Có một “người thầy” Võ Nguyên Giáp

(PLO) - Quan niệm của bác về giáo dục đến bây giờ ta thấy vẫn hoàn  toàn nguyên vẹn giá trị. GS Hoàng Tụy có kể lại, bác Giáp có bản kiến nghị gửi đến nhóm 24 nhà khoa học và nhóm 24 nhà khoa học này đã có  một bản kiến nghị chấn hưng giáo dục gửi lên Chính phủ vào năm 2004. Bác Giáp đã nói rất nhiều về giáo dục trong các tác phẩm của mình. Đơn cử như bác nói cần phải “coi trọng chiến lược con người, tất cả cho con người, tất cả vì con người”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 Trước nỗi đau về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Ai cũng biết quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”, bác đã sống quá 33 năm so với câu thơ của Đỗ Phủ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Và mọi người không chỉ nghĩ bác là nhà lãnh đạo quân đội đi hết từ chiến thắng này đến chiến thắng khác mà bác còn là một trí thức cách mạnh, một nhà giáo yêu nước”.
- Thưa GS, nhà sử học Benard Fall đã có một lời đánh giá rất xác đáng từ năm 1962 trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - con người và huyền thoại”: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp”. Thế nhưng, ngay khi rời tay súng và cả những năm tháng cuối cùng này, Đại  tướng vẫn đau đáu với nền giáo dục nước nhà?

- Chúng ta đã biết, từ bé bác đã là một học sinh học giỏi. Năm 1937 bác nhận bằng cử nhân luật. Tháng 5/1939, bác trở thành nhà giáo và giảng dạy tại Trường Tư thục Thăng Long, hồi đó bác Hoàng Minh Giám làm Giám đốc. Một năm sau, tháng 5/1940 bác lên Cao Bằng và sang Trung Quốc gặp Bác Hồ.

Nhận ra thiên tài quân sự có trong nhà giáo Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ đã cử bác Giáp sang Diên An để học tập quân sự. Năm 1941, bác Giáp cùng Bác Hồ về Cao Bằng. Ngày 22/12/1944, bác Giáp là người  đầu tiên thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân  của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1977, hai năm sau khi thống nhất đất nước, bác Giáp lại được thôi nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - nhiệm vụ mà Bác Hồ giao phó ngay từ năm 1945, bác Giáp chuyển sang cương vị mới là Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật, thực ra đó là một nhiệm vụ gắn liền với giáo dục - đào tạo.

Quan niệm của bác về giáo dục đến bây giờ ta thấy vẫn hoàn  toàn nguyên vẹn giá trị. GS Hoàng Tụy có kể lại, bác Giáp có bản kiến nghị gửi đến nhóm 24 nhà khoa học và nhóm 24 nhà khoa học này đã có  một bản kiến nghị chấn hưng giáo dục gửi lên Chính phủ vào năm 2004. Bác Giáp đã nói rất nhiều về giáo dục trong các tác phẩm của mình. Đơn cử như bác nói cần phải “coi trọng chiến lược con người, tất cả cho con người, tất cả vì con người”.

- GS có thể cho biết cụ thể hơn về tư duy giáo dục hiện đại của Đại tướng?

- Đại tướng cho rằng, giáo dục là một khoa học đồng thời là một nghệ thuật; nội dung giáo dục bao giờ cũng kết hợp chặt chẽ với phương pháp sư phạm. Đại tướng chỉ rõ: “Tri thức khoa học là một cơ sở rất quan trọng để trao đổi năng lực và phẩm chất đạo đức của con người mới. Vì thế, cần trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế - xã hội ở trình độ phổ thông tương đối hoàn chỉnh, cơ bản, hiện đại của Việt Nam, vừa phù hợp với nhu cầu thực tế trước mắt, lại vừa tạo khả năng phát triển về lâu dài… 

Cần nghiên cứu, lựa chọn kỹ càng để xác định chương trình, biên soạn sách giáo khoa cho thật khoa học, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân luồng, phân khối để các em tiếp tục học hoặc đi vào nghề nghiệp. Nhất thiết phải làm và làm ngay, làm cho tốt việc tinh giản phần tri thức cơ bản, để các em có thì giờ học thêm về kiến thức kinh tế, lịch sử, địa lý của địa phương, nghe nói chuyện về các vấn đế thời sự tùy theo lứa tuổi, và nhất là học kỹ thuật, công nghệ và tham gia lao động sản xuất”.

 Đại tướng cho rằng: Cần phải giáo dục ngay từ tuổi thơ, từ vườn trẻ ý thức lao động, tình cảm lao động, thói quen lao động vì tập thể, vì xã hội. Phải kiên trì rèn luyện cho học sinh có ý thức sâu sắc về lao động, lao động để xây dựng đất nước phồn vinh, cho quê hương tươi đẹp, lao động có kỹ thuật, có kỷ luật, với năng suất cao, chất lượng và hiệu quả tổt. Phải làm cho thế hệ trẻ coi đó là mục tiêu quan trọng để phấn đấu thực hiện.

Cần nhận thức rõ rằng, càng làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông thì càng có điều kiện để tiến hành có hiệu quả về giáo dục tư tưởng chính trị, đồng thời phát huy mọi tài năng của thế hệ trẻ. Vì vậy, phải kiên quyết khắc phục tình trạng coi nhẹ và tự phát đang phổ biến trong việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Bên cạnh đó, nhân tố quyết định đối với chất lượng giáo dục là đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục. Cùng với việc bồi dưỡng trình độ văn hóa, khoa học và năng lực giảng dạy, nghệ thuật sư phạm cho giáo viên, cần chú ý thích đáng tới việc bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, lòng say mê thiết tha yêu nghề, khả năng vận dụng tri thức và kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Mặt khác, vấn đề chăm lo đời sống giáo viên sẽ  có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

- Ở góc độ nhà giáo, nhà khoa học, GS có cảm nhận ra sao về Đại tướng qua những chính sách thiết thực với giới trí thức?

- Khi đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, được Đảng, Nhà nước giao làm Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật, dù công việc rất mới mẻ nhưng được Đảng tin cậy, Đại tướng đã đi sâu, đi sát với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, thành tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những  ý kiến đề đạt với Đảng và Nhà nước.

c

"Riêng tôi luôn nghĩ về ông như một người làm nên lịch sử"

(GS.NGND Nguyễn Lân Dũng)

Nhờ đó mà Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từng bước đưa khoa học kỹ thuật Việt Nam sánh kịp trình độ các nước trong khu vực. Trong công việc nào ông cũng để lại những dấu ấn sâu đậm. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Ông là một nhà sử học thực thụ với những công trình tổng kết về lý luận, đặc biệt là những tập hồi ức của ông, có thể nói là những kho sử chứa đựng rất nhiều chất liệu để cho đời sau.

Vì thế, riêng tôi luôn nghĩ về ông như một người làm nên lịch sử, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ hơn hai chục năm nay, ông là Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam và tham gia rất nhiều hoạt động sử học như một người thầy thực thụ của giới sử chúng tôi”.

Riêng đối với tôi, may mắn vì đã được gặp Võ Đại tướng nhiều lần. Cũng như đối với các nhà khoa học khác, tôi luôn được Đại tướng động viên và nhắc nhở làm tốt công việc nghiên cứu cùng với việc phổ biến kiến thức khoa học.

- Trước nỗi mất mát quá lớn này, cảm xúc của GS ra sao? Kỷ niệm nào GS nhớ nhất về Đại tướng, thưa GS?

- Đại tướng có nhiều tình cảm đặc biệt với bố tôi. Khi bố tôi lâm bệnh, Đại tướng đã đến nhà riêng để thăm hỏi ân cần. Khi bố tôi qua đời, Đại tướng đã viết để gửi vào sổ tang những dòng chữ thật trìu mến. Công lao của Võ Đại tướng kể sao cho xiết. Chỉ xin thắp nén tâm nhang thành kính mong bác an nghỉ chốn vĩnh hằng. Sự nghiệp vẻ vang của bác còn mãi mãi trường tồn trong lịch sử của dân tộc này, trong tâm trí của mọi thế hệ hôm nay và mai sau.
Giới trí thức Việt Nam luôn ghi nhớ những lời căn dặn ân tình của bác để góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, sao cho đúng với ước nguyện mà bác hằng mong muốn.

- Xin trân trọng cảm ơn GS!

Đọc thêm