Kỷ tử - “Kim cương đỏ” quý giá giúp con người trẻ lâu, sống thọ

(PLVN) - Nằm cao trên miền Tây Bắc Trung Quốc là vùng đất cực kỳ màu mỡ. Nơi đây, bên bờ sông Hoàng Hà, dưới bầu trời phủ sương mù che kín rặng núi Lục Bàn Sơn, cư dân vùng Ninh Hạ từ lâu đã trồng một trong những loại quả được nhiều người săn lùng nhất ở châu Á trong nhiều thế kỷ qua. 
Kỷ tử - vừa là thức ăn vừa là thuốc quý.
Kỷ tử - vừa là thức ăn vừa là thuốc quý.

Nét văn hóa đặc sắc Trung Hoa 

Loại quả mọng nhỏ có hình bầu dục này gọi là kỷ tử và từng được gọi là “kim cương đỏ”, vì được cho là có tác dụng chống lão hóa. Nó đã nổi tiếng khắp thế giới là siêu thực phẩm, nhưng với người Trung Quốc, họ đã dùng loại quả này trong y học kể từ thế kỷ thứ 3 cho tới tận ngày nay. Họ gọi loại quả này với nhiều tên gọi khác nhau như: câu kỷ tử, củ khởi, củ khỉ, cẩu kỷ và tên thường gọi nhất vẫn là kỷ tử. 

Kỷ tử từ lâu đã là một phần của văn hóa Trung Quốc. Theo truyền thuyết thì hồi hơn 2.000 năm trước, một thầy lang đến ngôi làng nơi mọi người đều sống trên trăm tuổi, và phát hiện ra rằng tất cả họ đều uống nước từ giếng có cây kỷ tử mọc quanh.

Người ta cho rằng khi quả chín, quả rụng vào giếng, thành phần giàu vitamin trong quả sẽ tan vào nước giếng. Chuyện xưa cũng kể rằng nhà buôn thảo dược Lý Thanh Vân từ Thế kỷ 17 đã ăn quả kỷ tử mỗi ngày. Nghe đồn rằng ông sống thọ đến 252 tuổi.

Cây kỷ tử được biết đến như là cây kéo dài tuổi thọ từ thời cổ đại. Trong thời Chiến Quốc, truyền thuyết về cây kỷ tử có thể kéo dài tuổi thọ, dưỡng nhan được lan truyền. Truyền thuyết thời Bắc Tống, một vị đại nhân được lệnh rời Bắc Kinh đi công vụ đến Tứ Xuyên.

 

Trên đường đi, ông ta thấy một cô gái dung nhan đoan trang, mái tóc mượt mà, chừng 17 tuổi. Đại nhân tò mò hỏi: “Năm nay nàng bao nhiêu tuổi?”. Cô gái trả lời: “Năm nay tôi 372 tuổi!”. Sau khi nghe, đại nhân ngạc nhiên hơn và hỏi: “Làm thế nào để nàng có được tuổi thọ?”. Cô gái nói: “Tôi không có phương pháp bí ẩn nào. Tôi chỉ ăn quả câu kỷ tử thường xuyên trong năm thôi”.

Hay một câu chuyên khác nữa, đó là vào đời Đường (Trung Quốc), tể tướng Phương Huyền Linh do giúp Đường Thái Tông Lý Thế Dân cai quản triều chính nên phải suy nghĩ căng thẳng, khiến cả tinh thần lẫn thể chất suy kiệt. Sau đó, tể tướng được quan thái y cho dùng món canh kỷ tử nấu với ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) thường xuyên nên sức khỏe dần phục hồi, tinh thần tráng kiện.

Không chỉ quả, câu kỷ tử còn được gọi là “Minh mục tử” do có tác dụng làm sáng mắt. Chuyện xưa kể rằng: ở Ninh An, tỉnh Ninh Hạ, Trung Quốc, có người vợ khóc chồng nên mù cả hai mắt. Để chữa bệnh cho mẹ, con gái tên là Câu Hồng Quả đã ngày đêm leo đèo, lội suối để tìm thuốc. Cảm tấm lòng hiếu thảo của cô gái, tiên ông Bạch Hổ Tử đã chỉ cô hái thuốc câu kỷ tử cho mẹ cô uống. Sau thời gian uống thuốc, mắt của mẹ cô gái sáng trở lại một cách thần kỳ.

Do vậy mà ngày nay dù kỷ tử được trồng khắp nơi ở Trung Quốc nhưng đặc điểm địa lý của vùng Ninh Hạ khiến loại quả này khi trồng ở đây đạt chất lượng tuyệt đỉnh nhất. “Sự kết hợp của gió núi mát lạnh, đất đai giàu khoáng chất và nước tưới lấy từ con sông Hoàng Hà nổi tiếng đã khiến quả kỷ tử từ vùng Ninh Hạ trở nên cực kỳ giá trị”, ông Evan Guo, Giám đốc bán hàng của công ty công nghệ thực phẩm Ningxia Baishi Hengxing, một trang trại trồng cây kỷ tử hữu cơ, nói.

Kim cương đỏ của người nông dân Trung Quốc.
Kim cương đỏ của người nông dân Trung Quốc.  

Nông dân vùng Ninh Hạ vẫn thu hoạch quả với phương pháp mà họ từng làm suốt trong lịch sử. Từ tháng 7-9 hàng năm, người nông dân lom khom dưới những bụi cây chỉ cao chừng tới thắt lưng trổ đầy quả chín mọng màu đỏ như cà chua. Họ khéo léo ngắt đầy tay quả ngọt mỗi lần từ chùm dây leo và bỏ vào chiếc rổ tre đan.

Lưu ý rằng, quả kỷ tử cần hái vào sáng sớm hoặc chiều mát, vì hái giữa trưa chất lượng sẽ bị giảm. Khi mới thu hoạch xong, nhất thiết phải hong trong bóng râm cho nhăn vỏ. Sau đó mới phơi nắng gắt mới đảm bảo quả khô đều. Vị thuốc sử dụng từ quả chín được đem phơi khô.

Vừa là thuốc, vừa là thức ăn

Trong Đông y Trung Quốc có một loại quả phổ biến thuộc diện hàng đầu trong những bài thuốc đươc hầu hết các danh y sử dụng cho bệnh nhân của họ chính là kỷ tử. Loại quả này tốt thế nào thì đã có nhiều tài liệu nhắc đến, nhưng ít người biết rằng, kỷ tử là một cây dại/cây rừng có giá trị dược liệu từ gốc đến ngọn, không bỏ sót bộ phận nào trên thân cây. 

Các tài liệu Đông y nhấn mạnh rằng, kỷ tử toàn thân cây đều là “bảo bối” đáng giá. Trong cuốn “Bản thảo cương mục“- cuốn sách Đông y nổi tiếng ghi chép rằng, “mùa xuân hái một nắm lá kỷ tử – loại lá giúp mỗi ngày tràn đầy sinh lực. Mùa hè hái một ít hoa kỷ tử – loại hoa giúp bạn sống trường sinh, mùa thu dùng một ít hạt kỷ tử – loại hạt giúp bạn khỏe mạnh, mùa đông dùng một ít rễ kỷ tử – loại rễ giúp bạn khỏe mạnh gân cốt, đẹp da”. Còn trong Đông y hiện đại thì đã bớt dùng hoa kỷ tử, nhưng lá, quả và rễ thì vẫn được ứng dụng phong phú trong đời sống hàng ngày. Đây được xem là một nguyên liệu tốt có thể giúp bạn chăm sóc sức khỏe hiệu quả.

Bà Zhang Ruifen, một thầy thuốc làm việc ở hệ thống Phòng Mạch Cổ truyền Trung Hoa Eu Yan San, người theo đuổi việc nghiên cứu y học cổ truyền Trung Hoa ở Bắc Kinh chia sẻ, “nản thân tôi cũng thường kê loại quả này để giúp tăng cường khả năng hệ thống thận và gan, là hệ thống mà các thầy thuốc Trung Hoa tin rằng mắt là một phần trong đó”, bà Zhang Ruifen nói. 

Câu kỷ tử thuộc họ quả mọng, có vị đắng xen lẫn một chút vị chua nhưng kèm theo cảm giác ngọt ở hậu vị. Bạn có thể ăn quả tươi hoặc quả khô. Đặc biệt, các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao kỷ tử sấy khô bởi hàm lượng dinh dưỡng cô đặc ở mức cao. Các nhà khoa học đã đánh giá và kết luận câu kỷ tử là một trong những loại quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt, bao gồm: sắt, kẽm, canxi, photpho, chất xơ, vitamin C, vitamin A, chất chống oxy hóa.

Ngoài ra, loại quả này còn đem đến 8 axit amin thiết yếu. Các chuyên gia dinh dưỡng nói rằng 120gram câu kỷ tử cung cấp 10% lượng protein mà cơ thể cần mỗi ngày, một con số đáng ngạc nhiên đối với trái cây. Các carbohydrate trong loại quả này thuộc dạng carbon phức, đồng nghĩa cho khả năng điều chỉnh đường huyết và ngăn ngừa nguy cơ gặp phải tình trạng mệt mỏi do tiêu thụ lượng lớn carbohydrate (sugar crash) trong tương lai.

Công dụng của kỷ tử tốt đối với tình trạng can thận hư tổn, tinh huyết thiếu hụt, lưng đau gối mỏi, chóng mặt, ù tai, di tinh. Ngoài ra, bản chất kỷ tử còn hỗ trợ khi thận hư tinh giảm, tiểu đường, khô miệng, mắt mờ, giảm thị lực, tăng cường khả năng miễn dịch, chống lão hóa, bảo vệ tế bào gan, ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư dạ dày…

Các đầu bếp trẻ khắp Châu Á cũng sử dụng kỷ tử trong món ăn để gợi chút hương vị địa phương. Theo đó, đầu bếp Anna Lim đã sử dụng quả kỷ tử khi cô được mời làm bữa sáng hiếm có cho chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh khổng lồ McDonald's. Chủ thương hiệu The Soup Spoon tạo ra món cháo ngon lành với quả kỷ tử, và món này nổi tiếng ở Singapore đến độ họ đã đưa nó vào thực đơn cố định. 

Kỷ tử là thứ không thể thiếu đối với người châu Á và đặc biệt nó được xếp vào nhóm “siêu thực phẩm” của người Trung Quốc trong chữa bệnh hay nấu ăn. Không chỉ vậy, nhận biết được những tác dụng thần kỳ của kỷ tử, người phương Tây cũng chịu chi đến 10 USD Mỹ cho một gói kỷ tử, đắt gấp ba lần giá ở châu Á. Chính nhờ giá bán của loại siêu thực phẩm khiến nhà nông hào hứng hơn trong việc nhanh chóng thu hoạch và đưa hàng ra siêu thị khi tới mùa. Được biết, nông dân Ninh Hạ thu hoạch khoảng 180 ngàn tấn kỷ tử tươi mỗi năm. 

Có thể nói, tình yêu của người Trung Quốc dành cho kỷ tử đã có từ hàng trăm năm trước và cho đến ngày nay họ vẫn luôn sử dụng loại quả này trong chế biến thuốc hay nấu ăn. Với nhiều tác dụng chữa bệnh tuyệt vời, có lẽ vì thế mà người ta gọi nó là “kim cương đỏ”. 

Đọc thêm