Và đến lần kỷ niệm 127 năm ngày sinh nhật Bác Hồ năm nay, một trong những kỷ vật Bác Hồ tặng bà Nguyễn Thị Kim Dung đã được trưng bày tại triển lãm “Tặng phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Những câu chuyện chưa kể”
Cái nắm tay truyền năng lượng cuộc sống
Sinh năm 1936, tại một trong những vùng đất được xem là vựa lúa của miền Bắc (Nam Định). Với ý chí của mình, khi còn nhỏ, chưa bao giờ được đến trường nhưng bà đã tự học chữ với ông chú. Khi vào làm nông dân của HTX Nông nghiệp Nam Phong, nhờ biết chữ, chịu khó mày mò sáng tạo, bà đã được bầu vào làm công tác kỹ thuật Nông nghiệp.
Bà tích cực hướng dẫn người dân ủ phân xanh, phân chuồng để tăng năng suất, tích cực thực hiện phong trào “người biết chữ dạy người không biết chữ” của Bác Hồ. Đặc biệt, hướng dẫn người dân cấy chăng dây thẳng hàng để ánh sáng vào đến cây lúa được đều, lúa phát triển tốt, được mùa…
Từ cô nông dân nhỏ bé, nặng việc gia đình (với 5 con nhỏ) bà Kim Dung đã được mọi người yêu quý gọi là “dũng sĩ diệt đói”, “dũng sĩ diệt dốt”. Năm 1964, mới 28 tuổi, bà Nguyễn Thị Kim Dung trở thành người nông dân tiêu biểu tỉnh Nam Định và được bầu là đại biểu Quốc hội. Và cũng nhờ đó, bà đã được gặp Bác Hồ và có những ký ức không thể nào quên.
Kể chuyện với báo chí trong lần trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Kim Dung nhớ lại: “Kỳ họp Quốc hội đầu tiên của khóa III, tôi về Hà Nội và được cùng các đại biểu trẻ đến gặp Bác tại vườn cây nhà Bác. Chúng tôi ngồi xung quanh ngắm nhìn Bác. Bác gọi từng người để hỏi chuyện. Bác gọi chị Thảo - Anh hùng Lao động tỉnh Nam Định, rồi Bác gọi đến tôi. Tôi xúc động quá, sao một người bé nhỏ như mình mà Bác lại biết tên nhỉ. Bác gọi lần thứ nhất tôi không dám đứng dậy, lần thứ hai tôi cũng không dám đứng dậy, lần thứ ba mọi người bảo “Chị ơi, Bác gọi đấy”, tôi mới đứng lên.
Thấy Bác cười bảo: “Cháu là Nguyễn Thị Kim Dung?”, tôi thưa “Vâng ạ”. Bác bảo: “Cháu là nông dân, cháu vận áo dài, cháu đi cày, áo quấn vào cày thì cháu cày làm sao”? Lúc bấy giờ tôi lúng túng quá, không biết nói sao, mọi người cười, Bác cũng cười, rồi Bác bảo: “Thôi, Bác đùa đấy”! Rồi Bác lại hỏi tôi: “Đảng bộ Nam Phong của cháu vẫn tốt chứ”? Tôi thưa “Tốt ạ”, Bác bảo “Thôi, cháu ngồi xuống”.
Rồi Bác cầm một bông hoa giơ lên bảo, cháu nào thích hoa, tất cả chúng tôi đều giơ tay: “Thưa Bác cháu thích ạ”! Bác bảo “Hoa có một bông, Bác cắm vào lọ để Bác cháu ta cùng ngắm. Còn bánh kẹo nhiều, các cháu ăn đi, rồi Bác cháu ta ra ngoài để chụp ảnh làm kỷ niệm”.
Rất nhiều năm đã qua, nhưng bà Dung bảo, đó là một kỷ niệm mà suốt đời bà nhớ mãi, nhớ như in, như mới hôm qua. “Đến khi Bác cùng mọi người đi ra ngoài, ai cũng muốn đi gần Bác, còn tôi, tôi không dám đi gần Bác, nên tôi tụt lại đi phía sau, thì Bác dừng lại, nắm lấy tay tôi. Tôi giật mình, sao mà quý hoá và thiêng liêng thế này! Bác cầm tay tôi và bảo, tất cả những thành tích cháu đạt được, Bác rất hoan nghênh, rồi Bác sẽ tặng huy hiệu của Bác cho cháu, cháu phải tích cực học tập cho thật giỏi, để làm người cán bộ Đảng viên tốt, làm đại biểu Quốc hội tốt”.
|
Thẻ đại biểu Quốc hội khóa III - kỉ vật được bà Dung giữ lại làm kỉ niệm |
Bác nắm tay tôi đi, đi một quãng Bác lại bảo: “Nhưng Bác phê bình cháu, cháu ít tuổi mà có nhiều con. Nhiều con vất vả lắm, không tiến bộ được đâu, cháu phải sinh đẻ có kế hoạch”. Đời tôi gặp Bác lần đầu mà Bác đã khen ngợi, rồi ban thưởng và phê bình.
Điều đó làm tôi nhớ suốt cả cuộc đời. Bác nắm tay tôi đi ra chụp ảnh, đến nơi Bác bảo cháu bé, đứng đằng trước, Bác đứng sau chụp cho đẹp. Khi có ảnh, tôi xem thì chòm râu trắng của Bác phủ lên đầu tôi. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác rưng rưng khi ấy, đêm đến không ngủ được…”.
Tại triển lãm “Tặng phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Những câu chuyện chưa kể”, khi kể lại câu chuyện đằng sau hiện vật chiếc Huy hiệu Bác Hồ mà bà Dung đã được Bác Hồ tặng vì thành tích xuất sắc trong sản xuất tại địa phương và phong trào diệt "giặc dốt", chị Nguyễn Thu Huyền - cán bộ Phòng sưu tầm Bảo tàng Hồ Chí Minh- cho biết:
“Khi sưu tầm tại gia đình, tôi cảm thấy rất xúc động, bà Dung đã chìa tay ra nắm chặt lấy tay tôi và bà nói rằng, lần đầu tiên bà được gặp Bác thì Bác Hồ đã nắm tay bà như vậy. Cho đến bây giờ, sau hơn 50 năm rồi, tình cảm của Bác vẫn rất là gần gũi, thân thương. Cái nắm tay đó gần như truyền cho bà năng lượng, cố gắng trong cuộc sống và bà muốn lan truyền hơi ấm đó đến mọi người. Hầu hết các nhân chứng đều rất kính trọng và yêu quý Bác Hồ và coi Bác như người cha, người ông của mình”.
“Suốt cuộc đời tôi không lúc nào quên được những lời Bác dặn dò”
Đúng như lời của chị Nguyễn Thu Huyền rằng “cái nắm tay của Bác truyền cho bà Dung năng lượng trong cuộc sống”, năm 1965, chiến tranh lan rộng ra Bắc, Nam Phong là một điểm máy bay giặc đến đánh phá rất ác liệt, bà Dung được Đảng bộ giao cho giữ súng.
Lúc ấy bà nghĩ, Đảng giao cho mình vũ khí, tức là trao niềm tin và trách nhiệm, phải hết mình giữ gìn, luôn luôn cố gắng, lúc nào cũng nhớ đến lời của Bác, làm tốt vai trò của người Đảng viên, người Đại biểu Quốc hội. Đất Nam Phong từng được gọi là vành đai lửa. Bà Dung cùng mọi người ban ngày moi hầm cứu người bị nạn, thậm chí đào hố chôn người chết, đêm đến thắp đèn cày cấy…
Năm 1968, bà Dung được Đảng bộ tỉnh Nam Định cử đi dự hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng của toàn miền Bắc ở hội trường Ba Đình nhờ thành tích là tấm gương xuất sắc nhất tỉnh. “ Ở đó, tôi được đồng chí Lê Hoành là chuyên viên của TƯ Đảng gặp và bảo “Kim Dung ơi, Bác đang hỏi cô, cô về chụp ảnh với Bác”.
|
Một lớp học trong phong trào bình dân học vụ diệt giặc dốt - ảnh tư liệu |
Anh ấy nói thế rồi kéo tôi chạy, lúc ấy Bác ốm. Đến nơi, tôi chưa kịp chào Bác thì Bác hỏi, “Chồng cháu có khỏe không, vẫn công tác tốt chứ, cháu vẫn công tác tốt chứ, các con cháu vẫn ngoan chứ?” Bác bận rộn thế, lại đang ốm, mà vẫn nhớ, vẫn ân cần hỏi han tôi. Tôi xúc động quá. Suốt cuộc đời tôi không lúc nào quên được những lời Bác dặn dò, bảo ban.
Tôi chẳng nói được gì, chỉ đứng nhìn Bác, Bác cười bảo: “Cháu chụp ảnh thì phải nhìn ra ngoài chứ nhìn Bác thì ảnh không đẹp”. Tôi thấy Bác gầy quá, chỉ nói “Bác ơi, Bác gầy quá”, thì Bác bảo “Bác vẫn khỏe”! Đó là lần cuối cùng tôi được gặp Bác và sau đó một năm, Bác vĩnh viễn ra đi” – bà Dung nhớ lại.
Năm người con của bà Dung đều thành đạt, là giáo viên, bộ đội, công an, gia đình bà luôn luôn được bầu là gia đình mẫu mực, con cháu thảo hiền, gia đình văn hóa. Có được điều này bởi bà Dung tâm niệm bất kỳ ai, cả cuộc đời, chỉ cần được được gặp Bác một lần, được Bác khuyên bảo một lần thì sẽ cả đời phấn đấu để làm tốt lời Bác dạy. Về phần mình bà luôn nghĩ phải cố gắng phấn đấu làm người công dân tốt, người Đảng viên tốt để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ…