Là những ngày thường thương nhớ

(PLVN) - Nhiều người mải miết trong cuộc đời, cuối cùng lại không biết hạnh phúc là gì và cho đến khi sắp đi qua một kiếp nhân sinh vẫn đau đáu trong lòng câu hỏi: Thật ra hạnh phúc là gì? Công việc nào, người tình nào, giá trị nào, mục tiêu nào sẽ khiến ta hạnh phúc?...
Mỗi chúng ta sẽ biết hạnh phúc là những giản dị, ấm áp, khi đã đi qua những nỗi đau tột cùng…

Chặng đường nào rải bước trên hoa hồng?

Có đôi khi bạn gặp phải khó khăn cùng cực, nhưng tất cả rồi sẽ qua. Trong cuộc đời, sẽ có những thời điểm, giữa những ngày tháng tưởng như không còn hạnh phúc nào hơn, bạn có sự nghiệp, có gia đình hạnh phúc, có một đời sống phong lưu, có một cậu con trai học siêu giỏi. Nhưng rồi, cậu con trai bỗng rơi vào trạng thái trầm cảm, tuyệt vọng! Và tất cả dừng lại, bạn đã mất 5 năm kiên nhẫn tìm lại cậu con trai đầy khát vọng của mình! 

Và nhiều lắm bất trắc trong cuộc đời này… Một người bạn đã từng là một giảng viên danh tiếng, một giám đốc chiến lược, bỗng một ngày gặp phải những cú ngáng ngoạn mục.

Bạn mất tất cả, sự nghiệp thành mây khói, tiền của trôi sông biển, bạn phải chia tay người đàn ông bạn thương bởi không muốn ảnh hưởng tới người chồng nhất mực nâng niu bạn. Bạn mất trí nhớ tạm thời vài năm sau đó… Và bây giờ, với bạn hạnh phúc là những bé mọn, những giản dị hàng ngày. Được thở, được thấy các con lớn lên hàng ngày đã là hạnh phúc…

Diễn giả Phạm Phương Mai chia sẻ: Cuộc sống của tôi khi còn nhỏ đã may mắn vì có gia đình đầy đủ, hạnh phúc. Tôi cứ hạnh phúc như thế cho tới khi cùng lúc tôi gặp quá nhiều biến cố, để rồi sau đó tôi tự đặt câu hỏi: Thế thì cuối cùng hạnh phúc là gì và làm thế nào để có được hạnh phúc lâu dài, đích thực, viên mãn? Từng có thời điểm tôi có tất cả: Công việc tốt, thu nhập tốt, gia đình hạnh phúc, mọi thứ nhưng rồi chỉ trong chớp mắt, mọi thứ biến mất mình cảm thấy không còn gì cả…

Tôi đã ở độ tuổi trung niên rồi, dù cuộc sống có may mắn hơn nhiều người nhưng những điều gì cuộc sống gọi là biến cố thì tôi đều đã trải qua. Mọi người nhìn tôi thấy luôn vui vẻ, tươi cười, hạnh phúc, chắc sẽ nghĩ tôi may mắn lắm. Sự thật cũng giống mọi người, tôi cũng gặp những điều không mong muốn...

Bạn có biết, hạnh phúc khi được sống chung với người mình yêu thương thường không còn nguyên vẹn sau đôi, ba năm. Hạnh phúc mua được căn nhà như ý thường không kéo dài quá đôi, ba tháng. Hạnh phúc được thăng chức thường bị lãng quên ngay sau đôi, ba tuần. Hạnh phúc được khen ngợi thường tan thành mây khói chỉ sau đôi, ba tiếng… Chuyện cần đến, nếu hôm nay không đến, ngày mai cũng không đến thì ngày kia ắt sẽ đến mà thôi. Chẳng có chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. 

Cuộc đời phải có trải qua mất mát, thậm chí như một cơn lốc mới thấu hiểu hai tiếng an yên chẳng hề dễ dàng. Nhưng chính bởi không dễ dàng nên ta mới sống trọn vẹn những ngày tháng về sau. Mọi thứ trong cuộc đời đều là ngẫu nhiên, nhưng có những thứ không phải nghiễm nhiên mà đạt tới.

Như là hạnh phúc. Hy vọng. Nhẫn nại. Bao dung. Thứ tha. Bình yên. Vì thế, nỗi buồn và sự cô đơn ban tặng con người khí chất trầm tĩnh, như ngọc trong bùn, tự khắc tỏa sáng với năm tháng. Khí chất ấy không phải do khuôn mặt, vóc dáng, cũng chẳng phải phục trang trên người, là do tôi luyện, là do từng trải qua những bi ai mà biết mình biết người. 

Bầu trời trong mắt mỗi người vẫn luôn mang một màu xanh khác nhau, nỗi buồn của con người mang một màu khác nhau, nước mắt rơi xuống vì thế cũng có vị mặn khác nhau. Mặn hay nhạt, phải nếm trải mới biết. Có những nỗi buồn để thấu hiểu, phải đi qua hết một đời.

Đến một độ tuổi, tự khắc bạn sẽ nhận ra, buồn hay cô đơn, chỉ là khoảnh khắc của bình yên đến muộn, như mảnh ghép giữa nắng và mưa, mọi thứ đều là mình chọn lấy… Như một người đàn ông từng có tất cả, quyền lực, những người phụ nữ đặc biệt, đi khắp thế giới… Một ngày, trắng tay, ông tìm một vạt rừng, trồng cây và tĩnh lặng như chưa từng giông bão…

Chỉ khi bạn sống trọn khoảnh khắc, biết ơn những gì đang có, chấp nhận rằng ta sinh ra trong cuộc đời này để đón nhận những đều hạnh phúc từ những tổn thương. Khổ đau là người bạn chân thật, không giấu giếm, khoe khoang, không màu mè, kiểu cách.

Nó trực tiếp thức tỉnh chúng ta phải nhìn lại đời mình, xem những giá trị mình đang theo đuổi có thực sự quan trọng như mình nghĩ hay không? Hoạn nạn cũng vậy, nó đã dạy chúng ta biết dừng lại để nhìn thấy rõ đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là chân giá trị của đời sống…

Nhớ những ngày thường…

Và giữa những ngày một cơn ôn dịch càn quét khắp thế giới này, khi nhiều hoạt động công việc bị ngưng trệ… Chúng ta chợt nhận ra, dịch bệnh không phải là thứ thảm khốc nhất, mà chúng ta đã từng sống như một zambie (sống không cảm xúc) với quay cuồng của cuộc sống.

Ai cũng lo kiếm thật nhiều tiền, để rồi giữa đại dịch Vũ Hán, hay ở Hàn Quốc, trong cơn hoảng loạn: người ta ném tiền bay lả tả từ các căn cao ốc với câu hỏi: Tiền nhiều để làm gì? Khi những cái chết của con người ra đi trong chớp mắt, không một người thân bên cạnh, đưa tiễn…

Chuyên gia tâm lý Giao Giao (chị Nguyễn Thị Thu Giao) chia sẻ ngay khi chúng ta ở nhà chống dịch: Bất ổn trong các mối quan hệ sẽ lộ ra trong lúc này. Ở chung với nhau nhiều hơn, đòi hỏi nhiều hơn, mong đợi nhiều hơn, soi nhau nhiều hơn, lại dưới áp lực tâm lý bí bức, làm cho người ta dễ tuôn ra lời cay đắng. Người ta dễ làm tổn thương nhau, lờ đi cảm xúc của nhau. Vì cảm xúc của họ dần bị đẩy lên cao rồi lại xuống thấp, không còn tâm trí để tâm đến người khác nữa. 

Chỉ hơn một tháng nữa, nếu các doanh nghiệp liên tiếp đóng cửa, sẽ kéo theo mất việc diện rộng, trẻ con chịu thêm áp lực vì ở nhà quá lâu, người lớn sẽ ngày càng căng thẳng và xảy ra nhiều xung đột hơn. Vì thế, hãy cẩn trọng hơn khi cư xử với nhau. Hãy nương nhẹ mối quan hệ, hãy nghĩ đến những căng thẳng ai cũng đang phải chịu đựng, mà đối đãi với nhau tử tế hơn ngày thường.

Bạn không biết chuyện gì sẽ xảy ra tuần sau, tháng sau, ai rồi phải cách ly, ai rồi phải phá sản, ai phải mất tiền và công sức xây dựng nhiều năm. Sự tử tế đối với người khác lúc này mới thật sự cần thiết hơn lúc nào hết... Một lời động viên chia sẻ, một sự ủng hộ, một cử chỉ an ủi, khích lệ, động viên, có khi chỉ là một comment, cũng cho thấy bạn đối diện với sự căng thẳng như thế nào.

Chúng ta cũng vẫn thường coi hạnh phúc là mục đích của cuộc sống. Hạnh phúc trước hết là một cảm giác, với nhiều cung độ khác nhau: hồ hởi, phấn khích, lâng lâng, vui vẻ, sung sướng... Có những hạnh phúc nho nhỏ như đói được ăn và có những niềm hạnh phúc lớn lao sau bao tháng ngày chờ đợi như việc một em bé ra đời.

Từ góc độ sinh học, cảm giác hạnh phúc là kết quả của việc bốn hóa chất phối hợp ăn ý với nhau: dopamine như một cánh tay xốc chúng ta bật dậy từ chiếc ghế lười biếng, endorphins khiến cái chân đau bước nhẹ nhàng hơn, oxytocin giúp ta đến gần bên những người yêu dấu với một cái ôm dịu dàng và serotonin là cảm giác hạnh phúc khi người yêu dấu ấy nói rằng cái ôm này làm họ sung sướng biết bao. Ta như bay lên trong một khoảnh khắc an vui. Cuộc đời thật đẹp.

Vấn đề là, khoảnh khắc ấy luôn luôn trôi qua. Niềm vui nào cũng dần dần cạn. Ta có thể nhảy lên sung sướng khi giành một giải thưởng, khi gặp lại một người bạn xa lâu ngày, khi tận hưởng một hoàng hôn tuyệt đẹp... Nhưng những chất hóa học tạo ra cảm giác hưng phấn đó chỉ như dàn vũ công biểu diễn, hết giờ là sân khấu sẽ tắt đèn.

Tạo hóa vốn ban cho loài người chúng ta một khả năng thích nghi kỳ lạ. Chúng ta ước rằng nếu có một cái nhà thật to, hẳn đời không còn gì phải lo nghĩ. Nhưng khi có cái nhà thật to, ta lại muốn cái nhà to hơn. Khát vọng và đam mê, về bản chất, chính là điều mà tạo hóa muốn chúng ta tận dụng, miễn là không lạm dụng để “khát vọng” trở thành “tham vọng” và “đam mê” biến thành “tham lam”. 

Tạo hóa vốn không ủng hộ một thứ hạnh phúc vĩnh viễn. Hạnh phúc chỉ là một viên đường mà tạo hóa cho vào một số hành vi nhất định để chúng ta thấy ngọt mà ăn. Những hành vi ấy giúp ích cho sự duy trì của giống nòi, nên buộc phải pha thêm viên đường hạnh phúc để “dụ dỗ” loài người: sex, ôm ấp, ăn uống, vui chơi, thành công, chiến thắng, hay thậm chí cả những hành vi gây ra mệt mỏi và đau đớn... Tạo hóa không quan tâm đến việc chúng ta có hạnh phúc hay không.

Chị Nguyễn Phương Mai cũng bày tỏ: Hai tháng qua, mình học được bao nhiêu điều từ những người xung quanh. Trong mỗi người đều có phần hoảng sợ, tham lam, công tâm, xấu xí, hèn hạ, nhân hậu, hay sẻ chia. Khi có sự vụ thế này, những phần ấy lộ ra. Mong mọi người thương yêu nhau hơn trong những ngày này.

Và giữa những ngày này, mọi người đều nhớ những ngày bình thường, khi chưa có dịch: “Mình nhớ nắng và mùa hè rực rỡ. Nhớ những nụ cười từ người dưng mình lâu rồi không còn gặp khi đi bộ trên phố. Mình nhớ cuộc sống thường nhật bình thường không có chút ly kỳ, không chút huyền diệu tí nào, những ngày đôi khi mệt mỏi lê đi, rồi có ngày lại phập phồng như trái tim non. Cuộc sống ấy khi nhìn lại như ký ức, bỗng mang một hương vị cảm động xa xôi”…  

Đọc thêm