Làm gì để để Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình mới tới từng nhà?

(PLVN) - Mặc dù trong 2 năm 2019-2020, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình mới chỉ thực hiện thí điểm tại 12 tỉnh, thành trước khi rút kinh nghiệm và nhân rộng, nhưng thực tế đã cho thấy “sức mạnh mềm” của Bộ tiêu chí đã thực sự lan tỏa đến với mọi miền, “gõ cửa” từng nhà, “làm bạn” với từng cá nhân thành viên gia đình…
Lễ phát động triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại xã Phú Cường, Hà Nội.

Bình đẳng ngay từ bữa cơm gia đình

Đó là chia sẻ của TS. Hoàng Thu Thủy công tác tại Trường CĐ Sư phạm Huế về những nội dung trong ứng xử của vợ chồng tại buổi sinh hoạt chuyên đề "Tiêu chí ứng xử vợ chồng - chung thủy, nghĩa tình" do Sở VH-TT và Hội LHPNVN tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức trong dịp tỉnh tổ chức phát động triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. 

Chị Thủy bắt đầu câu chuyện của chính gia đình mình: "Như gia đình tôi, cả hai vợ chồng đi làm cả. Chiều tan ca, vợ còn phải vào bếp nấu ăn. Nếu hôm nào làm việc mệt mỏi rồi mà nhìn cảnh chồng ngồi xem ti vi, con ngồi máy tính để chờ mâm cơm là mình cũng bực thêm. Chính vì thế, cả gia đình đều xuống bếp, chồng tôi thì rửa rau, con tôi thì bóc hành tỏi.

Dù việc nhỏ, nhưng dần thành quen và giờ chồng tôi rửa rau sạch nhất nhà, con tôi bóc hành cũng không bị cay mắt nữa… Bữa cơm gia đình lúc nào cũng trở nên ngon hơn". Câu chuyện của chị Thủy tuy rất nhỏ, riêng tư, gói hẹp trong phạm vi của một gia đình nhưng thông điệp mà nó truyền tải đến các ông chồng, bà vợ thì không hề nhỏ hẹp.

Rằng, chung thủy, nghĩa tình thì phải có quyền bình đẳng nghĩa vụ vợ chồng. Quyền bình đẳng không nhất thiết vợ làm nhiều việc nhà thì chồng cũng phải làm thật nhiều việc nhà; mà là sự hỗ trợ xuất phát từ tình yêu, sự sẻ chia. Và bình đẳng nhỏ nhất và cũng quan trọng nhất là bắt đầu từ chính bữa cơm gia đình. 

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có nhiều yếu tố tác động nên việc giữ gìn chung thủy cũng phải được coi trọng. Tiêu chí chung thủy trong mối quan hệ ứng xử vợ chồng được thể hiện rõ qua sự yêu thương, gắn bó. Có nhiều phụ nữ biết chồng sẽ về rất muộn nhưng vẫn đợi để cùng ăn bữa cơm. Một vài lần, người chồng sẽ cảm thấy thương yêu vợ hơn, tự bỏ các cuộc nhậu hay điều chỉnh thời gian làm việc hợp lý để về ăn cơm tối cùng vợ.

Thực tế là có khi người phụ nữ đã ăn cơm trước rồi, nhưng họ vẫn đợi và ăn lại cùng chồng. Chỉ một hành động cư xử tinh tế như vậy đã thể hiện tình cảm quan tâm, yêu thương và gắn bó giữa vợ chồng. Thêm nữa, TS. Hoàng Thu Thủy cho biết kinh nghiệm gìn giữ gia đình trong hơn 20 năm qua của chị chính là yên lặng và lắng nghe. Người phụ nữ biết yên lặng và lắng nghe khi cần thiết thì gia đình mới yên ổn.

Hạnh phúc là sẻ chia!

Là một trong 12 tỉnh, thành được chọn thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Sở VH-TT Hà Nội đã phát động việc triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí tại xã Phú Cường (huyện Ba Vì) và phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), hàng trăm hộ gia đình đã tham gia hưởng ứng ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử trong gia đình ở các nhóm vợ chồng, cha mẹ, ông bà, con cháu, anh, chị em... 

Là Trưởng thôn Thanh Chiểu (xã Phú Cường) với 849 hộ dân, anh Nguyễn Khắc Thiện cho biết trong thôn hầu hết người dân, đặc biệt là đàn ông đã nhận thức được xu thế ngày nay là vợ chồng, nam nữ bình đẳng.

“Không phải chỉ những cán bộ, hay trí thức mà ngay cả các anh phụ hồ, thợ xây khi đi làm thuê ở bên ngoài đã nhận thức được điều này. Do đó, mấy năm nay thôn Thanh Chiểu không có ly hôn từ nguyên nhân bạo lực gia đình. Dù trước đó, nhiều anh chồng cứ uống rượu vào là quậy phá, thậm chí đánh vợ, nhưng bây giờ thì đã thay đổi”, Trưởng thôn Thanh Chiểu cho hay. 

Riêng về gia đình mình, anh Thiện chia sẻ, dù vợ chỉ làm nông nghiệp nhưng mọi chuyện trong nhà luôn có sự bàn bạc và đồng thuận của hai vợ chồng. Do đặc điểm công việc, nhiều hôm về sớm nhưng anh không bao giờ nề hà, xắn tay vào nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.

Có một con trai và một con gái, anh cũng dạy các con cùng làm việc nhà, nấu cơm, rửa bát không phân biệt con trai, con gái. Anh Nguyễn Khắc Thiện cùng với 300 hộ gia đình khác trong xã Phú Cường đã ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. 

Tại phường Khương Trung, ông Đỗ Quang Minh, một trong những gia đình ký cam kết chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng các nội dung của Bộ tiêu chí đặt ra gần gũi với thực tế hiện nay của các hộ gia đình. Việc thực hiện cam kết sẽ giúp cho các gia đình ý thức được hơn nữa những giá trị chuẩn mực về đạo đức, văn hóa gia đình, đặc biệt là ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức trong gia đình, giữ gìn sự ổn định và hạnh phúc của mỗi gia đình”.  

Ông Lã Văn Loan, Chủ tịch UBND xã Phú Cường (Ba Vì, Hà Nội):

Với vai trò, trách nhiệm được giao chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, từng bước nâng cao ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, trách nhiệm, nhận thức của mỗi người với bản thân, gia đình và cộng đồng, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

Bên cạnh đó, là địa phương được thí điểm trong quá trình thực hiện chúng tôi sẽ mạnh dạn đề xuất các giải pháp, góp ý bổ sung hoặc điều chỉnh các tiêu chí ứng xử phù hợp với đặc điểm văn hóa và phong tục tập quán ở địa phương. 

Ông Trương Bá Trạng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh An Giang:

Để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử, Sở VHTT&DL yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể nghiêm túc thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, quan tâm xây dựng các tập thể điển hình, cá nhân tiên tiến về ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, anh em hòa thuận, vợ chồng thủy chung…

Ông Phạm Hoàng Long - Phòng xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở VHTT&DL tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu:

Để các mối quan hệ xã hội và ứng xử trong gia đình được tốt đẹp thì việc nhận thức và thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình có ý nghĩa quyết định. Đây là vấn đề đạo đức, giá trị xã hội, giá trị văn hóa mang những bản sắc riêng của từng loại hình gia đình, tộc người và quốc gia.

Trong những năm qua, hoạt động xây dựng nếp sống gia đình chưa có điều kiện đi sâu vào xây dựng một hệ thống tiêu chí ứng xử trong gia đình để làm công cụ hiệu quả, cụ thể hơn trong thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở. Ứng xử trong gia đình và tiêu chí ứng xử trong gia đình cần được tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.

Đọc thêm