'GỠ VƯỚNG' PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU

Kỳ vọng tin vui liên tiếp đến với ngành nông sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Doanh nghiệp (DN) và người nông dân phải nhìn xa hơn, đa dạng hóa sản phẩm trên cánh đồng, kịp thời đáp ứng nhu cầu không chỉ của thị trường trong nước mà quốc tế. Và với sự chỉ đạo quan tâm sát sao của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng liên quan, nhất định tin vui sẽ liên tiếp tới không chỉ với ngành gạo, mà còn với các ngành nông sản khác...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, tồn kho gạo toàn cầu ước giảm 8,9 triệu tấn, xuống còn 173,5 triệu tấn niên vụ 2022 - 2023; dự kiến năm 2023 - 2024 còn 170,2 triệu tấn. Nhiều quốc gia đang đẩy mạnh nhập khẩu để bổ sung vào kho gạo của mình.

Có nhiều tín hiệu vui cho người nông dân. Thứ nhất, nhiều loại gạo chất lượng cao của Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng; thậm chí cả với những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Úc và một số thị trường mới mở ở khu vực Trung Đông. Thứ hai, sản lượng gạo tại nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.

Một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực xác nhận, giá gạo hiện rất cao. Các DN không phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm. Việt Nam đang có cơ hội lớn trong xuất khẩu gạo. Trong ngắn hạn, giá mặt hàng này vẫn tăng và neo ở mức cao. Nhu cầu gạo trên toàn cầu rất lớn, có lợi cho xuất khẩu.

Báo cáo tổng quan tình hình xuất khẩu gạo cho thấy, 6 tháng đầu năm nay nước ta xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, thu về 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng từ 2 - 3 con số. Một số thị trường mới như Indonesia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal,... đều ghi nhận mức tăng đột biến từ 1.147 - 15.972% so với cùng kỳ. Dự báo năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn gạo, đạt hơn 4 tỷ USD, mức kỷ lục lịch sử.

Kết quả như thế nào, những con số nêu trên đã chứng minh. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để chúng ta rút ra những kinh nghiệm, để làm sao việc xuất gạo sau này càng thuận lợi, hanh thông, có giá hơn nữa. Tại cuộc họp, lãnh đạo một DN quy mô chuyên xuất khẩu gạo cho hay, quy trình sản xuất ở nước ta đã tốt, nhưng còn yếu về truy xuất nguồn gốc nên giá gạo xuất khẩu chưa cao. May mắn là do năng suất cao nên dù giá thành còn thấp, gạo Việt mới cạnh tranh được tại thị trường quốc tế.

Vốn cũng là vấn đề với DN xuất khẩu gạo. Theo tính toán, DN này cần 1 tỷ USD để mua lúa cho nông dân, song ngân hàng nói không có tài sản thế chấp thì không thể vay. “Hơn nữa, lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, nếu được vay để làm thì DN cũng không có lợi nhuận”, đại diện DN này nêu quan điểm.

Bàn cách gỡ khó những vấn đề trên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị các DN tổng hợp những khó khăn, thuận lợi gửi Bộ để cùng tháo gỡ. Vấn đề vốn, không phải tới mùa vụ và “chớp thời cơ” mới đi vay, mà từng DN phải có chiến lược ngắn và dài hạn, bàn bạc thuyết phục đối tác ngân hàng. Trước mắt là xuất khẩu gạo, nhưng về lâu dài, DN và người nông dân phải nhìn xa hơn, đa dạng hóa sản phẩm trên cánh đồng, kịp thời đáp ứng nhu cầu không chỉ của thị trường trong nước mà quốc tế. Và với sự chỉ đạo quan tâm sát sao của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng liên quan, nhất định tin vui sẽ liên tiếp tới không chỉ với ngành gạo, mà còn với các ngành nông sản khác.

Đọc thêm