Thời Lê sơ, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) được xem là ông vua sáng với công nghiệp trị nước thâu gồm khắp các lĩnh vực, được tôi thần dưới quyền xưng tụng, như lời bài tán của quan Thân Nhân Trung soạn, có đoạn viết: “Đức vua Thánh Tông, Nghiệp lớn thừa kế. Lịch số về mình, Thần dân thỏa chí. Giữ báu nắm phù, Phát lệnh chính vị…”.
Tiên đồng thác sinh
Trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, thời trị vì của vua Lê Thánh Tông được ngợi ca là: “Vua sinh ra thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”. Thiên tư, thần sắc của vua, quả là hiếm có. Cũng bởi thế mà việc hạ sinh ra vua được gắn cùng một huyền tích thiêng liêng cho ứng với bậc minh quân. Việc này rõ ràng, chi tiết, thì lại phải xem trong sách “Dã sử” mới thỏa.
Mẹ vua Thánh Tông, theo “Đại Việt thông sử” cho biết chính là Quang Thục hoàng thái hậu, họ Ngô, huý là Dao, người xã Động Bàng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh. Ông nội bà là Ngô Kinh, gia thần của Tuyên Tổ (tức Tuyên Tổ Phúc hoàng đế là Khoáng, cha Lê Lợi), về sau được phong là Thái phó. Cha bà là Ngô Từ, là gia thần của vua Thái Tổ, có công trong việc cung cấp quân lương, được phong chức Thái bảo. Nhà bà bấy giờ ở Thăng Long.
Chị gái của Ngô Thị Ngọc Dao tên là Xuân, vào hầu vua Thái Tông ở hậu cung, bà theo chị vào nội đình, nhà vua trông thấy gọi vào cho làm cung tần. Được ở gần vua, hầu trong cung cấm, “Toàn thư” cho biết bà Ngọc Dao thường hay “đi cầu tự, mơ thấy thượng đế ban cho một tiên đồng, thế rồi có thai”.
Lại nói về việc sinh vua, trong “Dã sử” viết, bà Ngọc Dao được “Thái Tôn yêu cho gần gụi, có thai, đúng hẹn sinh con trai, mặt rồng, trán cao, tướng mạo khác thường. Lớn lên thông minh đĩnh ngộ, ham học suốt các sách, lại có tài về văn thơ”.
Trước khi có thai, bà Ngọc Dao nhân thư thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, làm vua nước Nam, cùng Ngọc Nữ kết tóc trăm năm, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi. Thượng đế giận, cầm viên ngọc khuê (“Toàn thư” và “Đại Việt thông sử” viết là cái hốt ngọc), ném vào trán chảy máu ra. Tiên đồng lạy tạ vâng mệnh, xin cho người theo giúp. Thượng đế liền chỉ một người trong đám các Tiên theo giúp. Tiên kia cúi đầu chối từ không đi, Thượng đế giận, đá vào vai.
Đến khi Thái hậu Ngọc Dao sinh ra Tư Thành (tức vua Thánh Tông), trên trán còn hằn rõ vết sẹo giống như trong mộng. Thường Thái hậu hay kể lại chuyện ấy cho Thánh Tông nghe, nên ngài có ý tự phụ. Khi Tư Thành lên làm vua, ngôi Chính cung Hoàng hậu chưa định, Thái hậu nhớ đến giấc mộng có Ngọc Nữ xuống làm vợ vua, nhưng vẫn chưa lựa chọn được vị Ngọc Nữ như trong mộng ấy, nên trong lòng không vui.
Một hôm, trong cung tiến hành cuộc thi sắc đẹp, tất cả các cô gái có tài nghệ cùng vào cung vua trổ tài nhạc, họa. Trong đó, Thái hậu để ý có một cô gái dáng đẹp, theo phường hát vào cung múa hát, vẫn ngồi một bên gõ nhịp. Thấy xe vua Thánh Tông và Thái hậu đi tới, sắp lên ngự tọa, bấy giờ cô mới gõ nhịp mà hát, tiếng du dương như điệu hát trên cung tiên. Thái hậu giật mình lấy làm lạ, hỏi ra thì biết là cháu họ của Tế Văn hầu Nguyễn Trãi. Coi cử chỉ nhàn nhã, mặt hoa da phấn như đã gặp trong mộng thuở trước, Thái hậu liền truyền cho vào cung, phong làm Trường Lạc Hoàng hậu.
Xét trong “Đại Việt thông sử” thì Trường Lạc Hoàng hậu vợ vua Thánh Tông được nói tới trong “Dã sử” không có quan hệ họ hàng với Nguyễn Trãi, bởi bà họ Nguyễn, huý là Huyên, người ở trang Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn (huyện Hà Trung, Thanh Hóa nay), là con gái thứ hai của ông Nguyễn Đức Trung được tặng hàm Thái uý Trinh quốc công. Sau này, Trường Lạc Hoàng hậu, hay là Huy Gia hoàng thái hậu bị cháu mình là Lê Uy Mục đầu độc chết.
Lại theo “Dã sử”, khoa Đinh Mùi (1463) thi Cống sĩ. Đến ngày gọi tên người đỗ, Trạng nguyên Lương Thế Vinh ra mắt, vua Thánh Tông ngó thấy hai vai lệch không cân nhau nên lấy làm lạ, truyền cho vào yết kiến Thái hậu. Bà trông đúng như vị Tiên trong mộng năm xưa được sai xuống hầu tiên đồng nên cả mừng, trao cho chức Hàn lâm thị giảng, trở thành một trọng thần thời Hồng Đức. Trong “Tam khôi bị lục” khi viết về Trạng nguyên Lương Thế Vinh, thuyết này cũng được ghi lại. Còn việc vị Trạng Lường Lương Thế Vinh trong thực tế góp nhiều công lao giúp rập cho vị vua sáng Thánh Tông, “Việt sử diễn âm” cũng ghi nhận:
Trời lại sinh người hiền tài,
Trạng Lường hiền ngõ rập đời toan lo.
Rồng vàng nhập mộng
Vua Hiến Tông (1498-1504), là con của vua Thánh Tông với chính Hoàng hậu Trường Lạc. Dù thời gian trị vì chỉ 6 năm, nhưng được “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” đánh giá là: “Lòng nhân ái và nết hiếu thảo của Ngài thì mọi người trong thiên hạ ai ai cũng đều nghe biết. Kịp đến khi lên ngôi Hoàng đế, hễ động làm một công việc gì, Ngài cũng noi theo thánh hiền cả, nghĩa là bất kỳ làm việc gì, Ngài cũng đều không vượt ra ngoài khuôn phép sẵn có của các vị Đế vương ngày trước”.
Vua Lê Hiến Tông mất |
Có được những thiên tính ấy, một phần là nhờ sự dạy dỗ của người mẹ hiền của vua: Hoàng hậu Trường Lạc. Nếu vua cha Thánh Tông được sinh ra từ giấc mộng, thì vua Hiến Tông cũng được mẹ gặp mộng mà có. Việc ấy, “Lịch triều hiến chương loại chí” có viết: “Trước kia Thánh Tông chưa có con, có sai cầu đảo ở núi Phật Tích, am Từ công [Từ Đạo Hạnh], được điềm tốt đá bay. Bấy giờ Trường Lạc ở cung riêng, chiêm bao thấy con rồng vàng bay vào chỗ ở, bèn sinh ra vua”.
Điềm tốt đá bay được Phan Huy Chú nói, tìm trong “Đại Việt thông sử” cho biết cặn kẽ hơn. Theo đó, bà Nguyễn Thị Huyên (Trường Lạc Hoàng hậu sau này) được tuyển vào cung năm Canh Thìn (1460). Bà được vua yêu quý nhất trong số các cung nhân. Lúc này vua Thánh Tông chưa sinh thái tử. Bà Quang Thục hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao sai ông Đức Trung, bố của Sung nghi Nguyễn Thị Huyên cầu đảo ở am Từ Công núi Phật Tích, sau đó, Sung nghi chiêm bao thấy đến trước thượng đế, xin thượng đế ban cho có con nối ngôi. Thượng đế phán rằng: “Cho Thiên Lộc xuống làm con họ Nguyễn”, rồi bế tới đưa cho, nhân đó bà tỉnh dậy, không bao lâu bà có mang.
Thái hậu Quang Thục lại sai ông Đức Trung cầu đảo ở am Từ Công. Khi vừa mới làm lễ thì có hòn đá rơi xuống trước mặt. Ông Đức Trung cho là lạ, nhặt lấy, rồi sai thợ tạc một pho tượng, bỏ hòn đá vào trong. Lại làm riêng một cái am để thờ, và giấu kín việc ấy. Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, Sung nghi Nguyễn Thị Huyên nằm mộng thấy rồng vàng từ trên trời hiện xuống, bay vào nơi bà ở. Trong chốc lát sinh hoàng tử, đó là vua Hiến Tông.
Việc ra đời kỳ lạ của vua Hiến Tông, “Thiên Phúc tự bi ký” của chùa Thiên Phúc, tức chùa Thầy, do Nguyễn Bá Bằng soạn, có nói rằng Trường Lạc hoàng thái hậu có điềm rồng vàng nhập vào sườn bên tả. Xét ra, cũng tương tự thuyết trên.
Chết cùng nguồn cơn
Hai cha con vua Thánh Tông và Hiến Tông nguồn gốc ra đời đều gắn với những giấc mộng kỳ lạ. Đến khi mất đi, nguyên nhân khuất núi cũng có nét tương đồng giống nhau dù công nghiệp khác nhau, thời gian trị vì dài ngắn dị biệt.
Đối với trường hợp vua Lê Thánh Tông, trong “Lịch triều hiến chương loại chí” cho biết một trong những nguồn cơn cho việc vua Thánh Tông băng hà là: “Về già, dâm dục khá nhiều, mắc tật phong thũng”.
Oái oăm thay, cái chết của vua, còn được chỉ đích danh người đã làm cho ngài phải về nơi cửu tuyền lại chính là người đã từng đầu gối, tay ấp một thời, đó là Trường Lạc Hoàng hậu. “Toàn thư” có ghi: “Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng. Trường Lạc Hoàng hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng”.
Còn vua Hiến Tông con ông, “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” có đề cập đến việc quy tiên: “Mấy năm sau, vì đàn bà con gái vào yết kiến nhà vua quá nhiều, cho nên Ngài phải mang bệnh rồi băng hà”. Cũng sách này, trong thơ viết về Hiến Tông, đề cập đến cả tiền nhân, tức cha mẹ của vua:
Oán ngẫu tằng tri Trường Lạc sự,
Sắc hoang do tự hiệu tiền nhân.
Tạm dịch:
Nỗi oán từng nghe Trường Lạc hậu,
Hoang dâm lại bắt chước tiền nhân.
Xét cho cùng, tự cổ, có mấy vua nào được thọ tới cái tuổi “nhân sinh thất thập cổ lại hi” (người 70 tuổi xưa nay hiếm) như lời của Đỗ Phủ đâu. Bởi các bậc đế vương tấm thân nghìn vàng thì chỉ có một, nhưng quanh các ngài là tam cung, lục viện, âm khí nặng đến thế cơ mà…/.