Khách công khai, chủ cửa hàng lén lút
Trưa ngày 8/7, PV dạo quanh khu vực trường Đại học sư phạm, nơi cũng được coi một trong những “thủ phủ” bán đề thi, các quán photocopy vắng hoe, chỉ một hai nhân viên ngồi trong quán. Nhìn có vẻ “đìu hiu” như vậy nhưng không thể ngờ, mọi hoạt động mua bán đề được “ngầm” hóa. Quan sát của PV cho thấy, thỉnh thoảng lại có một hai hoặc tốp thí sinh đi vào trong quán khoảng 5 phút rồi vội vã đi ra, mang theo một bọc “phao thi” trong gói giấy báo. Cung ắt sẽ có cầu, dù lén lút hay công khai hoạt động thì PV cũng không khó khăn để có thể tìm mua “phao” thi ở các quán đó.
Trong vai người nhà thí sinh tìm mua “phao” bộ đề thi khối C: Văn, Sử, Địa, PV vào một số cửa hàng photocopy trên để hỏi. Các nhân viên nhìn PV một lúc và đều nói “Không có” hoặc “không bán”, mặc dù trước đó PV đã quan sát có thấy các thí sinh vào đây mua “phao thi”. Thì ra trước đó một vài ngày, các cơ quan chức năng đã đi tuyên truyền và thu giữ những tài liệu liên quan đến kì thi đại học nên các cửa hàng này cảnh giác.
"Phao thi" được chủ quán cất kỹ trong tủ, khi thí sinh mua thì mới bỏ ra bán. |
PV được chủ quán Photocopy hướng dẫn cách sử dụng "phao thi" |
Một thí sinh "an tâm" rời khỏi quán photocopy với bộ "phao thi trong túi xách |
Tính mới thấy lãi khủng
Bà chủ quán photocopy ở gần Trường đại học sư phạm, vừa cắt giấy vừa nói: ngày trước chưa cấm thì nhà bà làm cả ngày lẫn đêm mới đủ “phao” cung cấp cho thí sinh, mỗi ngày vài tạ giấy. Gần đây do bị cấm nên phải làm lén lút mỗi khi đến các kì thi, các quán photocopy mở ra cũng nhiều nên “doanh thu” cũng giảm. Mỗi ngày trung bình dùng hết gần tạ giấy trong thời điểm này, đợt thi này có khối C, D nên nhu cầu về “phao thi” tăng vọt, có ngày dùng hết hơn tạ giấy. Nếu nhà không đáp ứng đủ “ nhu cầu” của các thí sinh thì sang lấy các quán khác về để “phục vụ”.
Bước vào bất kể quán photocopy nào trên các địa điểm như khu vực Bách Khoa, ĐH Kinh tế quốc dân, Đại học sư phạm, Đại học Công nghiệp Hà Nôi… điều dễ dàng nhận thấy hàng chồng giấy được xếp trong trong quán. Mặc dù hành vi in tài liệu thu nhỏ là vi phạm pháp luật nhưng ông chủ một cửa hàng bán “phao thi” gần trường Đại học công nghiệp Hà Nội cho biết, mùa thi nào “tài liệu” có sẵn trong máy, năm nay thêm tí chủ đề biển đảo thì mua lại của anh em những bài văn nói về biển đảo thêm vào bộ đề có sẵn, chỉ cần đặt lệnh in thì ra hàng đống, sẵn sàng để phục vụ các thí sinh. Các thí sinh đến mua phao thi chủ yếu là mua phao nhỏ để tiện mang vào phòng thi, nên càng đỡ tốn giấy. Ngày bình thường thì photo một trang chỉ hết có 300 đồng nhưng những ngày này thì tính theo đề, vài trăm nghìn một đề. Có “cầu” thì chúng tôi phải “cung” thôi, khách hàng là trên hết..
Chị N.T.N bán hàng văn phòng phẩm ở đường Lương Văn Can cho hay, loại giấy trắng đẹp đóng trong bao bì do các công ty giấy sản xuất thì bán với giá 50 nghìn/1 “gam”(500 tờ giấy A4). Còn giấy đen hơn, xấu hơn một chút bán 40 nghìn 1/“gam”, loại giấy vừa mỏng vừa đen thì bán với giá 30 nghìn/1 “gam”. Thông thường, các cửa hàng photocopy lấy loại giấy có giá 30 nghìn/ “gam” về để in tài liệu phục vụ cho mùa thi. Bởi giấy đó mỏng, mà “yêu cầu” của thí sinh là làm sao càng “ nhỏ, gọn, nhẹ” càng tốt.
Trong khi đó, nhìn vào máy photocopy của bà chủ quán in đề Văn cho PV chỉ mất 96 tờ giấy A4 đen xì và mỏng dính. Chỉ cần tính nhẩm đơn giản, bỏ ra 30 nghìn, cộng công cắt xén, mực in..để in một bộ “tài liệu” cho khối C bình thường, chủ quán photocopy cũng lãi 500 nghìn. Còn một bộ tài liệu có “tí” biển đảo, lãi đến trên 1 triệu đồng. Nếu một ngày chỉ cần bán được 10 bộ tài liệu, số lãi sẽ nhiều ra sao, trong khi số lượng thí sinh mua tài liệu cho các môn thi khối C, D và các khối khác có môn thi liên quan đến Văn, Sử, Địa không phải là ít. Dẫu sao đó cũng là một nghề kinh doanh…