Brunei được mệnh danh là vương quốc của Thánh đường Hồi giáo. Hiện nay, đạo Hồi là tôn giáo chính thức ở đây và Quốc vương là người đứng đầu về tôn giáo của đất nước. Theo Hiến pháp Brunei, đạo Hồi là quốc đạo với 65% dân số, 14% theo đạo Phật và 10% theo đạo Thiên Chúa.
Với diện tích chỉ gần 6.000km2 và dân số gần 400.000 người nhưng Brunei có trên 100 ngôi thánh đường. Sự sùng đạo của người dân Brunei là nguồn cảm hứng lớn để tạo ra những công trình hoành tráng, tuyệt đẹp.
Nhà thờ Hồi giáo hoàng gia
Thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddin là một nhà thờ Hồi giáo hoàng gia. Nó là niềm tự hào của cộng đồng Hồi giáo, là một trong những nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, là danh thắng nổi trội và trọng điểm trong tất cả các điểm du lịch tại Brunei, thu hút du khách tham quan mỗi năm. Riêng với người dân Brunei, đây còn là biểu tượng tôn giáo có sức ảnh hưởng to lớn nhất đến đời sống tâm linh của họ.
Nằm ven bờ sông Brunei, cạnh làng nổi Kampong Ayer tại thủ đô Bandar Seri Begawan thuộc quận Brunei và Muara, Sultan Omar Ali Saifuddin Mosque là ngôi đại thánh đường Hồi giáo do hoàng gia xây dựng từ khoảng giữa thập niên 1950.
Thánh đường Hồi giáo này đại diện cho sự sung túc của Vương quốc Brunei, được đặt theo tên của vị vua quá cố thứ 28 của Vương quốc Hồi giáo Brunei: Omar Ali Saifuddin III, đồng thời cũng là người khởi xướng xây dựng công trình.
|
Thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddin |
Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddin do kiến trúc sư tài ba Cavalieri R Nolli, Edwards Chartered và cộng sự thiết kế, được cho là sự kết hợp giữa kiến trúc Mughal (nghệ thuật mang phong cách Ấn Độ) và phong cách Ý. Nhà thờ này được xem là một biểu tượng của đức tin Hồi giáo tại Brunei, thống trị đường chân trời của thủ đô Bandr Seri Begawan, là một ví dụ tiêu biểu về kiến trúc Hồi giáo hiện đại.
Thánh đường đồ sộ độc nhất
Toàn bộ công trình được bố cục trên một đầm phá nhân tạo gần dải đất dọc theo bờ sông Brunei với khuôn viên rộng chừng 2 hecta. Sau 4 năm thi công, ngôi thánh đường được hoàn thành vào ngày 26/9/1958 với chi phí khoảng 5 triệu USD vào thời điểm xây dựng. Là một công trình đồ sộ, dù đứng ở đâu trên thủ đô Bandar Seri Begawan, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng Thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddin.
Nhà thờ được xem là hình mẫu của kiến trúc Hồi giáo hiện đại. Để làm nên công trình kỳ vĩ này, hầu hết nguyên vật liệu đều được nhập từ nước ngoài và chở đến công trường bằng đường thủy như: đá cẩm thạch Ý, đá granite Thượng Hải, các chùm đèn treo với tổng trọng lượng khoảng 4 tấn cùng kính màu từ Anh, thảm lót sàn thêu tranh nổi tiếng của Ả Rập và Bỉ…
Tất cả đều là những nguyên liệu bậc nhất từ các nơi trên thế giới. Trong đó, đá cẩm thạch trắng Ý là nguyên liệu chủ chốt, màu trắng tinh khiết làm chủ đạo kết hợp bằng các ngọn tháp mạ vàng lộng lẫy.
Một trong những nguyên vật liệu bản địa hiếm hoi được sử dụng là “kalat”, một loại dây thừng rất dày và chắc, được dùng quấn vòng lớp bên ngoài các trụ cột, vừa có tác dụng gia cố độ bền vừa để lại dấu ấn Brunei.
|
Bên trong thánh đường |
Việc trang trí nội, ngoại thất cũng được chăm chút đến từng chi tiết trong đó chất lượng và nghệ thuật luôn được đặt lên hàng đầu, từ các họa tiết trang trí trên trần nhà, giàn đèn, các ô cửa sổ lắp kính đầy màu sắc…
Độc đáo nhất là mái vòm được mạ bởi 5 tấn vàng nguyên chất gồm 3,3 triệu miếng vàng ghép lại trên diện tích 520m², tạo ra một nhà thờ Hồi giáo sáng rực cả một vùng đất. Mái vòm tròn có chóp tháp hình bầu mà điểm cao nhất được ghi nhận 52m, các tháp cao bằng cẩm thạch trong đó tháp chính có chiều cao hơn 44m.
Các tháp này cùng với những bức tường, cột, vòm cung được ốp đá cẩm thạch Ý là điển hình phong cách kiến trúc Ý thời kỳ Phục hưng - một điều hiếm gặp ở các kiến trúc Hồi giáo. Điểm thú vị là bên trong các tháp này đều có gắn hệ thống thang máy hiện đại dẫn lên đỉnh tháp, một vị trí đắc địa cho việc bao quát toàn cảnh thủ đô…
Trong khuôn viên nhà thờ có một chiếc cầu uốn cong được dùng làm phương tiện lưu thông của người dân làng Kampong Ayer, và một cây cầu cẩm thạch được xây dựng từ năm 1967, nối liền thánh đường với chiếc thuyền rồng đặt ở giữa đầm, cùng nhiều đài phun nước và cây xanh được trồng tỉa công phu, nơi đây được xem như thiên đường dành cho các tín đồ Hồi giáo.
Chiếc thuyền có tên là Mahaliya, được mô phỏng theo thuyền rồng Sultan Bolkiah nổi tiếng của Vương quốc Brunei thế kỷ XVI, thường được sử dụng trong các buổi lễ tôn giáo, như thi đọc kinh Qu’ran (Koran)…
Thuyền được trang trí tinh xảo với nghệ thuật chạm khắc Mosaic cùng các hoa văn kỷ hà tượng trung cho Hồi giáo. Khi đứng trên thuyền nhìn ra mặt hồ và tận hưởng không khí mát dịu cùng khung cảnh xung quanh khiến ta cứ ngỡ như ta đang lạc vào một thế giới trong cổ tích.
|
Đến Brunei, sẽ thật đáng tiếc nếu du khách không một lần ghé thăm ngôi thánh đường kỳ vĩ và độc đáo này. Vào những ngày, giờ nhất định trong tuần, đền thờ sẽ mở cửa đón khách vào tham quan bên trong. Du khách chỉ cần đăng ký tên vào sổ tại quầy lễ tân của đền thờ và sẽ được yêu cầu khoác vào người một chiếc áo choàng đen dài đến mắt cá chân do đền thờ cho mượn.
Được bước trên con đường trải thảm vương giả, chiêm ngắm một công trình tuyệt hảo với các họa tiết trang trí đầy tính nghệ thuật và sự chăm chút, âu sẽ là một trải nghiệm lý thú hiếm gặp trong đời.
Việc quan sát đền thờ từ bên ngoài cũng là một cách thưởng lãm không kém phần thú vị. Tại mỗi thời điểm trong ngày, Thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddin lại lộ ra vẻ đẹp riêng. Nếu ban ngày ngôi thánh đường đẹp rực rỡ dưới ánh nắng chói chang. Đến buổi chiều tà, khi một số ngọn đèn xanh được bật lên trên nóc, ngôi thánh đường bỗng trở nên huyền ảo với các chóp tháp dát vàng - đây là thời điểm du khách thích đến đây ngắm cảnh mặt trời lặn.
Đêm đến, nổi bật trên nền trời là mái vòm chính dát vàng tỏa sáng cùng hệ thống ánh sáng, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ. Khi dàn ánh sáng nghệ thuật phản chiếu là thời khắc Thánh đường trở nên lộng lẫy, kiêu sa trên mặt đầm phá lung linh.
Sultan Omar Ali Saifuddin vừa là một công trình kiến trúc độc đáo, vừa là niềm tự hào tôn giáo của người dân Brunei. Không chỉ là một công trình tôn giáo, Thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddin với những phong cách kiến trúc hiện đại còn là một di sản quốc gia mang dấu ấn Brunei, niềm tự hào của người dân Brunei.
Nhiều điểm tham quan tại thủ đô Brunei nằm gần nhau nếu tính từ trung tâm thành phố. Do vậy, bạn có thể đi dạo dọc bờ sông đến nhà thờ Hồi giáo Omar Ali Saifuddien và bảo tàng Hoàng gia Regalia trong vòng chưa đến 30 phút.
Vỉa hè rộng, không khí trong lành sẽ giúp du khách có những trải nghiệm thú vị khi dạo bộ. Thời gian lý tưởng để đi quanh thành phố là trước 11h và sau 17h. Khi thời tiết nắng nóng, bạn nên ghé thăm bảo tàng hoặc mua sắm tại trung tâm thương mại.
Quốc gia này có một mạng lưới xe bus thuận tiện để có thể đi vòng quanh thành phố, giá vé rẻ. Khi đến chỗ cần xuống, bạn ra hiệu cho tài xế bằng cách vẫy tay. Xe bus thường nghỉ sau 18-20h, do vậy bạn nên lưu trước số di động của tài xế taxi nếu có kế hoạch đi chơi khuya.