Nàng công chúa xấu số
Năm 1920, một cảnh sát đã tìm cách cứu một cô gái có ý định tự tử bằng cách gieo mình xuống vùng biển Landwehr. Cảnh sát đã đưa cô gái tội nghiệp đến nhà ga. Nhưng sau đó, cảnh sát không thể tìm ra danh tính của cô gái, trên người cô không có bất kỳ loại giấy tờ nào và cô gái cũng không trả lời bất cứ câu hỏi nào.
Theo kết quả khám sức khỏe, cô gái được đưa đến bệnh viện tâm thần, nơi mà cô bị giam giữ trong 18 tháng tiếp theo. Cô gái kỳ lạ này đã không cung cấp bất kỳ thông tin nào về bản thân và được đăng ký với tên gọi “Fraulein Unbekant”. Tại nơi mà Fraulein Unbekant đang ở, người ta mang đến một tờ báo, trong đó có một bài báo nói về số phận của gia đình Hoàng đế Nicholas II. Và khi nhìn vào bức ảnh, cô bạn cùng phòng đã rất ngạc nhiên về sự giống nhau của Công chúa Anastasia Romanova với cô gái kỳ lạ này.
Fraulein Unbekant đã đáp lại lời nhận xét của cô bạn cùng phòng là: “Hãy im lặng!”. Tuy nhiên, sau khi được xuất viện, cô gái kỳ lạ lại bắt đầu tự xưng là con gái của hoàng đế Nga. Điều gì đã khiến cô gái này hành động như vậy? Có lẽ cô gái nhận ra rằng việc che giấu không có ý nghĩa gì, hoặc cô đã quyết định sử dụng ngoại hình giống công chúa vì lợi ích của mình?
Gia đình Sa hoàng Nicholas II. |
Quay trở lại quá khứ, Nicholas II là Sa hoàng cuối cùng của nước Nga. Câu chuyện thảm sát của gia đình cựu Sa hoàng này cho đến nay vẫn là một câu chuyện đầy ám ảnh. Theo đó, vương triều Romanov đã nắm quyền từ đầu những năm 1600, nhưng vào năm 1917 thì sụp đổ. Sa hoàng cùng Hoàng hậu Alexandra Fyodorovna có với nhau 5 người con, gồm 4 con gái và một con trai. Cụ thể, 4 cô con gái của Sa hoàng là Công chúa Olga Nikolaevna (sinh năm 1895), Tatiana Nikolaevna (sinh năm 1897), Maria Tatiana Nikolaevna (sinh năm 1899) và Anastasia Nikolaevna (sinh năm 1901) cùng một Hoàng tử nhỏ là Alexei Nikolaevna (sinh năm 1904).
Vào thời điểm Anastasia sinh ra, người dân Nga đã bắt đầu có thái độ coi thường chính phủ quý tộc này. Trong khoảng thời gian diễn ra Thế chiến I, căng thẳng ở Nga lên cao. Những người thuộc hoàng gia Romanov phải đối mặt với sự thù địch ngày càng tăng từ chính người dân của họ.
Với cuộc nội chiến ở Nga sắp diễn ra đến nơi, Nicholas II thừa nhận ông đã không chuẩn bị đầy đủ để lãnh đạo với tư cách là người cai trị trong tình huống này và tuyên bố từ bỏ ngai vàng. Sự thoái vị của ông đã được chấp nhận nhưng cả nhà ông bị quản thúc và bị đày đến dãy núi Ural. Tuy nhiên, người dân Nga vẫn phẫn nộ và căm thù đối với nhà Romanov, họ muốn loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của hoàng gia trên đất nước này.
Công chúa Anastasia Romanova khi còn nhỏ. |
Nhà Romanov đã sống trong điều kiện cực kỳ gian khổ khi bị lưu đày. Họ phải chen chúc trong một ngôi nhà 5 phòng ở thành phố Yekaterinburg nhỏ bé. Không lâu sau khi Nicholas II thoái vị, một nhóm mới xuất hiện: Những người Bolshevik. Mặc dù giành thắng lợi nhưng dường như họ cũng hiểu rằng ảnh hưởng của hoàng gia Romanov vẫn chưa hết.
Vào lúc rạng sáng ngày 17/7/1918, gia đình Sa hoàng được những tay lính gác đánh thức trong căn hộ ở Yekaterinburg. Các thành viên trong gia đình cựu Sa hoàng cùng những người hầu trung thành đã được yêu cầu xuống hầm để di tản ra khỏi vùng chiến sự.
Hình ảnh giữa công chúa Anastasia Romanova (phải) và Anna Anderson có sự khác biệt. |
Tuy nhiên, khi gia đình đi xuống căn hầm, họ đã vĩnh viễn không được nhìn thấy ánh mặt trời. Công chúa Anastasia được cho là người cuối cùng bị giết chết. Từ vụ thảm sát bi ai này, dư luận bỗng lan truyền một câu chuyện ly kỳ sau đó. Nhiều người lúc bấy giờ tin rằng Công chúa Anastasia, nàng công chúa cuối cùng của nước Nga đã may mắn thoát khỏi kiếp nạn năm 1918 và chọn cho mình một cuộc sống ẩn dật, thoát khỏi sự truy sát của những kẻ thù địch.
Kể từ đó, nhiều người dân nước Nga tin rằng, Anastasia vẫn đang sống sót khỏe mạnh ở một nơi nào đó. Chính vì niềm tin này mà đã xảy ra một vụ việc ly kỳ, hấp dẫn và đến khi cái kết được lật mở mới khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.
Sự thật sáng tỏ
Được biết, sau khi vụ hành hình nhà Romanov lan truyền ra ngoài, một số người cho rằng công chúa Anastasia và hoàng tử Alexei đã sống sót nhờ những món trang sức mà người mẹ may vào quần áo của chúng làm lệch hướng những viên đạn bắn vào. Từ những tin đồn này, không lâu sau đó, một số cô gái Nga đã tự nhận mình là Anastasia. Hầu hết, trong số họ dường như đang dòm ngó khối tài sản kếch xù của nhà Romanov để lại, trong đó có Anna Anderson.
Cụ thể sau khi ra viện, cô gái Fraulein Unbekant cho hay mình chính là công chúa cuối cùng của nước Nga bị lưu lạc đến nước Đức. Kể từ đó, bất chấp những nghi ngờ của nhiều người, Anderson trở nên nổi tiếng, thậm chí còn nhận được khoản thừa kế lớn từ Hoàng gia. Sau khi ra khỏi bệnh viện, cô chuyển đến ở tại nhà của Bá tước Maria Von Kleist.
Trước đó nữ bá tước từng đến thăm cô trong bệnh viện, và cũng chính bà là người đã thuyết phục các bác sĩ kê đơn để đảm bảo rằng họ sẽ chăm sóc chu đáo cho cô. Cái tên Anna Anderson đã được nữ bá tước đặt cho cô gái này.
Một bức ảnh khác cho thấy gương mặt công chúa Anastasia Romanova (trái) khác xa với Anna Anderson. |
Theo lời kể lại của Anna Anderson, khi vụ thảm sát Hoàng gia xảy ra cô đã may mắn được 1 người lính cứu. Sau đó cô đã ở lại nhà người lính đó và sinh con cho anh ta. Một thời gian sau đó cô đến Berlin với mục đích chính là tìm người dì. Tuy nhiên, người dì đã không nhận ra cô rồi đuổi cô ra khỏi nhà. Anna Anderson đã quyết định tự sát…
Sau những lời tuyên bố chắc nịch của Anna Anderson, những người thân của cựu Sa hoàng đã tìm đến nước Đức để xin gặp Anna Anderson. Sau khi gặp gỡ, nhiều người trong số họ phải thốt lên rằng, Anna Anderson rất giống với công chúa Anastasia, đặc biệt là đôi mắt, hình dáng của đôi tai và những đường nét khác trên gương mặt. Tuy nhiên một số khác lại cho rằng, miệng của Anna Anderson quá rộng, không giống với công chúa nhỏ, đặc biệt người phụ nữ này lại không nói được tiếng Nga.
Báo chí vào thời điểm đó đã đưa tin rầm rộ về việc nàng công chúa cuối cùng của nước Nga bất ngờ xuất hiện, sau vụ thảm sát tàn khốc của gia đình. Bất chấp có những ý kiến cho rằng Anna Anderson cố tình giả mạo công chúa Nga để được nổi tiếng và thừa kế tài sản, nhiều người vẫn một mực tin rằng người phụ nữ này là công chúa Anastasia khi Anderson có hiểu biết sâu rộng về gia đình Sa hoàng cùng cuộc sống hoàng tộc.
Đã có rất nhiều cuộc điều tra về thân phận của Anna Anderson, liệu cô có phải là Anastasia Romanova hay không. Nhưng tất cả vẫn còn bị bỏ ngỏ, bởi Anna Anderson luôn trong tình trạng sức khỏe không ổn định, tâm trí mơ hồ. Còn những nhân chứng từng quen biết Anastasia Romanova cũng không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng. Đặc biệt, câu chuyện sống sót của cô đã truyền cảm hứng, cho ra đời các sản phẩm nghệ thuật từ tiểu thuyết, kịch, nhạc kịch cho đến phim truyền hình. Và chỉ đến khi Anna Anderson qua đời, mọi việc mới được làm sáng tỏ.
Theo đó vào năm 1984, Anna Anderson - người được coi là Công chúa Anastasia, đã trút hơi thở cuối cùng ở Charlottesville, Virginia. Theo di nguyện cuối cùng của cô, thi thể của cô đã được hỏa táng, tro cốt được đặt dưới bia mộ với dòng chữ: “Anastasia Romanova. Anna Anderson”.
Sau đó năm 1990, một ngôi mộ được khai quật, cho thấy 8 thi thể của các thành viên trong gia đình Romanov cùng những người hầu, nhưng trong số này không có thi thể của Anastasia và em trai cô. Thế là lại rộ lên tin đồn về sự sống sót của công chúa và hoàng tử cuối cùng của nước Nga.
Tuy nhiên, vào năm 2007, một ngôi mộ khác đã được phát hiện gần đó và xét nghiệm pháp y xác nhận đó là thi thể của Anastasia và Alexei. Từ đó đã chấm dứt tất cả những câu chuyện không tưởng của những kẻ mạo danh là thành viên của hoàng tộc Nga và cũng để những người đã khuất được yên nghỉ nơi chín suối.