Ký ức Việt Nam (kỳ 12): Chợ làng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chợ làng là một thiết chế công đặc thù của nền văn hóa kinh tế tập thể vô danh. Cùng với đình, chùa thì chợ là không gian di động và là một trong những không gian công quan trọng nhất của nền văn hóa đám đông làng xã Việt Nam cổ xưa. 
Một phiên chợ làng (ảnh tư liệu).
Một phiên chợ làng (ảnh tư liệu).

Theo Nguyễn Mạnh Tiến trong "Sống đời của chợ" thì: Làng, nói như Paul Mus, là nơi bắt đầu cho mọi sự hiểu biết về Việt Nam. Vì thế, để góp vào hiểu sâu làng, cần phải hiểu chợ làng, một thiết chế công đặc thù của nền văn hóa kinh tế tập thể vô danh. Cùng với đình, chùa thì chợ là không gian di động và là một trong những không gian công quan trọng nhất của nền văn hóa đám đông làng xã Việt Nam.

1. Với mong muốn đưa công chúng trở về với những ký ức xưa của Hà Nội qua những tư liệu, hình ảnh sinh động về chợ và phố chợ,Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang tổ chức triển lãm tài liệu trực tuyến “Ký ức chợ xưa”.

Triển lãm diễn ra từ 25/4 tại địa chỉhttps://archives.org.vn/chohanoixua/tour/tour.html, gồm 80 hình ảnh, bản đồ, văn bản quản lý liên quan đến các chợ xưa như chợ Đồng Xuân, chợ phố Hàng Tre, chợ Hàng Da, chợ hoa tết, các phiên chợ truyền thống, những gánh hàng rong trên khắp phố phường Hà Nội từ thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.

Chợ có từ bao giờ? Bia chợ xã Đông Ngạc (theo Trịnh Khắc Mạnh, Chợ truyền thống Việt Nam) viết: "Người xưa khi chế tạo các đồ khí cụ, chuộng theo tượng quái, bắt đầu theo quỷ Ly, sau mới đến quỷ Ích, sau nữa là quẻ Phệ hạp, cốt là lo cho việc tài hóa, lương thực mà thôi. Thế cho nên mới lập ra chợ, để cho dân chúng tụ họp buôn bán, giao thương mậu dịch, giúp cho dân được sung túc, mà của dùng cho đất nước cũng có dư. Đây chính là một mối của nền chính trị vương đạo."

Văn bia chợ Kim Lũ khắc: "Từng nghe, thánh nhân dựng chợ là để tập trung người trong thiên hạ, tập hợp hàng hóa ở muôn nơi, cùng trao đổi để mà hưng thịnh […] Trông khắp thắng địa Việt Nam, nổi danh làng lớn Kim Lũ, có chợ chiền đông đúc, nguyên xưa kia là chốn cổ tích […] Nơi đây, dân khắp nơi kéo đến không dứt, người buôn bán những muốn tìm đến đổi trao, hỏi đâu sánh kịp!"

Chợ, theo sử liệu chính thống như Việt sử lược, Đại việt sử ký toàn thư cho biết, ngay buổi đầu trứng nước của nhà tiền Lê, nhà Lý đã quan tâm đến chợ. Đến thời hậu Lê, chợ được ghi chép lại trong chính sử đã có một diện mạo hoàn bị, ngày sáu tháng Mười năm Hồng Đức thứ tám (1477) có định lệ mở chợ mới như sau:

“Ra sắc chỉ rằng: sinh dân các huyện, châu, xã ở các xứ trong nước mỗi ngày một đông, nếu muốn mở thêm chợ mới để tiện mua bán thì quan phủ, huyện, châu phải khám xét thực tế, nếu quả là tiện lợi cho dân thì làm bản tâu lên, cho theo tiện lợi mà họp chợ, không cứ là có ngạch cũ hay không”.

Đời Lê – Mạc, Hồng Đức thiện chính thư chép: “Ở các dân gian, đã có dân thì có chợ, chợ là để giao thông hàng hóa trong thiên hạ, phát triển đạo mậu dịch để thỏa lòng người. Xã nào đã có chợ lập ra trước rồi, không được cấm đi rồi lại mở cái khác, để bế tắc đường thương mại một cách vô lý…”.

Một quầy hàng bán nông sản ở chợ quê xưa.

Một quầy hàng bán nông sản ở chợ quê xưa.

2. Chợ làng đã thu hút sự quan tâm, miêu tả của các nhà dân tộc học người Pháp khi đến Việt Nam. Gourou miêu tả chợ quê châu thổ sông Hồng: “Việc buôn bán ở nông thôn được tiến hành trước hết tại các chợ. Một phần nhỏ nằm trong tay những người bán hàng rong, đi từ làng này sang làng khác, nhà này sang nhà khác để bán hàng. Ở châu thổ có nhiều cợ được phân bổ đều khắp. Trong đại bộ phận trường hợp, những chợ đó không nằm trong làng mà ở ngay giữa đồng bên cạnh một con đường lớn, ở ngà tư mấy con đường đất nhỏ được nối liền với nhiều làng…”.

Chợ họp ở giữa đồng cũng được Nguyễn Văn Cừ - nhà thơ của những khung cảnh làng quê miêu tả thật sinh động:

"Đầu năm chợ họp giữa đồng khoai

Nô nức về chơi đủ hạng người

Trai tỉnh ô đen, quần lụa đũi

Gái quê khuyên bạc, váy tơ sồi

Bên hàng tranh, pháo người chen chúc

Cạnh chiếu "cò, cua..." khách đứng ngồi

Chợ vãn đường về cô yếm đỏ

Tay bồng quả bưởi chín vàng tươi."

(Chợ làng vào xuân, 1943).

Cũng theo Gourou, có chợ ngày nào cũng họp (ở các làng lớn) và các chợ họp theo định kỳ, thông thường năm ngày một phiên, do đó trong một vùng hẹp xung quanh mỗi làng ta thấy ít nhất ngày nào cũng có phiên chợ. Chợ họp vào buổi sáng hoặc chiều. Ngoài vài chờ nhộn nhịp mỗi tuần, chợ còn là nơi hoang vắng với vài kiến trúc thô sơ dùng làm nơi che mưa nắng cho người bán hàng. Đó là những chiếc lều xêu vẹo mái lợp rạ.

Khung cảnh nhộn nhịp với các bà, các chị gồng gánh hàng đến chợ quê. (ảnh tư liệu).

Khung cảnh nhộn nhịp với các bà, các chị gồng gánh hàng đến chợ quê. (ảnh tư liệu).

Một cái chợ nông thôn nhỏ, mà ta có thể trông thấy hàng trăm, chiếm một diện tích rất hẹp; hai ba trăm người chen chúc nhau ở đó vào lúc chợ đông; số người bán hầu như gần ngang số người mua. Mặt hàng của họ thực nghèo nàn; một phụ nữ nông dân ngồi suốt buổi trước cái thúng chỉ có vài mớ rau hoặc mấy xu cá.

Ngoài những phụ nữ nông dân bán sản phẩm của đồng ruộng, vườn tược hoặc ao đánh cá được, trong các chợ đó chỉ có một số rất ít những người chuyên nghiệp đơn điệu cho sự chuyên môn hóa về buôn bán rõ nét hơn: một hoặc hai người thợ rèn sửa chữa nông cụ mà người ta nhờ chữa và bán dao nhỏ, dao phay, những người bán kẹo lạc, bánh đa, đậu phụ, một người đàn bà bán vải. […] Sinh hoạt của chợ sôi nổi là do sự có mặt của các bà bán nước chè, bán hàng ăn và một thầy bói, thường là người mù.

Một miêu tả khác của C.Robequain về chợ châu thổ Bắc Trung Thổ: “Những mái tranh hẹp và xiêu vẹo, thường thấp để tiết kiệm vật liệu đến nỗi người ta tưởng là nhà của những người lùn trên đám đất bằng. Đây là những chiếc lều giống hệt nhau của chợ người Việt mà người ta thấy hàng chục mẫu trong đồng bằng, chúng chỉ khác nhau về kích cỡ mà thôi”.

3. Theo Nguyễn Mạnh Tiến, chợ không chỉ như một sự kiện xã hội tổng thể mà ngoài tính chất kinh tế nó còn đảm đương một loạt những tính chất đặc thù làm thành chức năng văn hóa của chợ. Đi chợ còn là “đi chơi chợ” (Muốn cho gần chợ mà chơi/ Gần sông tắm mát, gần nơi đi về).

Đi chợ là để giao lưu, với người, với cả linh thiêng. Tiếng giao lưu, cộng thông giữa người với người lên đến đặc biệt trong kinh tế ở chợ thôn quê là nói thách và mặc cả. […] Chợ truyền thống Việt Nam có điểm khác biệt khi ở đấy, người với người duy trì hoạt động bán mua trong tình liên đới lẫn nhau.

Đọc thêm