Kỳ vọng gì ở cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nga?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 10 ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nga gặp nhau ở Ireland bên lề hội nghị định kỳ của Hội đồng Bắc Cực, cả hai phía đều xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau vào ngày 16/6 tới tại Geneve (Thụy Sĩ). Mỹ và Nga sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở thời ông Biden làm Tổng thống Mỹ. 
Ông Joe Biden và ông Vladimir Putin trong một cuộc gặp ở Moscow hồi tháng 3/2011.
Ông Joe Biden và ông Vladimir Putin trong một cuộc gặp ở Moscow hồi tháng 3/2011.

Trước đấy, ông Biden trên nhiều cương vị khác nhau đã từng gặp ông Putin. Hai người này rất hiểu nhau và người này biết rất rõ người kia nhìn nhận và đánh giá mình như thế nào. Chỉ riêng điều ấy thôi cũng đã đủ để cho thấy cuộc gặp của họ tới đây ở Geneve vừa dễ mà lại vừa khó, khả năng thành công và thất bại ngang bằng nhau. 

Ông Biden đến Geneve trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, trước đấy, người này đến Anh để tham dự hội nghị cấp cao thường niên của nhóm G7, sau đó sang Bỉ dự hội nghị cấp cao thường niên của NATO và gặp ban lãnh đạo EU.

Không chỉ có riêng Mỹ mà cả EU lẫn NATO hiện cũng đều trong tình trạng quan hệ không được ổn thỏa với Nga. Ông Biden chủ trương làm sống lại mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác trong EU và NATO. Vì thế, EU và NATO hiện hữu vô hình ở phía sau ông Biden khi ông này gặp gỡ và trao đổi với ông Putin. 

Những vấn đề mắc mớ hiện tại giữa Mỹ và Nga cũng gần như đều là chuyện mắc mớ cả giữa EU và NATO với Nga, đồng thời những chuyện khác mà ông Biden muốn trao đổi với ông Putin với triển vọng hai bên sẽ có được sự đồng thuận quan điểm ở mức độ nhất định cũng đều là những chuyện EU và NATO cần sự hợp tác của Nga để xử lý. Từ đó có thể thấy kết quả của cuộc gặp cấp cao này giữa Nga và Mỹ tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới cả mối quan hệ của EU và NATO với Nga.

Trước cuộc gặp, cả phía Nga lẫn Mỹ đều tỏ ra rất thực tế chứ không ảo tưởng về sự kiện lớn mới này trong mối quan hệ song phương. Không bên nào tin rằng ông Putin và ông Biden sẽ tạo ra bước khai thông đột phá quyết định cho quan hệ giữa hai nước và cũng chẳng thể “khởi động lại” mối quan hệ này.

Ông Putin dù bị ông Biden coi là “kẻ sát nhân” và chính quyền của Mỹ làm rất găng với Nga nhưng vẫn đến Geneve gặp ông Biden vì cuộc gặp như thế là bằng chứng về vị thế “bằng vai phải lứa” của Nga với Mỹ. Bên cạnh đó Nga có lợi ích thiết thực trong việc duy trì đối thoại và hợp tác, vừa để phân rẽ Mỹ với đồng minh và đối tác, vừa để cùng Mỹ giải quyết những vấn đề chính trị an ninh thế giới mà chỉ riêng một mình thì Nga không xử lý nổi. 

Ông Biden cần cuộc gặp với ông Putin nhằm nhiều mục đích và lợi ích khác nhau. Mỹ cũng có không ít vấn đề động chạm đến lợi ích chiến lược cơ bản mà không có Nga thì khó có thể xử lý được. Ông Biden muốn gây dựng vai trò đi đầu trong liên minh với đồng minh và đối tác cùng xử lý quan hệ với Nga và phân rẽ Nga với Trung Quốc.  Phía Mỹ đã công khai ám chỉ đến những lợi ích và mục đích ấy khi quả quyết ông Biden gặp ông Putin không phải để giúp Nga nâng cao vị thế quốc tế mà để hướng tới gây dựng mối quan hệ “ổn định và có thể trù liệu trước diễn biến” với Nga.

Trên chương trình nghị sự của cuộc gặp này giữa ông Biden và ông Putin có những chủ đề nội dung hai người sẽ trao đổi thẳng thắn với nhau nhưng khó có thể nhất trí quan điểm được như về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền; chuyện tấn công mạng nhằm vào nhau; vấn đề Ucraine và Belarus; quan hệ giữa EU và NATO với Nga hay như cả về đánh giá Trung Quốc...

Nhưng trên đấy cũng có không ít chủ đề nội dung mà Mỹ và Nga có thể tìm được tiếng nói chung và mẫu số lợi ích chung như giải trừ vũ khí hạt nhân, chống biến đổi khí hậu trái đất, ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên, triển vọng hoà bình cho Afghanistan và Syria... 

Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nga tới đây ở Geneve sẽ là bước tiến quan trọng trong quá trình hai bên định hình lại mối quan hệ song phương cho thời kỳ tới. Cho bên dù kết quả cụ thể không được nhiều thì ý nghĩa của nó vẫn rất tích cực cho chính mối quan hệ song phương này và cho thế giới.

Đọc thêm