Thuốc phiện hết nhà…
Tổng kết về tác hại của nghiện thuốc phiện, tục ngữ có câu: “Thuốc phiện hết nhà/ thuốc trà hết phên”. Nghiện thuốc phiện rồi thì tốn kém phải bán cửa bán nhà cho “ả phù dung”, còn nghiện trà – thuốc lào thì rút hết cả phên (xưa nhà tranh) làm đóm châm thuốc.
Trong cuốn: “Thuốc phiện và chính quyền thuộc địa ở Châu Á: Từ độc quyền đến cấm đoán: 1897-1940”, Philippe Le Failler cho hay: Ở Đông Dương, trừ người Hoa ra, tệ nghiện thuốc phiện là hiện tượng ngoại lai đối với nền văn minh Việt Nam. Việc dùng thuốc phiện ở Việt Nam không phải vùng nào cũng có. Ở nông thôn hầu như không ai biết đến việc hút thuốc phiện, có chăng là vài người như chánh tổng, lý trưởng.
Mặc dù vậy, ngay sau khi lên ngôi vào năm 1820, vua Minh Mạng đã ban bố một chỉ dụ, thông điệp rất rõ ràng: “Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại, những phường du côn lêu lổng, lúc mới hút là phong lưu rồi chuyển thành thói quen, thường nghiện thì không thể bỏ qua được. Vì nó mà quan thì bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy mòn thành tật, thậm chí tổn thương cơ thể, sinh mạng nên bàn để cấm đi”.
Vua quy định: Phàm các quan lại, quân dân, ai hút vụng thuốc phiện, tang vật từ 1 cân trở xuống, đều phạt 100 trượng, phát lưu 3.000 dặm; tang vật từ 1 cân trở lên thời nghĩ xử theo lệ chứa giấu thuốc phiện và tịch thu gia sản.
Vua Minh Mạng nhấn mạnh, việc nấu bán thuốc phiện còn gây nguy hại lớn hơn cả hút vụng thuốc phiện vì dụ dỗ nhiều người, làm cái hại càng lan rộng ra. Vua dụ bộ Hình rằng: “người hút trộm thuốc phiện, tuy hại đến việc quan, bỏ công việc, mất hết gia sản, tổn hại sức khoẻ, nhưng chỉ làm hại cho một thân, một gia đình họ mà thôi. Còn như đứa nấu, bán thuốc phiện là mưu đồ lợi lớn, dụ dỗ nhiều người, đến nỗi tập nhiễm thành thói quen, cái hại lan ra rộng, thì thiết xử tội như nhau, thực chưa được phân biệt”.
|
Hình ảnh tư liệu một người nghiện thuốc phiện bên bàn đèn. |
Triều Nguyễn đã ban hành một loạt sắc lệnh (dùng chữ là “nha phiến” thay cho từ thuốc phiện). Trong Đại Nam thực lục có khoảng mười hai sắc lệnh liên quan đến thuốc phiện trong khoảng thời gian từ 1820 đến 1873. Những người tiêu thụ, những người bán không phân biệt tầng lớp xã hội đều bị trừng phạt nghiêm khắc.
Sách “Ấu học luân lý” chép bài học “Người nghiện thuốc phiện” cho các lớp cấp I: “Trông thầy Chánh Còm, ai cũng biết là người nghiện […] mặt bùng da chì, xo vai rụt cổ, giọng nói khàn khàn, cái môi thâm sịt, nom người lẻo khoẻo như cò hương”.
Theo Nguyễn Tuân – tác giả của những “tàn đèn dầu lạc”, “ngọn đèn dầu lạc”… thời kỳ 1930 đến 1945 là đỉnh cao của thuốc phiện ở Hà Nội. Giai đoạn này ở Hà Nội có khoảng 400 tiệm hút. Cánh văn sĩ nghiện không dám rời Hà Nội vài ngày vì sợ đến các vùng quê không có bàn đèn. Mà có đi thì đêm xuống ra sân ngước về Hà Nội lẩm bẩm rủa đám bạn đang “bẹp”.
Năm 1907, Đông kinh nghĩa thục bắt đầu khai giảng ở phố Hàng Đào, trong khoảng thời gian hoạt động ngắn ngủi, nhà trường đã cho ra đời nhiều tác phẩm, bài văn đả kích trong đó nói đến tác hại của thuốc phiện:
“Nghiện thuốc phiện thực là thảm nhục,
Ấy Ăng Lê lưu độc cho ta,
Từ Ấn Độ đến Trung Hoa,
Á châu khổ hại biết là xiết bao!
Bởi từ lúc phong lưu hào khí,
Muốn ăn chơi cho đủ vị tài hoa,
Tiêu dao trong cuộc yên hà,
Anh em khuya sớm năm ba khuyên mời.
Cống mời đưa mùi đời đã trải (chải),
Bắt nghiện rồi biết dại khôn chưa,
Núi mòn sông cạn dần dà,
Tư cơ điền sản chui vào lọ xe. […]”
Phù dung ơi, vĩnh biệt!
Đó không chỉ là tiếng lòng của một văn sĩ tài hoa trót bén duyên với làn khói nâu mà còn như một tư liệu lột tả chân thực xã hội nước ta thời Pháp thuộc. Tác phẩm ghi lại hành trình từ nghiện đến cai nghiện, mà vế sau, Cai, đã được tác giả Vũ Bằng nhấn mạnh ngay khi nó được đăng báo từng kỳ trên Trung Bắc chủ nhật, và sau đó là in sách (1942).
Lần đầu tiên Vũ Bằng phê thuốc lại chính ở nơi đẹp nhất Hà Nội, đó là cầu Thê Húc sơn đỏ uốn cong từ Tháp Bút ra đền Ngọc Sơn. Ông viết trong “Cai”: “Nửa giờ đi qua, tôi cứ đứng vịn thành cầu mà rỏ dãi xuống hồ. Toàn thân tôi không còn là da, thịt hay gân, sụn. Nó là một cái gì rỗng và nhẹ. Bảo là một con búp bê nhựa có lẽ đúng, bởi vì chân tôi như không còn bám được trên mặt đất. Giá lúc đó có một vài cơn gió to, tôi bay lên không mất…”.
|
Tệ nạn nghiện hút thuốc phiện ở Việt Nam đầu thế kỷ XX được phản ánh trong con tem thư. |
Thời kỳ này, Vũ Bằng chỉ tôn thờ ba thứ: văn chương, Liên Hường (cô con gái xứ Huế bỏ quê ra Hà Nôi để được gần nhà văn trẻ mà nàng ngưỡng mộ) và thuốc phiện. Đã nhiền lần ông muốn bỏ thuốc, nhất là khi người cô ruột qua đời vì quá đau khổ và thất vọng về ông nhưng ý chí không thắng nổi thói quen, ông không sao chừa nổi.
Cuối cùng ông chia tay với nàng tiên nâu được là do một trận ốm thập tử nhất sinh. Ông viết vào tờ giấy treo đầu giường: “Cha ta sống lại mà bảo hút thuốc phiện ta cũng không hút”. Ở cuối giường cũng có dòng chữ sám hối: “Thuốc phiện giết chết cả dân tộc mày, làm cho bao nhiêu người xung quanh mày sống ai oán, chết khổ sở, mày có nhớ không”.
Một trong những nạn nhân đó lại, trớ trêu thay lại chính là Liên Hường. Lúc đầu, nàng theo Vũ Bằng đến tiệm hút chỉ để xem, rồi châm lửa cho nhà văn và rồi hút lúc nào không hay. Để rồi, khi gặp lại nàng, nhà văn đã viết những dòng đầy nước mắt xót xa: “…Liên Hường thực của tôi đã đi đầu mất rồi? Nằm đối diện tôi bây giờ chỉ còn lại một Liên Hường gầy guộc, xanh xao, má trát phấn son tô không đủ che được một làn da quá bủng. Chung quanh cặp mắt bồ câu, những đường nhăn đã bắt đầu và những nét buồn. Gân chằng mạng nhện ở cổ. Tay nàng khô hanh và bé như xương gà. Toàn thân tiết ra một sự tàn phá làm cho ta ghê rợn...”.
Còn đây là những gì Trọng Lang ghi lại về 1 tiệm thuốc hút trong phần “Ăn mày” của tập phóng sự “Hà Nội lầm than” (Đời Nay xuất bản, 1938): “Tôi đưa mắt nhìn mấy “con sâu” của bàn đèn: một mụ đang nằm phủ phục riêng một chỗ như người đau bụng. Phía trái mụ, mấy bộ xương ngực đang thở phập phều, mấy bộ mặt lặng lẽ như nặn bằng sáp mỏng và đen bẩn, mấy chòm râu, tóc khô héo rũ thòng xuống. Giữa đống xương bọc da đó, giữa đống “chết rồi” đó, nổi lên tiếng rên đều của dọc tẩu, lẫn tiếng thở dài của người, của tâm phổi nẫu”.
Có nhiều chuyện truyền miệng về gián, chuột, thạch sùng do kiếm ăn ở trong phòng hút thuốc phiện nên cũng sinh nghiện.
Ở Cống Trắng – Khâm Thiên, những bàn đèn thuốc phiện được thiết lập lén lút trong những mái lều vá víu bằng tôn, bằng sắt thùng dầu gỉ..., miễn là có thể co chân nằm hút ngay trên dòng nước cống róc rách. Người ta kể, ở đó có những con chuột cống già sụ, to bằng cái ấm giỏ, mù cả hai mắt, cứ đến giờ lên đèn dầu lạc là nó bò dạo quanh những cái đám khách hút ấy để nuốt khói.
Trọng Lang thì kể “đã thấy khách (Hoa kiều – NV) ở Cốc Lếu (Lào Cai) nuôi con cốc, bắt nuốt khói thuốc phiện để sai đi mò tôm, mò cá. Thế nhưng ấn tượng nhất có chuyện là câu chuyện hổ nghiện thuốc phiện.
Chuyện kể về 2 thanh niên ngày ngày bóp chân tay cho bố đẻ một quan Pháp, tối đến về hút thuốc phiện ở cái lán nhỏ tại bản Leng Xu Xìn, khiến một con hổ tối tối vào bản rình bắt lợn nghiện mùi thơm đó, thế là đêm đêm nó mò đến nằm dưới sàn lán, gần sáng lại bỏ đi…