Niềm an ủi giữa đại dịch

Hạnh phúc trong sự đồng thuận của cả cộng đồng với Nhà nước, Chính phủ để đẩy lùi dịch bệnh – điều mà ông Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn đề cập tới có thể thấy trong hành vi, nghĩa cử của mỗi người dân khi họ hy sinh việc cá nhân của mình để sẻ chia với đất nước...
Bức ảnh cho thấy người dân bị cách ly gọi sự trợ giúp, lập tức được lực lượng chức năng đáp ứng.
Bức ảnh cho thấy người dân bị cách ly gọi sự trợ giúp, lập tức được lực lượng chức năng đáp ứng.

Hẳn rằng vào năm 2013 khi quyết định chọn ngày 20/3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc (International Day of Happiness) các thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp quốc không thể hình dung rằng sẽ có một ngày niềm khao khát hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới lại hòa vào thành một như năm nay, khi mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Người dân Việt cũng cùng chung một mong ước và coi đấy là niềm hạnh phúc thực sự, đó làm sao đất nước và thế giới sớm vượt qua  đại dịch. 

Không ai bị bỏ rơi

Đó là nhận thức của mọi người dân Việt Nam nói chung cũng như những người đã và đang trải qua những ngày trong khu cách ly tập trung để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Người dân Việt Nam không cảm thấy tự hào và hạnh phúc sao được khi ở thời điểm này, Chính phủ Việt Nam đã và đang có một thái độ ứng xử bình tĩnh, đúng mực, nhanh chóng và quan trọng hơn là đặt lợi ích sức khỏe của người dân lên hàng đầu.

Đó là sự đồng lòng giữa Chính phủ và người dân đối với đại dịch, khi những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ luôn được toàn dân đồng lòng ủng hộ thực hiện nghiêm túc như việc cho học sinh nghỉ học, đeo khẩu trang ở nơi đông người, giữ gìn vệ sinh cá nhân…

Điều hạnh phúc và tự hào này không chỉ người dân Việt Nam công nhận mà truyền thông quốc tế cũng rất đề cao. Trang scoopwhoop.com của Ấn Độ ngày 17/3 đăng bài bình luận nhận định Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 tại Đông Nam Á, bên cạnh Singapore.

Theo bài viết, Việt Nam là quốc gia đã thể hiện năng lực ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả và là một trong những quốc gia được đánh giá cao nhất trong chiến dịch phòng ngừa và dập dịch Covid-19.

Trước đó, trang The Diplomat cũng đăng một bài viết đề cập tới những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Bài viết nhận định trong cuộc chiến chống dịch, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu. Trên tinh thần đó, Chính phủ Việt Nam đã công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh, từ đó có được niềm tin của người dân…

“Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta” – đó là dòng lưu bút của du học sinh Lê Thị Quỳnh (quê ở Bắc Giang) khi em kết thúc thời gian cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô nhận chứng nhận “hết thời hạn cách ly” về với gia đình, cộng đồng. Là du học sinh ở Hàn Quốc, khi dịch bệnh bùng phát ở nơi đây, Quỳnh đã rất trăn trở trước việc nên về hay ở lại. Sau cùng, em quyết định về bởi một ý nghĩ duy nhất: “Mỗi khi gặp khó khăn, Việt Nam là nơi giang tay đón về”.

Về nước, cách ly 14 ngày tại đơn vị, Quỳnh nhớ hình ảnh những buổi trưa nắng nóng, các chú, các anh bộ đội vẫn nhiệt tình bê cơm nước cho người dân đúng giờ, không sót một bữa nào. Ngày hết cách ly, nhận hoa chúc mừng chính những người lính đã bê cơm, bê nước cho mình 14 ngày qua, Quỳnh xúc động viết: “Ra đi cánh gió phương trời lạ/Vẫn nhớ non sông một mái nhà/Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta”.

Không chỉ người Việt Nam có cảm xúc ấy mà người nước ngoài đến Việt Nam cũng như vậy. Mới đây, những chia sẻ sau 14 ngày cách ly tại Việt Nam của vợ chồng ông bà David và Cath Butler, hai du khách người Anh được đăng tải thu hút sự chú ý của nhiều người, chia sẻ có đoạn: “…Trang thiết bị của bệnh viện ở đây rất khác với ở Anh, tuy nhiên, chúng tôi đã có tất cả những gì mình cần. Hướng dẫn viên du lịch cũng hỗ trợ vợ chồng tôi một số đồ dùng mà những người đi du lịch thường không mang theo. Chúng tôi rất biết ơn bệnh viện cũng như tất cả cán bộ ở đây đã chăm sóc chúng tôi rất tốt”.

Ông bà Butler chỉ là một trong số những người nước ngoài đến Việt Nam du lịch và người Việt Nam trở về từ nước ngoài được cách ly theo dõi trong những ngày qua. Lời cảm ơn của ông bà Butler là một trong số những tiếng nói cho thấy Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang làm rất tốt việc chống dịch, không phải chỉ là trách nhiệm với công dân Việt Nam, mà với bất kỳ ai, không phân biệt, đã đặt chân đến đất nước Việt Nam.

Thông điệp chia sẻ, tương thân tương ái

Trong những ngày này, cộng đồng mạng chia sẻ nhiều bức ảnh người dân đang cách ly giơ tấm biển ghi những việc cần trợ giúp qua lần cửa kính và chiến sĩ công an đứng ngoài giơ tay ra dấu với thông điệp yên tâm, mọi yêu cầu để đảm bảo cuộc sống của người dân sẽ được đáp ứng. Xung quanh bức ảnh có rất nhiều bình luận về tình người và sự sẻ chia của chính quyền và cộng đồng xã hội vào lúc này. 

Người dân giải cứu thực phẩm giúp cô dâu Hải Phòng.
 Người dân giải cứu thực phẩm giúp cô dâu Hải Phòng.

Hay như lời của một cư dân ở diện cách ly tại một chung cư trên địa bàn Hà Nội: “Thưa đại gia đình C6! Tôi là F2. Tôi đang thực hiện cách ly tại nhà theo đúng quy định. Hiện nay, người đồng nghiệp mà tôi tiếp xúc là F1 đều cho kết quả âm tính với các xét nghiệm. Tôi xin thông báo đầy đủ thông tin chính xác, minh bạch như trên để toàn thể cư dân được biết và thông cảm cho tôi. Tôi đã nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ nhiệt tình của cư dân cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức, chính quyền địa phương. Tôi rất hạnh phúc!”. 

Có thể thấy từ thông điệp này sự ấm lòng mà mỗi người dân cảm nhận được từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng đồng. Hạnh phúc lúc này chính là truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để chia sẻ khó khăn, vượt qua dịch bệnh. 

Là một trong những phường ở Hà Nội có nhiều người nước ngoài sinh sống, trong những ngày qua, chính quyền phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tích cực tuyên truyền để ổn định tư tưởng cho người dân cũng như đảm bảo an toàn cho những người nước ngoài sinh sống trên địa bàn. 

Trả lời truyền thông về quan niệm thế nào là hạnh phúc vào thời điểm này, ông Hồ Trọng Thắng - Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn cho biết: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi, người lãnh đạo của một chính quyền cấp cơ sở, chịu trách nhiệm chăm lo về mọi mặt của đời sống nhân dân của địa phương mình đó là làm sao đảm bảo cho người dân được an toàn.

Ngày hạnh phúc năm nay thật không may lại diễn ra trong bối cảnh dịch Covid, vì thế tôi nghĩ, “trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, cả cộng đồng đồng thuận cùng với Chính phủ, chính quyền ra sức ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh vì một môi trường trong sạch. Hạnh phúc hơn nữa là mọi người đều được an toàn”. 

Hạnh phúc trong sự đồng thuận của cả cộng đồng với Nhà nước, Chính phủ để đẩy lùi dịch bệnh – điều mà ông Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn đề cập tới có thể thấy trong hành vi, nghĩa cử của mỗi người dân khi họ hy sinh việc cá nhân của mình để sẻ chia với đất nước. 

Đó là 3 tuần không về nhà dù chỉ cách nhà 300m của chiến sĩ cảnh sát cơ động Nguyễn Quốc Long tại “điểm nóng” Sơn Lôi ngày nào. “Nhà chỉ cách chỗ trực vài trăm mét nhưng từ hôm trực em chưa một lần về nhà. Mẹ em thỉnh thoảng vẫn mang đồ ra tiếp tế cho em và các anh chị làm nhiệm vụ”, Long chia sẻ. 

Đó là cô dâu ở Hải Phòng phải hoãn cưới vì dịch bệnh được hàng xóm xúm vào mua hộ thực phẩm để “giải cứu” 75 mâm cỗ. “Các cô, bác vô cùng nhiệt tình. Có người mua rồi lại còn gọi điện cho con, cháu… chia sẻ rằng nhà cô dâu hoãn cỗ cưới, con/cháu có mua giúp không. Cứ thế, chỉ trong vòng 3, 4 tiếng đồng hồ số thực phẩm trên đã hết sạch.

Có bác còn nói vui: “Cả đời tao chưa dám bỏ tiền ra mua cân mực (300 nghìn đồng/kg), tôm sú (450 nghìn đồng/kg) để ăn như thế này đâu cháu ạ”, để thấy rằng hàng xóm láng giềng vô cùng tốt, nhiệt tình” - cô dâu Hải Phòng kể. 

Hay như lời tâm sự của bác sĩ Tống Hiếu Tâm - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rằng dù năm nay bữa cơm gia đình vào Ngày Hạnh phúc 20/3 sẽ không như mọi năm vì cả gia đình công tác trong ngành Y đều căng mình chống dịch, thậm chí đám cưới của con trai dự kiến vào ngày 17/3 cũng hoãn tổ chức, nhưng “gia đình tôi cảm thấy thoải mái vì đã đã góp một chút công sức trong cuộc chiến chống dịch bệnh của toàn xã hội”… 

NSƯT Xuân Bắc: 

“Bạn đang sống trong một quốc gia giàu có, bạn làm ăn phát đạt nhưng chưa chắc bạn có được cái cảm giác an toàn, hạnh phúc như nhiều người dân Việt lúc này. Vì sao ư, đơn giản là người dân chúng tôi đang được sống trong một đất nước yên bình. Khi đại dịch đang lan rộng trên nhiều quốc gia thì ở Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành cùng các cấp chính quyền vô cùng quan tâm, chung tay với người dân vào cuộc áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đầy hiệu quả”.

Tuyển thủ quốc gia Đỗ Duy Mạnh: 

“Năm nay ngày này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp nên tôi nghĩ mọi người hãy cùng nâng cao ý thức, chung tay góp sức cùng Đảng, Nhà nước phòng tránh và bảo vệ bản thân, gia đình khỏi dịch bệnh.

Nếu ai xuất hiện các biểu hiện của bệnh thì nên thành thật khai báo để tránh lây lan, vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Theo cá nhân tôi, hạnh phúc trong thời điểm này là được sống trong một môi trường trong lành, không có dịch bệnh và mọi người hãy chung tay góp sức để phòng, chống Covid-19”. 

H.Minh (tổng hợp)

Đọc thêm