Châu phát hiện ra bà Hiếu là người đã già, không có khả năng lao động nên gặp bà Hiếu, tạm dừng việc chia di sản thừa kế; là mong muốn việc chia di sản thừa kế đúng luật, không xảy ra tranh chấp về sau, có thể gây ảnh hưởng đến quá trình mua bán nhà 27 Lê Vĩnh Huy. Lẽ ra động thái của bà Châu phải được hoan nghênh, khích lệ”.

Còn một vấn đề khác Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng bị đánh giá “lấn sân” tòa án, là chuyện hợp đồng giữa bà Châu và ông Nam có “giả cách” hay không?

Theo KLĐT, bà Châu khai trước khi nhận cọc 500 triệu của bà Luận, đã thỏa thuận mua lại nhà 27 Lê Vĩnh Huy và đã đặt cọc cho ông Nam cọc 500 triệu. Ngày 17/10/2019, ông Nam ủy quyền cho bà Châu đi nhận “sổ đỏ”, đóng phí thay ông Nam trong quá trình làm thừa kế. Ngày 19/10/2019, ông Nam tiếp tục nhận “cọc” thêm 2,5 tỷ, viết giấy nhận cọc tổng cộng 3 tỷ. Ngày 21/10/2019, “sổ đỏ” sang tên ông Nam (quá trình khai nhận thừa kế kết thúc) thì ngày 22/10/2019, ông Nam ủy quyền cho bà Châu được thay mặt ông Nam mua bán. Ngày 24/10/2019, bà Châu mới nhận “cọc” của bà Luận thêm 2 tỷ bằng hợp đồng vay.

Giấy nhận cọc 3 tỷ từ bà Châu do ông Nam viết, ký tên; được giám định đúng là chữ viết, chữ ký của ông Nam.

Vấn đề này, CQĐT cho rằng ông Nam khai là “hợp đồng giả cách” để bà Châu thay ông Nam đi vay tiền. CQĐT cho rằng “giấy viết tay và hợp đồng ủy quyền toàn quyền mua bán không ảnh hưởng đến vụ án nên không đối chất”.

Theo LS Học: “Nội dung KLĐT cho thấy bà Luận biết rõ căn nhà 27 Lê Vĩnh Huy chưa thuộc về bà Châu nhưng vẫn tự nguyện đặt cọc. Do đó, không hề có gian dối. Bà Châu luôn luôn thông báo tiến trình, trở ngại của hồ sơ về khai nhận di sản thừa kế, cung cấp giấy đặt cọc, ủy quyền toàn quyền mua bán của ông Nam. Gian dối là khi nào bà Châu nói căn nhà thuộc quyền của bà Châu”.

“Trong vụ này cũng không có chiếm đoạt vì tài sản vẫn còn nguyên. Số tiền bà Châu nhận của bà Luận đã chuyển thành tiền đặt cọc cho ông Nam mua căn nhà 27. Mà tài sản này là mục tiêu bà Luận hướng đến”.

“Trong vụ việc không có yếu tố lừa dối, chiếm đoạt; thì không thể kết luận bà Châu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản””, LS Học nêu quan điểm.

Đương nhiên được xóa án tích vẫn bị xem có tiền án, tiền sự?

KLĐT cho rằng bà Châu có 1 tiền án, tiền sự là ngày 24/10/2013 bị TAND quận Cẩm Lệ tuyên án 2 năm tù treo, thử thách 47 tháng 18 ngày kể từ ngày tuyên án về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Bà Châu nộp án phí ngày 10/11/2014.

LS Học cho biết, theo điểm a khoản 2 Điều 70 BLHS 2015 thì 1 năm sau khi hết thời gian thử thách, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích. Bà Châu thử thách 47 tháng 18 ngày nên tính đến ngày 12/10/2017 đã hết thời gian thử thách và đến 12/10/2018 đương nhiên được xóa án tích. Người được xóa án tích được xem là chưa kết án, chưa có tiền án, tiền sự.

Đọc thêm