Ký ức Việt Nam (kỳ 11): Giếng làng một thuở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Cái giếng đầu làng của bà con/ Nước trong như lọc, vị thơm ngon/ Nơi hàng ngày hẹn hò gặp gỡ/ Câu chuyện làm ăn chuyện xóm thôn” (Tế Hanh, 1966). Cũng giống như cây đa, bến nước, mái đình, cái giếng làng là nơi chứng kiến bao nhiêu thay đổi của làng xã.
Ảnh tư liệu giếng làng.
Ảnh tư liệu giếng làng.

1. Giếng làng. Sao lại gọi như vậy? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, ấy là vì ngày xưa (ngày xưa là bao giờ tùy thuộc vào mỗi làng, mỗi vùng) cả làng chung một hoặc vài cái giếng.

Giếng làng do dân làng góp công của xây dựng nên và cùng sử dụng. Mà lạ, chắc không phải vì nghèo mà dùng chung đâu, có làng giàu lắm, nhiều người đỗ đạt nên quan, vậy mà cũng chỉ có vài cái giếng. Phải chăng giếng làng cũng biểu hiện tính tập thể trong cộng đồng làng xóm ở Việt Nam.

Một người có tiếng là cầu kỳ và lịch lãm như nhà văn Nguyễn Tuân mà đã rất say sưa kể về một cái giếng nước ở miền trung du trong cuốn Vang bóng một thời của mình:

“Thường thường mỗi lần gặp gỡ, thể nào hai ông già cũng kéo nhau ra cái giếng nước mà chuyện vãn rất lâu. Nhà sư ít nhời, trầm tĩnh ngắm bóng cụ Sáu trong lòng đáy giếng sâu. Cái bóng nhà sư già ít khi được đậu hình cho lâu trên phiến gương nước giếng mát lạnh: chốc chốc một vài giọt nước ngọt lại rời mạch đá tổ ong, thánh thót rớt xuống, tiếng kêu bì bõm.

Ông cụ Sáu tỳ tay vào thành giếng nhờn mịn rêu xanh, chỉ ngón tay xuống lòng giếng sâu thẳm gần hai con sào mà nói: “Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng chùa nhà đây. Tôi sở dĩ không nghĩ đến việc đi đâu xa được, cũng là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà.

Bạch sư cụ, sư cụ nhớ hộ tôi câu thề này: “Là giếng chùa nhà mà cạn thì tôi sẽ lập tức cho không người nào muốn xin bộ đồ trà rất quý của tôi. Chỉ có nước giếng đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị. Mà bạch cụ, chúng tôi không hiểu tại sao ngọn đồi này cao mà thủy lại tụ. Địa thế chùa này, xem ra còn dụng võ được…”. (Những chiếc ấm đất – Nguyễn Tuân).

*****

2. Giếng làng thường được coi như mắt rồng hoặc long mạch của rồng, không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân từ xa xưa mà còn là biểu tượng tâm linh của mỗi ngôi làng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện bảo rằng: Giếng làng đã để lại nhiều kỷ niệm trong lòng người dân quê Việt Nam. Nếu đình làng là nơi tụ họp và chuyện trò về những việc, những chuyện nghiêm trang hệ trọng của làng ngước (gọi là việc làng), và cũng là nơi tụ tập của riêng đám đàn ông trong làng, thì giếng làng là nơi người ta nói chuyện đời thường, giếng làng lại là xứ sở của các cánh đàn bà, con gái. Bên giếng làng, chị em kháo nhau những chuyện muôn thuở của làng quê: chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện chồng con, chuyện về một cô gái “khôn ba năm dại một giờ”.

Trong số những ảnh chụp (bưu thiếp) đầu thế kỷ XX về làng Bưởi (làng giấy gió) ngoại thành Hà Nội có rất nhiều ảnh về cái giếng của làng mà người dân làng Bưởi gọi là giếng mắt rồng.

Điều lạ là vào mùa khô, các giếng ở làng khác đã trơ đáy thì giếng Mắt Rồng làng Yên Thái vẫn đầy ắp nước, phục vụ cả ba làng vừa ăn uống vừa sinh hoạt, làm nghề giấy. Giếng không bao giờ hết nước, dân làng lấy nước đến đâu, mạch nước lại cuộn lên đến đó.

Giếng Mắt Rồng này tương truyền là con mắt phải của Rồng, thân Rồng là đường Nam Thăng Long, con mắt trái cũng là một giếng Mắt Rồng bên làng Bái Ân (phường Nghĩa Đô), cạnh đền thờ em trai ông Dàu (chết cùng ngày với ông Dàu khi hay tin anh và chị dâu trầm mình cứu vua, ông cũng lao đầu từ trên cây xuống chết).

Giếng Mắt Rồng được xây dựng bằng đá xanh, các lớp đá của giếng được xếp theo kiểu vòng tròn. Đá xanh được đẽo tròn, rồi lắp ghép xếp lại với nhau từng lớp một. Các lớp đá liên kết với nhau bằng cạnh đá.

Dân làng Yên Thái rất quý giếng, coi chiếc giếng cổ như một báu vật của làng. Hằng năm, dân làng chọn một ngày đẹp trời tổ chức ngày hội nạo vét giếng. Trước khi xuống dưới đáy giếng vớt rác rưởi đọng lại dưới lòng giếng, khơi thông các mạch ngầm, mọi người phải vào đền Long Tỉnh để làm lễ xin phép Thánh.

Tiếc rằng sau năm 1954, một số cán bộ nơi đây lại bàn với dân làng đổ tấm đan bê tông hạ xuống dưới lòng giếng để cho giếng được sạch hơn. Chẳng ngờ thời gian sau, nước giếng bỗng cạn dần và các mạch nước không còn lên nước nữa. Các mạch nước bị tắc ở dưới không dẫn lên trên mặt được...

(ảnh tư liệu).

(ảnh tư liệu).

*****

3. Bên cạnh nhiều cái giếng xưa thường có một ngôi đền hay miếu nhỏ thờ “thần giếng”. Các nhà nghiên cứu cho rằng, thần giếng là một trong “Ngũ tự gia đường”, ảnh hưởng từ điển lễ của Nho giáo Trung Hoa cổ đại.

Theo đó, hệ thống 5 vị thần cai quản nhà cửa, đất đai, gọi chung là Ngũ tự gia đường. Đối với người Hoa đó là: Định phước Táo quân, thần Cửa, thần Ngõ, thần Giếng, thần Trung lưu (tức là: Môn, Hộ, Táo, Tỉnh, Trung lưu thi vị Ngũ tự).

Còn đối với gia đình người Việt ở thôn quê, mặc dù đều có khái niệm chung là thờ Ngũ tự (5 vị thần cai quản về nhà cửa, đất đai) nhưng về 5 vị thần cụ thể thì có sự khác nhau, tùy thuộc vào gia chủ, đại thể có các vị thần sau: Tiên sư (hoặc Tiên sư thần vị - Lịch đại tiên sư tôn thần),

Táo quân (gồm Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, Thổ địa Long mạch địa chủ tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ phước đức chánh thần), thần cổng và thần cửa (Nhị vị môn thần), Trung lưu (Đương cảnh thổ địa tôn thần, người Hoa gọi là Thần Thiên quan Tứ phước), Cửu thiên Huyền nữ, Bổn mệnh Chúa tiên, Bổn mạng tiên nương,... và thần Giếng (Long mạch Tỉnh thần).

Ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh có ba giếng chùa có văn bia cho biết việc đào giếng thời xưa là rất hệ trọng. Bia giếng chùa Linh Quang (Ngô Xá) liệt kê mấy chục người góp tiền đào giếng và có bài minh: “Linh Quang danh tích/ Địa thế mênh mông/ Sãi vãi gắng công/ Xây thành giếng lớn/ Lộc truyền con cháu/ Phúc hưởng an bình/ Lưu truyền vĩnh viễn/ Dựng bia ghi minh”.

Đọc thêm