1. Ngay từ năm 1893, nhà nghiên cứu người Pháp Dumuchie đã viết: "Hội Gióng là một cảnh tượng hấp dẫn nhất mà tôi được xem ở Bắc Kỳ...”. Còn học giả Nguyễn Văn Huyên thì nhận xét: Hội Phù Đổng là một trong những lễ hội kỳ thú nhất và cổ nhất. Đó cũng là hội được người ta biết đến nhiều nhất, có tính đại chúng nhất, hàng năm cứ đến ngày 9 tháng Tư âm lịch là thu hút rất đông người đến trên hai bờ sông Đuống.
Có câu dân ca Việt Nam hát rằng:
Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu,
Mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng.
Hay:
Ai ơi mồng chín tháng Tư,
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời.
Nghĩa là con người ít nhất trong đời phải một lần dự hội Phù Đổng, nếu không thì cuộc đời sẽ rất tẻ nhạt.
Hồ sơ trình UNESCO công nhận lễ hội này là di sản phi vật thể thế giới đánh giá: Đây là một trong những hội lễ lớn nhất ở đồng bằng Bắc bộ, một diễn trường lịch sử - văn hoá, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân.
Trong lễ hội sẽ có những màn diễn xướng độc đáo thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, tôn vinh vị anh hùng dân tộc Thánh Gióng. Lễ hội Thánh Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài tới khoảng 3 km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ.
|
2. Trong hệ thống vai diễn của Hội Gióng trước hết phải kể đến ông "hiệu cờ". Nghi lễ "Ðánh" cờ của ông hiệu cờ trong tâm linh dân gian Phù Ðổng là vô cùng thiêng liêng hệ trọng có liên can đến "dân an quốc thái", "mưa thuận gió hòa". Ông hiệu cờ hành lễ uyển chuyển tôn nghiêm, không vấp khuyết ấy là điềm lành báo hiệu "dân thịnh nước cường"!
Chi tiết hành vi diễn xướng của ông hiệu cờ đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên miêu tả tỷ mỉ, sinh động trong nghiên cứu của mình (Hội Phù Đổng – một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam).
Theo đó, mùng 9 tháng tư mới là chính hội nhưng từ cách đó một tháng, ngày mùng 1 tháng ba, trước mặt chức dịch hàng tổng, giáp chủ hội của năm đó sẽ dâng cúng lên thần hai cơi trầu để nhận sổ về phân vai. Ngày 6 tháng 3, ông hiệu cờ và những người chỉ huy khác phải trai giới. Riêng ông hiệu cờ phải ở một gian dành riêng cho mình trong thời gian làm lễ, ăn riêng, ngủ riêng, có những người hầu phục dịch.
Ngày 15, cùng với các ông hiệu khác, hiệu cờ đến trình diện với thần, nhận cờ về tập. Cờ lệnh may bằng lụa nhuộm màu hồng hồng, dài 7 vuông, khổ vải 0,35m. Đó là cờ chỉ huy của Thần. Ông hiệu cờ sẽ phất cờ ấy trong trận đánh, sau đó lá cờ vẫn để mở như thế được cắm giữ trong chính điện (đền Gióng) cả năm, đến ngày 15 tháng ba năm sau thì giao cho giáp kế cận cầm về để tập. Hiệu cờ tập với lá cờ cũ này còn vào ngày hội sẽ “đánh cờ” với lá cờ mới.
Chọn ngày lành trong bảy ngày đầu tháng Tư, một vị hương chức viết chữ tốt sẽ được mời đến nhà ông hiệu để viết chữ lệnh lên lá cờ. Ngày 7 tháng tư đặt cờ vào hòm rước, tra cán rồi cuốn lại, để vào trong một cái bao hình chữ nhật thêu rồng phượng, đoạn cuối có tua rua. Trong bao này người ta bỏ 100 tờ giấy bản trắng, một ngàn mảnh giấy màu cắt hình con bướm và 60 mẩu gỗ hương bằng đồng xu. Lá cờ chính thức của ngày hội này được để ở đền Mẫu (tức đền thờ Mẹ của Thần).
Khoảng 1h chiều ngày chính hội, đội thám báo đến đền báo tin giặc tới gần. Trống nổi lên, các ông hiệu đến làm lễ, cầm lấy cờ, chiếng, trống ra đứng trước đền. Từ sân bái đường, cuộc hành quân bắt đầu, ông hiệu cờ, tay cầm cờ lệnh, sát ông là con ngựa bạch do những người lính của thần kéo. Trên khoảnh đất giữa bãi chiến trường, đã trải ba chiếc chiếu trắng. Giữa mỗi chiếc chiếu có chiếc bát úp trên tờ giấy trắng. Chiếu tượng trưng cho đồng bằng, bát là đồi núi còn giấy là mây.
Bắt đầu trận đánh, ông hiệu cờ cầm cờ tiến vào chiếc chiếu đầu. Vị thủ chỉ làng Phù Đổng có ông thủ từ giúp sức, mở tung lá cờ. Những mẩu giấy màu và gỗ hương đựng trong bao đổ tưng ra và người ta tranh nhau nhặt lấy khước.
Bởi thế, bài vè tóm tắt hội Gióng có đoạn:
“Quay trở về hải vọng ngự tiên
Điểm ba tiếng trống tiên nghiêm
Nổi theo chiêng trống nổi lên ba hồi
Mở miều cờ tung trời đỏ chói
Ngũ sắc bay phấp phới bướm ra”
Và đây là tiết mục quan trọng bậc nhất: Ông hiệu cờ bước ba bước, chân trái hất sang tả, chân phải hất sang hữu, tiến vào chiếu thứ nhất. Ông nhấc chân phải hất đi chiếc bát và tờ giấy, tức là ông đã vượt qua núi, qua mây. Sau đó, ông đứng vào giữa chiếu, hai bàn chân sát nhau, nhảy tại chỗ hai lần. Ông quỳ gối giống chữ lệnh. Rồi hai tay cầm cờ, ông phất sang phải, sang trái, xoay lá cờ quanh mình ba lần. Xong, ông đứng dậy, đi giật lùi ra khỏi chiếu. Tức thì đám đông nhảy bổ vào tranh nhau vì người ta tin rằng chỉ cần một mẩu chiếu, dù nhỏ đến mấy cũng đủ may mắn, khỏi được bệnh tật:
Trên trời có đám mây sa
Hiệu cờ quỳ xuống phất ba ván liền
Bạt ba lần bát đàn cướp chiếu
Phất cờ xong hội kéo về đền
Khao quân thưởng tướng yến liền…
“Cho nên, trong khi trận đánh chẳng gây nên chút thiệt hại vật chất nào, thì chính những chiếc chiếu này có khi lại gây đổ máu”, Nguyễn Văn Huyên nhận xét. Còn dân gian thì tổng kết: “Lâm râm hội Khám, u ám hội Dâu, vỡ đầu hội Gióng” là vì thế.
|
3. Trong hệ thống lễ hội ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong khi phần lớn đều diễn ra vào đầu mùa Xuân thì hội Gióng có thể xem là lễ hội vào loại muộn nhất, bắt đầu mùa Hạ - mùa mưa, sinh sôi, nảy nở.
Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh (Người anh hùng làng Gióng) đã lý giải về hình tượng cờ và màn đánh cờ như sau. Theo đó, cờ chính là mây gió. “Mây” ấy với “sấm” ấy sẽ làm ra mưa. Những uy lực của thiên nhiên lại chuyển thành uy lực của con người chống lại thiên nhiên. Điệu múa cờ lệnh tượng trưng cho sức mạnh vượt qua ngàn cây nội cỏ, bạt núi, quét mây của Ông Đổng, đồng thời cho cả ý chí và sức mạnh diệt giặc của Ông Gióng nữa.
Nhân dân ta hay nói: “Đánh trống qua cửa nhà sấm”, “Cờ mở gió bay”, “Lúa chiêm lấp ló bên bờ/Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Tiếng trống sấm và ngọn “cờ gió” của con người đã thách thức, gọi dậy tiếng sấm trời và ngọn gió trời để làm mưa tưới mát lúa chiêm. Ý chí khắc phục và cải tạo tự nhiên cũng là ý chí chiến thằng kẻ thù của người cổ. Lễ múa trống, múa cờ lệnh đều mang hai ý nghĩa kết hợp thắng lụt, thắng hạn để cho mùa màng tươi tốt và thắng giặc để cho người bình yên.
“Hội Gióng ăn sâu trong đời sống của các cộng đồng dân cư vùng châu thổ sông Hồng như một phần bản sắc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một dòng chảy liên tục. Việc ghi danh Hội Gióng vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần thúc đẩy tính sáng tạo của con người và thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hoá, góp phần quảng bá di sản văn hoá phi vật thể nói chung”, đánh giá của UNESCO về giá trị của Hội Gióng.