Vụ cướp chấn động
Hơn 19h tối 17/1/1950, một nhóm những người đàn ông có vũ trang, đeo mặt nạ lao ra từ tòa nhà ở số 165 phố Prince ở thành phố Boston, bang Massachusetts. Chúng kéo theo những bao tải chứa tổng cộng 1.218.211 USD tiền mặt và những tấm séc, lệnh chuyển tiền cùng trái phiếu có giá trị lên đến 1.557.183 USD, là chiến lợi phẩm thu được từ việc thực hiện thành công “tội ác thế kỷ”, “vụ phạm tội hoàn hảo” hay còn lại là “vụ cướp chấn động Brinks”. 19h27 phút cùng ngày, một nhân viên của Ngân hàng Brinks đã gọi điện cho Sở Cảnh sát Boston để trình báo về vụ việc.
Ít phút sau đó, cảnh sát và các điệp viên đặc biệt của FBI đã nhanh chóng có mặt và cùng tiến hành điều tra. Tuy nhiên, các manh mối mà họ thu được tương đối ít. Chỉ ít giờ sau vụ cướp, thế giới ngầm ở Mỹ đã cảm nhận được sức nóng của cuộc điều tra. Tất cả những kẻ “số má” ở Mỹ đều trở thành đối tượng điều tra chính thức.
Bên cạnh đó, giới chức Mỹ cũng huy động nhiều người để tìm kiếm những thông tin có giá trị từ các nhân chứng. Họ cũng đã liên lạc với các khách hàng của ngân hàng với hy vọng có thể thu được những thông tin về các đặc điểm đặc biệt trên những tờ tiền, chứng khoán hay công trái mà họ đã gửi tại Ngân hàng.
Để không bỏ lọt khả năng nào, FBI còn liên hệ với các khu nghỉ dưỡng, trường đua, sòng bạc trên khắp nước Mỹ để đề nghị họ cung cấp thông tin về những người có dấu hiệu mang theo lượng tiền mặt lớn. Thông tin về vụ cướp ngân hàng chấn động ngay lập tức trở thành đề tài nóng phủ khắp các mặt báo ở Mỹ.
Cảnh sát tìm ra thủ phạm vụ cướp được coi là hoàn hảo nhất |
Giới chức Mỹ thông báo thưởng 100.000 USD cho người cung cấp thông tin có thể dẫn tới việc bắt giữ thủ phạm. Thu hẹp manh mối Sau một thời gian điều tra, cảnh sát Mỹ đã khoanh vùng được một số nghi phạm được cho là đã tham gia vụ cướp gần 3 triệu USD của Ngân hàng Brinks vào ngày 17/1/1950. Chúng bao gồm Anthony Pino, Joseph McGinnis, Joseph James O’Keefe và Stanley Albert Gusciora.
Trong đó, tên Anthony Pino được cho là thủ phạm trong hàng loạt những vụ trộm cướp lớn ở Massachusetts, vốn nổi tiếng trong thế giới ngầm về tài thao lược. Nhiều tên tội phạm ở địa phương cho rằng vụ cướp ở Ngân hàng Brinks mang nhiều dấu ấn cá nhân của tên này.
Theo hồ sơ của cảnh sát, O’Keefe và Gusciora từng hợp tác với nhau nhiều lần. Chúng từng bị kết án tù và đều là những kẻ có tiếng trong thế giới ngầm ở khu Bờ Đông. Cả Pino, McGinnis, O’Keefe và Gusciora đều trưng ra được bằng chứng ngoại phạm nhưng những bằng chứng này cũng không đủ mạnh.
Ngày 12/6/1950, O’Keefe và Gusciora bị bắt ở Towanda, bang Pennsylvania cùng tang vật là những khẩu súng và quần áo được xác định chính là “chiến lợi phẩm” mà chúng lấy được trong những vụ trộm ở Ngân hàng Brinks. Ngày 8/9/1950, O’Keefe bị kết án 3 năm tù giam và bị phạt 3.000 USD vì vi phạm luật về sở hữu vũ khí. Gusciora được tuyên trắng án nhưng bị đưa tới hạt McKean ở cùng bang để đối mặt với các tội danh trộm cắp, tiêu thụ hàng hóa bị đánh cắp và đến ngày 11/10/1950 thì bị kết án 5 năm tù giam.
Sau khi bị kết án, O’Keefe và Gusciora đã liên tục tìm cách để được thả ra. Theo các nguồn tin trong thế giới ngầm, trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến 1954, những tên tội phạm ở Boston đã bị gây áp lực buộc phải đóng tiền để hỗ trợ cho cuộc chiến pháp lý nhằm cứu hai tên trên ra khỏi nhà tù. Những cái tên được nhắc đến trong chiến dịch đóng góp này bao gồm cả Pino, McGinnis. FBI cũng đã xác định được thêm những tên có thể là thành viên trong toán cướp, trong đó có tên Adolph “Jazz” Maffie - một kẻ rất tích cực trong việc thu tiền vận động để đấu tranh cho O’Keefe và Gusciora được thả ra.
Một tên khác cũng bị tình nghi là Henry Baker - một tên tội phạm vừa được thả ra 5 tháng trước vụ cướp Ngân hàng Brinks. Vincent James Costa (em rể của Pino) cũng bị tình nghi có liên quan đến vụ việc. Cả nhóm này đều không thể đưa ra được bằng chứng ngoại phạm trong khoảng từ 19h đến 21h tối hôm xảy ra vụ trộm.
Qua phân tích, FBI nhận thấy tất cả các nghi phạm đều đưa ra mốc 19h trong ngày xảy ra vụ trộm. Từ việc vụ cướp diễn ra trong khoảng thời gian từ 19h10 đến 19h27, FBI đặt giả thuyết những tên này đã hẹn nhau vào sát thời gian đó để có được bằng chứng ngoại phạm đến những phút cuối cùng.
Bước đột phá
Tháng 1/1954, O’Keefe mãn hạn tù ở Towanda nhưng ngay lập tức phải ra hầu tòa về các cáo buộc trộm cắp, tàng trữ đồ do ăn cắp mà có và tàng trữ vũ khí trái phép ở hạt McKean. Trong thời gian tên này được tại ngoại, FBI biết rằng hắn đã tìm cách liên lạc với nhiều thành viên trong toán cướp để đòi tiền nhằm chi trả cho chi phí thuê luật sư bào chữa. Tình tiết đặc biệt trong vụ việc xảy ra vào rạng sáng 5/6/1954, khi một số nguồn tin cho biết O’Keefe đã bị một số tên đi trên một chiếc ô tô nã đạn về phía hắn, khiến hắn suýt mất mạng.
Chỉ ít ngày sau đó, sáng 14/6, hắn thêm 1 lần thoát chết trong một vụ tấn công bằng súng. Âm mưu lấy mạng O’Keefe lần thứ 3 diễn ra vào ngày 16/6/1954. Lần đó, trong làn đạn dày đặc, hắn đã bị thương ở tay và ngực nhưng vẫn may mắn giữ được mạng sống. Sau khi bị thương, O’Keefe đã biến mất cho đến khi bị bắt lại tại Leicester, Massachusetts vào ngày 1/8/1954 vì vi phạm lệnh quản chế.
Tại phiên tòa cùng tháng, hắn bị kết án 27 tháng tù giam. Cho rằng O’Keefe có thể nao núng vì bất mãn với đồng bọn, FBI liên tục tìm cách thuyết phục tên này hợp tác. 2 ngày trước Giáng sinh năm 1955, các điệp viên FBI tiếp tục đến gặp O’Keefe. Sau một thời gian giữ thái độ thù địch, lần này hắn đã tỏ ra thân thiện hơn. Đến ngày 6/1/1956, O’Keefe đã có quyết định cuối cùng.
Trong suốt những ngày sau đó, hắn lần lượt cung cấp toàn bộ các thông tin về vụ cướp, về tiến trình lập kế hoạch, thực hiện, những đồng phạm... từ đó giúp FBI lấp đầy khoảng trống bằng chứng mà họ vẫn tìm kiếm bấy lâu nay.
Theo đó, O’Keefe cho biết, Pino là kẻ chủ mưu nhưng vụ cướp là sản phẩm của nhiều tên tội phạm đã quen biết nhau từ nhiều năm. Để thực hiện được âm mưu, chúng đã nhiều lần đến ngân hàng để xem xét địa hình và lập kế hoạch tấn công.
Trước ngày 17/1/1950, bọn chúng cũng đã vài lần tìm cách thực hiện kế hoạch nhưng đều không thuận lợi. Ngày 12/1/1956, chỉ 5 ngày trước khi vụ việc hết thời hạn điều tra, FBI đã bắt giữ toàn bộ những kẻ đã tham gia vụ cướp, bao gồm Pino, em rể của Pino là Vincent Costa, Baker, McGinnis, James Faherty, Maffie, Stanley Gusciora, Michael Vincent Geagan và Thomas Francis Richardson, đã bị bắt giữ.
Một tên đồng phạm là Joseph Banfield đã chết trước khi bị bắt. Gusciora cũng tử vong vào ngày 9/7 cùng năm. 8 trong số những cướp sau đó phải nhận án tù chung thân. Tất cả đều được tha trước thời hạn vào năm 1971, trừ McGinnis đã chết trong thời gian thụ án. O’Keefe nhờ hợp tác với cảnh sát nên chỉ phải nhận bản án 4 năm tù và được tha năm 1960. Chỉ 58.000 USD trong tổng số tiền bị lấy đi được thu hồi.